26/08/2017 21:12 GMT+7

Những dấu ấn Sài Gòn của Maxk Nguyễn: Hoá ra là chôm chỉa?

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Gây bão trên mạng xã hội hai ngày qua là câu chuyện liên quan đến Maxk Nguyễn, khi những artwork rất nổi tiếng của anh về Sài Gòn bị trưng ra là đạo nhái và 'chôm chỉa' trắng trợn từ các nghệ sĩ quốc tế.

Hình ảnh chiếc xích lô thồ hàng của nghệ sĩ Francis Curran được đưa vào nguyên si trong dự án Saigon Emoji của Maxk Nguyễn
Hình ảnh chiếc xích lô thồ hàng của nghệ sĩ Francis Curran được đưa vào nguyên si trong dự án Saigon Emoji của Maxk Nguyễn

Liên lạc với Maxk Nguyễn chiều 26-8, anh chia sẻ sẽ có những phản hồi chính thức vào ngày mai trên trang cá nhân của mình, còn thời điểm hiện tại Maxk không đưa ra bất cứ bình luận nào thêm. 

Tuy vậy, việc các tác phẩm của dự án Saigon emoji trên trang Instagram của dự án đang liên tục được xoá bỏ, cộng thêm những bằng chứng hai chiều đến từ các artist nước ngoài đã nói lên tất cả! Maxk có thể phạm sai lầm nhưng không phải vì điều đó mà phủ nhận tất cả những sáng tạo của anh trong giới làm nghề. 

Đây là điều cần rất tỉnh táo trong tranh luận. Chỉ có điều, sai ở đâu và cách thừa nhận như thế nào? Bởi nên nhớ, ngoài là một nghệ sĩ sáng tạo trẻ, Maxk còn là “thần tượng” của rất nhiều những người trẻ đang muốn dấn thân vào con đường sáng tạo này.

Maxk Nguyễn (Nguyễn Mạnh Khôi) là cái tên không xa lạ với những bạn trẻ yêu thích sáng tạo tại Sài Gòn.

Tên tuổi của anh gắn liền với các dự án thú vị về Sài Gòn như Saigon Emoji, Sài Gòn sau vai, Vịt lộn vịt dữa, Sài Gòn 3 mét vuông…bởi độ phủ sóng (viral) rộng rãi. Với những thành công đó, không ai có thể chối bỏ Maxk là một người trẻ có tài.

Điềm nhiên “cầm nhầm” và đánh tráo khái niệm

Vụ việc về Maxk Nguyễn bắt đầu được quan tâm khi Facebooker Hiếu Châu (Sith) một nghệ sĩ khá nổi tiếng trong giới sáng tạo tại Sài Gòn tìm thấy sự giống nhau về ý tưởng của nghệ sĩ Alessi với ý tưởng bịch trà sữa của Maxk.

Sau việc này, một loạt các ý tưởng khác của Maxk cũng được cho là “giống một cách kì lạ” với tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới.

Câu chuyện nhanh chóng được lan truyền và trở thành một làn sóng thu hút chưa từng có trong giới sáng tạo khi Maxk Nguyễn trả lời một trang báo dành cho giới trẻ rằng anh không đạo ý tưởng, mà chỉ là “ý tưởng lớn gặp nhau”, và bản thân anh đã có xin phép nghệ sĩ trước khi dùng.

Ngoài ra một số tác phẩm khác được nghi là đạo nhái là bởi anh lấy ảnh từ kho ảnh stock (nguồn ảnh có sẵn), được tìm thấy trên Google và thiếu cẩn trọng trong việc ghi nguồn, chứ ý tưởng thì vẫn là của anh.

Tác phẩm của nữ hoạ sĩ Martine Storm
Tác phẩm của nữ hoạ sĩ Martine Storm

Nhưng ngay sau đó, các nghệ sĩ đã cùng nhau tìm hiểu và phát hiện ra rằng Maxk chỉ mới gửi tin nhắn xin phép nghệ sĩ quốc tế cách đây vài ngày.

Và chuyện sử dụng ảnh stock miễn phí trên Internet của Maxk thực ra là ảnh được cắt từ một tác phẩm của hoạ sĩ Martine Storm, hiện đang sống tại Na-uy.

Các tác phẩm đạo nhái này chủ yếu đến từ dự án Saigon Emoji của Maxk, và dự án Saigon Sau vai cũng được “truyền cảm hứng” từ một dự án đã làm trước đó của một nghệ sĩ nước ngoài đã từng đến Việt Nam.

Điều này đã được Trần Hữu Danh, một nhà thiết kế cộng tác với Maxk trong dự án Saigon sau vai thừa nhận và gửi lời xin lỗi đến cộng đồng sáng tạo Việt Nam.

Tác phẩm của Maxk Nguyễn cắt ghép từ tác phẩm của hoạ sĩ Martine Storm
Tác phẩm của Maxk Nguyễn cắt ghép từ tác phẩm của hoạ sĩ Martine Storm

Cá biệt là có những tác phẩm được copy 100% để đăng trên Saigon Emoji như tác phẩm của Maxk, nhưng thực ra lại là tác phẩm của nghệ sĩ khác, chẳng hạn như tác phẩm về một người xích lô kéo xe hàng của hoạ sĩ, nhà thiết kế Francis Curran.

“Vấn đề ở đây là Maxk đã lấy tác phẩm của họa sĩ khác nhưng dùng như là của mình. Maxk cắt ghép tác phẩm của họa sĩ khác để tạo thành tác phẩm cá nhân, việc này là trái luật lẫn trái đạo đức.

Các tác phẩm của nữ hoạ sĩ Martine Storm đăng trên Behance có giấy phép tác quyền là dạng cấm sửa đổi, thương mại hóa hay bán lại. Nếu đăng lại phải xin phép và đề tên. Nhưng Maxk không làm điều đó.

Vấn đề sâu xa hơn, với cách đối đáp trên một số trang, Maxk đang cổ xúy việc sử dụng bản quyền trí tuệ của người khác, thêm vào một số hiệu ứng hình ảnh, và coi như thế là đủ để thành tác phẩm cá nhân.

Tôi không bàn đến những nghi án hay ý tưởng trùng nhau của Maxk mà chỉ bàn đến những trường hợp xâm phạm bản quyền là rõ ràng và thô bạo, có sự xác nhận của chính các hoạ sĩ bị xâm phạm.

Việc đánh tráo khái niệm coi các tác phẩm trên là stock google là ngụy biện nguy hiểm. Và cũng hoàn toàn vi phạm chuyên môn của lĩnh vực thiết kế sáng tạo bởi Google có cung cấp đầy đủ các công cụ tìm kiếm hình ảnh có thể sử dụng miễn phí.

Do đó, việc bạn không vận dụng các công cụ này chỉ có 2 khả năng: thứ nhất là là nhận thức yếu kém về bản quyền, và thứ hai là cố tình sai phạm” hoạ sĩ Trương Huyền Đức chia sẻ.

Bức thư phản hồi của hoạ sĩ Martine Storm về việc tác phẩm của chị có bản quyền và nghiêm cấm việc sửa đổi
Bức thư phản hồi của hoạ sĩ Martine Storm về việc tác phẩm của chị có bản quyền và nghiêm cấm việc sửa đổi

Không nhắm đến cá nhân, ngoài bài học tự trọng cho một nghệ sĩ!

Đó là câu trả lời mà nhiều nghệ sĩ uy tín, đang hoạt động trong ngành sáng tạo tại Việt Nam khẳng định khi trưng ra những bằng chứng sắt thép, thuyết phục và tốn không ít công sức để thu thập về vụ việc của Maxk Nguyễn.

Sự việc của Maxk đình đám hơn cũng là do Maxk sở hữu một lượng fan đông đảo, và đang cố tình không nhìn thẳng vào vấn đề bằng những khái niệm đánh tráo.

Trước Maxk Nguyễn, câu chuyện bìa sách của hoạ sĩ thiết kế bìa Đình Điệp cho cuốn sách Cô gái Brooklyn của tác giả Musso, do công ty sách Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn liên kết phát hành, giống nhau đến 80% về ý tưởng, cách phối màu cùng phong thái của nhân vật trung tâm đã bị chính tác giả của bức tranh Pascal Campion lên tiếng.

Đình Điệp đã phải viết thư xin lỗi Pascal và thừa nhận anh có bị ảnh hưởng từ bức tranh của Pascal cho việc sáng tạo ra bìa sách lần này.

Hay mới nhất là việc nhà sản xuất của bộ phim Lời nguyền gia tộc vô tư sử dụng ca khúc Unchained Melody trong phim mà không hề có một dòng credit nào về ca khúc hay đưa ra được những giấy tờ hợp lệ cho việc được phép sử dụng ca khúc này trong phim - một bộ phim có bán vé.

Tất nhiên, trước Lời nguyền gia tộc, một số phim chiếu rạp khác cũng tự nhiên lấy nhạc người bỏ vào phim mình một cách hồn nhiên.

Đáng ngạc nhiên nhất là khi PV Tuổi Trẻ online liên lạc với Viết Thanh - giám đốc âm nhạc của bộ phim này, anh quanh co và trả lời: “Các bạn soi vào những chuyện đó để làm gì trong khi luật bản quyền ở VN đã rõ ràng chưa?” và hoàn toàn không thừa nhận hành động này là sai trái!

“Có một điều là Việt Nam vẫn bị xem là một thị trường nhỏ, không đáng quan tâm trong giới sáng tạo, hay làm nghệ thuật, cho nên các hãng hay nghệ sĩ quốc tế ít tiến hành kiện tụng” hoạ sĩ Trương Huyền Đức, một trong những người đã cất công liên hệ với nghệ sĩ bị đạo tác phẩm trong vụ việc của Maxk Nguyễn chia sẻ.

Nói về vấn đề đạo nhái, sử dụng một cách vô tư - hoặc cố ý những sáng tạo từ người khác trong giới nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam, hoạ sĩ Khoa Lê - một trong những người có tiếng nói trong giới nghệ thuật/thiết kế thẳng thắn:

“Dù là đi theo dòng nào (mỹ thuật hay thiết kế ứng dụng) thì người nghệ sĩ sáng tạo nói chung đều có một gốc chính là nghệ thuật.

Và cho dù khác "dòng" với nhau, không có dòng nào lại chấp nhận việc làm nhái, đạo tranh/ đạo thiết kế cả.

Cho nên cần hiểu rõ và không nên đánh tráo khái niệm là những người không làm cùng dòng nghệ thuật mà Maxk đang theo đuổi thì không được lên tiếng.

Nếu mọi người theo dõi sẽ thấy, thị trường Mỹ thuật ở Việt Nam đang điêu đứng vì thực trạng tranh nhái, và chúng ta bị coi thường vô cùng, gần như bị lãng quên trên thị trường nghệ thuật thế giới.

Nhưng với nền công nghiệp mỹ thuật - thiết kế còn non trẻ này, chúng ta đang ở thời điểm, tôi cảm nhận được là đã và đang gây được chú ý, từng bước được công nhận bởi thế giới, thông qua những giải thưởng quốc tế về sách và minh hoạ gần đây.

Vậy thì không có lí do gì lại phá hoại nó bằng cách thoả hiệp với tình trạng xâm phạm bản quyền, chuyện đạo nhái, để sẽ bị tẩy chay y như trong trường hợp của Mỹ thuật (fine-art).

Ngoài ra, có rất nhiều bạn trẻ sẽ hoang mang vì sự kiện này, như: ôi nếu copy như vậy sẽ dễ nổi tiếng, thành công, mình không cần phải cố gắng nữa, mình hãy theo gương những "người nổi tiếng" đó.

Tôi cảm thấy câu chuyện này ảnh hướng lớn đến cả một thế hệ sáng tạo tương lai theo một cách rất tiêu cực”.

Và chừng nào những nghệ sĩ trẻ, hay thậm chí không còn trẻ vẫn nghĩ rằng "Việt Nam quá nhỏ để bị phát hiện ra" hay bản quyền là điều xa xỉ thì chừng đó nghệ thuật ở Việt Nam vẫn còn ở đâu đó xa xôi trên bản đồ thế giới. 

Saigon Sau vai được
Saigon Sau vai được "truyền cảm hứng" từ một triển lãm của nghệ sĩ khác và Trần Hữu Danh, một trong những hoạ sĩ tham gia dự án đã lên tiếng xin lỗi nhưng Maxk Nguyễn - chủ xị của dự án vẫn im lặng
Hình ảnh bịch truyền của Maxk Nguyễn (trái) được lấy cảm hứng từ tác phẩm của nghệ sĩ người Anh Alessi (phải)
Hình ảnh bịch truyền của Maxk Nguyễn (trái) được lấy cảm hứng từ tác phẩm của nghệ sĩ người Anh Alessi (phải)
Tác phẩm của Maxk (phải) đăng tải trên Saigon Emoji và tác phẩm một nghệ sĩ quốc tế khác giống nhau đến kinh ngạc!
Tác phẩm của Maxk (phải) đăng tải trên Saigon Emoji và tác phẩm một nghệ sĩ quốc tế khác giống nhau đến kinh ngạc!
MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên