28/08/2017 09:36 GMT+7

Maxk Nguyễn và lời xin lỗi muộn màng nhưng cần làm

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Maxk Nguyễn vốn là- một cái tên không xa lạ trong giới sáng tạo trẻ Sài Gòn qua những dự án thú vị về Sài Gòn như Saigon Emoji, Saigon sau vai, Saigon 3 mét vuông, Vịt lộn vịt dữa...

Một tác phẩm của họa sĩ, nhà thiết kế Francis Curran về Hà Nội bị Maxk lấy nguyên xi đưa vào dự án Saigon Emoji như một tác phẩm của mình -  Ảnh chụp màn hình
Một tác phẩm của họa sĩ, nhà thiết kế Francis Curran về Hà Nội bị Maxk lấy nguyên xi đưa vào dự án Saigon Emoji như một tác phẩm của mình - Ảnh chụp màn hình

Đêm 26-8, Maxk Nguyễn đã lên tiếng thừa nhận và xin lỗi về hành động “đạo” tác phẩm của nghệ sĩ khác đưa vào dự án cá nhân Saigon Emoji của anh.

Có thể nói dù Saigon Emoji hay một số dự án khác của Maxk Nguyễn (tên thật là Nguyễn Mạnh Khôi) đều là những dự án phi lợi nhuận, nhưng chúng đã mang đến tiếng tăm, cơ hội trên con đường nghề nghiệp của nghệ sĩ này, đặc biệt anh cũng có một lực lượng người hâm mộ (phần lớn là các bạn trẻ) đông đảo.

Vì thế khi những bằng chứng đầu tiên về việc “trùng lắp ý tưởng” trong Saigon Emoji được nghệ sĩ Hiếu Châu đưa lên trên trang cá nhân, thay vì đối mặt, Maxk tìm cách đánh tráo khái niệm, khẳng định mình trong sạch.

Chính điều này tạo nên làn sóng phản đối trong cộng đồng sáng tạo ở Việt Nam, nhất là những nghệ sĩ lâu năm và có tiếng nói trong nghề.

Họ liên lạc với các nghệ sĩ quốc tế, xác định được quyền sở hữu cá nhân của nghệ sĩ với từng tác phẩm và bàng hoàng nhận ra có những tác phẩm được copy 100% đăng trên Saigon Emoji như tác phẩm của Maxk, nhưng thực ra là tác phẩm của nghệ sĩ khác.

Chẳng hạn như tác phẩm về người xích lô kéo xe hàng của họa sĩ, nhà thiết kế Francis Curran.

Lời xin lỗi muộn màng, đến vào thời điểm mọi bằng chứng từ các nghệ sĩ quốc tế đều chống lại những khẳng định trên Facebook cá nhân của Maxk, lúc sự việc mới manh nha rằng “Saigon Emoji không bao giờ đạo nhái!” - dường như không còn nhiều giá trị!

Nhưng dẫu sao Maxk đã làm điều cần làm, như Maxk viết: “Là một người đang tham gia cộng đồng sáng tạo và trên con đường xây dựng nghề nghiệp thông qua sự sáng tạo, mình hoàn toàn ý thức việc sử dụng hoặc cắt ghép artwork của artist khác là một việc vô cùng tai hại.

Điều đó có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến những cá nhân có liên quan đến sản phẩm một khi nó từng là giá trị tinh thần không cân đong đếm được. Đây không phải là lời biện minh. Đây là một bài học lớn cho mình về sau...”.

Với những người trong giới sáng tạo, sáng tác, thiết kế, mỹ thuật, đây là một bài học đắt giá nhưng cũng thật cần thiết ở thời điểm hiện tại, như lời chia sẻ của họa sĩ Khoa Lê:

“Nền công nghiệp mỹ thuật - thiết kế còn non trẻ của chúng ta đang ở thời điểm tôi cảm nhận được là đã và đang gây sự chú ý, từng bước được thế giới công nhận, thông qua những giải thưởng quốc tế về sách và minh họa gần đây.

Vậy thì không có lý do gì lại phá hoại nó bằng cách thỏa hiệp với tình trạng xâm phạm bản quyền, chuyện đạo nhái, để sẽ bị tẩy chay y như trong trường hợp của mỹ thuật (fine-art)”.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên