05/04/2010 08:14 GMT+7

Đừng để chuyện buồn cứ tái diễn

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Lại thêm một học sinh nhỏ tuổi chết do sự cố rò rỉ điện tại một thiết bị đặt ở nơi công cộng, lần này là một máy rút tiền tự động. Nhiều, thậm chí quá nhiều vụ tai nạn xảy ra do sự tắc trách của người lớn mà nạn nhân là trẻ nhỏ.

Có vẻ như lần này không khó để xác định người phải chịu trách nhiệm; bản thân những cá nhân, tổ chức bị cho là có liên quan cũng tỏ ra có quan tâm đến việc hợp tác với gia đình nạn nhân để chia sẻ mất mát, khắc phục hậu quả.

Song ai cũng hiểu những hậu quả mất mát như thế thì chẳng bao giờ được khắc phục, bù đắp trọn vẹn; bởi vậy, phải làm thế nào để ngăn ngừa, giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm tương tự. Rõ hơn, phải làm thế nào để bảo đảm một cách hữu hiệu sự an toàn không chỉ cho trẻ em mà cả người lớn, nói chung mọi thành viên xã hội, khi đi lại ở nơi công cộng.

Trong điều kiện luật pháp cho phép người này người nọ đặt ở nơi đó những thiết bị có thể gây nguy hiểm đối với cộng đồng thì phải có cách làm cho chủ thể thấy sự cần thiết của các hệ thống loại trừ nguy hiểm, rủi ro, buộc người ta phải thiết lập các hệ thống đó với thái độ nghiêm túc, mẫn cán, dù công việc có đòi hỏi chi phí cao.

Chẳng hạn, nếu biết rằng trong trường hợp không bảo quản tốt máy rút tiền, để xảy ra tai nạn gây chết người, tổ chức liên quan có thể bị phạt tiền nặng đến mức phá sản và cá nhân liên quan có thể bị tống giam nhiều năm trong lao tù, thì chắc chắn người ta sẽ chẳng dám lơ là mà sẽ quan tâm đúng mức đến những việc cần làm để tránh rủi ro cho mình.

Ngược lại, nếu nhận thấy sự tắc trách, xuề xòa chỉ bị xử phạt chiếu lệ, đặc biệt là chẳng thấm vào đâu so với lợi ích thu được, thì tự nhiên người ta có xu hướng chọn lấy thái độ sống đó, bởi nó quá dễ theo, dễ thực hành mà lại ít tốn kém.

Điều đáng quan ngại là khung pháp lý hiện tại lại tỏ ra thuận lợi cho việc phát triển xu hướng tiêu cực ấy.

Trong rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, việc xử phạt về vật chất thường không tương xứng với thiệt hại gây ra. Chưa nói đến những sai lầm trong việc định lượng, dẫn đến tình trạng nghịch lý: gây thiệt hại nặng chỉ bị phạt nhẹ và ngược lại; sự nghịch lý đã tạo điều kiện cho những toan tính cân phân lạnh lùng đến rợn người.

Ví dụ điển hình là vụ lái xe cố tình cán chết người gây bức xúc trong dư luận gần đây: nhận thấy chuyện đã lỡ, hiểu rằng để nạn nhân chỉ bị thương tật thì có thể dây dưa trách nhiệm bồi thường đến suốt đời, còn làm cho nạn nhân chết thì có điều kiện giải quyết dứt khoát hậu quả trong một lần, người lái xe đã chọn phương án thứ hai (!?).

Chính vì vậy, cần phải nhanh chóng rà soát hệ thống luật pháp, phải hoàn thiện cơ chế xử lý vi phạm đủ sức răn đe; nếu cần, phải làm cho người ta hoảng sợ khi nghĩ đến chuyện phải đương đầu, đối mặt với sự trừng phạt của công lý. Trên hết, phải bảo đảm việc áp dụng pháp luật kịp thời, chính xác và nghiêm minh trong mọi tình huống chế tài. Có như thế, những chuyện đáng buồn như vừa qua mới không có điều kiện thuận lợi để tái diễn.

Tin, bài liên quan:

Một học sinh bị điện giật chết ở phòng máy ATMPhát hiện 57 máy ATM rò điệnVụ HS bị điện giật chết ở phòng máy ATM: Điện rò từ tăng phô đènĐừng để chuyện buồn cứ tái diễn

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên