Máy bay AT200 chuẩn bị cất cánh thử nghiệm - Ảnh: TTXVN
Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, Viện Vật lý nhiệt Công trình (ETP) cho biết chiếc máy bay vận tải không người lái AT200 đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên kéo dài 26 phút.
Vụ thử nghiệm diễn ra tại Sân bay Nội Phủ (Neifu), huyện Bồ Thành (Pucheng), tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi) vào ngày 26-10 vừa qua.
Cơ quan trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết máy bay AT200 do một số viện nghiên cứu và doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác nghiên cứu và chế tạo.
Chiếc máy bay có thân dài 11,84m, ngang 12,8m và cao 4m này có trọng lượng cất cánh tối đa đạt 3,4 tấn, khả năng chuyên chở 1,5 tấn hàng hóa nhờ khoang chứa hàng đến 10 m3.
Khoang chứa hàng của chiếc AT200 - Ảnh: TTXVN
Để so sánh, chiếc trực thăng K-MAX không người lái do tập đoàn Lockheed Martin phát triển cho quân đội và chính phủ Mỹ cũng chỉ có thể mang theo 2 - 3 tấn hàng hóa.
Được phát triển trên nền tảng của chiếc máy bay đa dụng hạng nhẹ P750XL, chiếc AT200 có tốc độ bay tối đa 313 km/h, tầm bay 2.183 km, trần bay 6.098 mét, tự động hoàn thành quãng đường cất và hạ cánh trên đường trống chỉ cần dài 200 mét.
Theo Viện ETP, máy bay AT200 có thể là một trong những chiếc UAV dân dụng mạnh mẽ nhất thế giới. Chiếc máy bay này có thể vận chuyển hàng hoá tới các vùng miền núi và đảo.
Báo SCMP dẫn nguồn tin từ viện nghiên cứu của Trung Quốc khẳng định các máy bay này "sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếp tế quân sự cho các đảo ở Biển Đông"
Như vậy nếu được sản xuất đại trà, chúng sẽ dùng tiếp tế dầu diesel, lương thực, thuốc men và hơn thế nữa là khí tài ra các đảo mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Theo báo của Hong Kong, các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông đã xây dựng hệ thống quân sự, có binh sĩ trú đóng nên cần được tiếp tế thường xuyên. Việc tiếp tế bằng đường biển đôi khi mất vài tuần từ căn cứ gần nhất nếu thời tiết xấu.
Máy bay cất cánh bay thử nghiệm được 26 phút. Nó sử dụng động cơ PT6A 750 mã lực do hãng Pratt & Whitney Canada sản xuất - Ảnh: TTXVN
Báo SCMP cho biết nếu cất cánh từ đảo Tam Á - thành phố cực nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc), thì máy bay không người lái này có thể đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép chỉ trong 1 giờ, đến bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền của Philippines chỉ trong 3 giờ, đến một số đảo thuộc Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ trong 4 giờ.
Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc cũng đã giới thiệu loại trực thăng không người lái AV500W có chiều dài 7,2 m, trọng lượng cất cánh tối đa 450 kg với tốc độ tối đa 170 km/h, tầm bay cao 4000 mét.
Các cuộc thử nghiệm cần thiết sẽ hoàn thành trước cuối năm nay để có thể chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt kể từ năm 2018.
Đoạn ghi hình thử nghiệm máy bay vận tải không người lái của Trung Quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận