Phóng to |
Máy ATM Ngân hàng SeaBank bị cô lập do rò rỉ điện (ảnh chụp tại số 243 Chu Văn An, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM tối 5-4) - Ảnh: H.T.V. |
Theo lãnh đạo Công ty Điện lực TP.HCM, hiện có đến 27 ngân hàng với 121 máy ATM bị rò rỉ điện, trong đó có tám ngân hàng có 5-8 máy ATM bị rò rỉ điện. Công ty Điện lực TP.HCM đã đề nghị các ngân hàng có máy ATM không an toàn phải khắc phục ngay, khẩn trương lắp đặt CB chống rò điện tại các điểm đặt và thông báo cho các điện lực khu vực hỗ trợ khi cần thiết.
Điều đáng nói, trong 121 máy ATM mà Công ty Điện lực TP.HCM phát hiện rò điện có đến 30 máy ATM bị rò điện cấp độ từ 100-120V ở vị trí vỏ máy và bàn phím; các máy này có cả ở nhà thiếu nhi, trung tâm thương mại, phòng giao dịch...
Thực tế rất đáng lo ngại
Tìm hiểu tại một số máy ATM ngoài trời bị rò điện, phóng viên Tuổi Trẻ phát hiện chấu cắm điện nối giữa máy ATM với nguồn điện là loại phích cắm hai chấu. Theo một cán bộ kỹ thuật điện, đa số máy ATM nhập về đều có phích cắm ba chấu, trong đó một chấu có nhiệm vụ thay thế cọc tiếp đất (thường gọi là tiếp địa) đã bị đơn vị lắp đặt bẻ để phù hợp với ổ cắm hai chấu ở Việt Nam. Nếu như các ngân hàng lắp đặt máy ATM mà có cọc tiếp đất sâu khoảng 2m để thay cho chấu cắm bị bẻ thì không có vấn đề gì xảy ra.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều ngân hàng lắp đặt tủ thẻ ATM nhưng không đóng luôn cả cọc tiếp đất, điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận dòng điện trung bình có thể rò rỉ ít nhất ở mức 36V, còn cao nhất thì tùy theo vị trí lắp đặt tủ ATM.
"ATM là một loại máy công cụ, đơn vị trực tiếp quản lý là các ngân hàng, điện lực có trách nhiệm cung cấp đầy đủ điện năng theo hợp đồng với khách hàng và quản lý phần tính đến điểm cuối nhánh dẫn điện, còn phần đấu nối và sử dụng thuộc về trách nhiệm của ngân hàng. Tuy nhiên ngành điện luôn sẵn sàng phối hợp, hướng dẫn khách hàng của mình sử dụng điện an toàn" Ông Vũ Quang Hùng (phó giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội) |
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Huỳnh Hà - trưởng phòng quản lý dịch vụ ATM Ngân hàng Ngoại thương - cho biết đúng là các điểm ATM do ngân hàng lắp đặt đều phải có cọc tiếp đất, “nhưng khi chúng tôi thuê địa điểm thì có chỗ đơn vị thi công không thể đóng cọc tiếp đất do nơi cho thuê không đồng ý”.
Ông Hà giải thích thêm: “Máy ATM mới tinh nhập từ nước ngoài về cũng có sự rò rỉ rồi, nên phải lưu ý tới chuyện phích cắm ba chấu. Khổ nỗi ở Việt Nam không phải chỗ nào cũng có ổ điện ba chấu để cắm loại phích này, thường phải cắt bớt chấu thứ ba. Khi mất chấu này, tác dụng triệt tiêu dòng điện nhiễm bị mất đi, buộc phải đóng cọc tiếp đất nhưng không phải tòa nhà nào cũng cho đóng cọc”. Ông Hà còn nói ngân hàng sắp tới sẽ kiên quyết đóng lại các cọc tiếp đất tại những điểm chưa có. “Chúng tôi đảm bảo trong vòng hai tuần không còn các điểm của Vietcombank bị rò điện” - ông Hà nhấn mạnh.
Một cán bộ quản lý máy ATM tại một ngân hàng cho biết hiện nay tình trạng máy ATM ngoài trời khá mất ổn định. Đường dây chịu mưa, nắng và cả bị... chuột cắn. Qua kiểm tra ngành điện còn phát hiện một số điểm lắp đặt đấu nối dây bị rò điện vì dây để trần. Về trách nhiệm, một số ngân hàng thừa nhận chủ quan thiếu cẩn trọng trong việc lắp đặt ATM.
Qua tình hình kiểm tra an toàn sử dụng điện ATM, chúng tôi được biết có hai dạng rò rỉ điện là rò rỉ trực tiếp từ máy ATM và rò điện từ nguồn ra ngoài như dạng rò điện từ dây trong hộp đèn quảng cáo của máy ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Từ hiện trạng tăngphô đèn của hộp đèn quảng cáo gây rò điện máy ATM của Agribank, nhiều đơn vị trong ngành điện giật mình trước việc thi công lắp hộp quảng cáo trên phòng máy ATM bởi đấu nối quá sơ sài, cẩu thả.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều ngân hàng xác nhận không có đơn vị quản lý nhà nước nào giám sát, kiểm tra, kiểm định việc lắp đặt máy ATM, mọi cái đều do các ngân hàng “tự biên tự diễn”.
Rà soát máy ATM trên toàn quốc
Ngày 5-4, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng phải rà soát lại hiện trạng máy ATM và báo cáo trước ngày 8-4. Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện máy ATM bị rò điện hoặc không đảm bảo an toàn thì phải phong tỏa ngay, đồng thời hướng dẫn khách hàng đến giao dịch rút tiền ở nơi khác.
Cùng ngày, Công ty Điện lực Hà Nội đã gửi công văn tới các chi nhánh điện yêu cầu khẩn trương làm việc với các ngân hàng có đặt máy ATM trên địa bàn thủ đô. Theo ông Vũ Quang Hùng - phó giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội, các chi nhánh điện lực có trách nhiệm hướng dẫn các ngân hàng kiểm tra hệ thống cấp điện, dây dẫn điện, tiếp đất, các điểm nối của tất cả các buồng đặt máy ATM. Công ty Điện lực Hà Nội cũng nhận định nguyên nhân gây điện giật ở máy ATM là không đấu dây tiếp đất, đi dây điện không đúng kỹ thuật, đấu nối dây bất cẩn...
Bắt đầu từ nay đến 15-4, 20 điện lực ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ sẽ kiểm tra an toàn về điện đối với máy ATM. Đây là chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo Công ty Điện lực 2 trong ngày 5-4. Theo đó, ngoài việc kiểm tra, các điện lực phải có khuyến cáo chung về việc thiết kế, thi công hệ thống điện cấp cho các máy ATM trong thời gian tới.
Tại Đà Nẵng, ông Lê Thanh Minh - giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng - cho hay ngành điện lực Đà Nẵng đã làm việc với Sở Công thương, Ngân hàng Nhà nước để kết hợp triển khai kiểm tra hệ thống điện toàn bộ máy ATM của các ngân hàng trên địa bàn. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng có công văn gửi đến 35 chi nhánh ngân hàng sở hữu 250 máy ATM và yêu cầu phải có trách nhiệm phối hợp với ngành điện tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống điện trong buồng máy ATM.
Riêng TP.HCM, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước TP.HCM chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng quận - huyện, các đơn vị thanh toán thẻ ATM tại TP.HCM tổng rà soát, kiểm tra các điểm có nguy cơ rò điện của hệ thống cấp điện. Sở Công thương TP còn đề nghị UBND quận - huyện, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tổng kiểm tra, rà soát các bảng quảng cáo kinh doanh - dịch vụ, các tủ điện, các công trình đặt tại các khu vực công cộng, các tụ điểm vui chơi giải trí.
Tin bài liên quan:
118 máy ATM tại TP.HCM bị rò điệnMột học sinh bị điện giật chết ở phòng máy ATMPhát hiện 57 máy ATM rò điệnVụ HS bị điện giật chết ở phòng máy ATM: điện rò từ tăng phô đènĐừng để chuyện buồn cứ tái diễnRà soát máy ATM trên toàn quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận