Một số tác phẩm của Maxk Nguyễn tại triển lãm Sài Gòn 3 mét vuông |
Maxk Nguyễn tên thật là Nguyễn Mạnh Khôi, một chàng trai 9X chắt lọc những góc nhìn văn hóa từ khắp nơi quanh mình để biến chúng trở thành những dự án nhiều cảm xúc.
Maxk chìa bức ảnh anh từng làm cho dự án đầu tay của mình là Sài Gòn emoji (tạm dịch: Những cảm xúc Sài Gòn) ba năm về trước với câu chuyện hóm hỉnh:
“Đây là hình ảnh một cô bán hàng ngoài chợ, nhưng trong rổ hàng của cô là “tim”, là “like”, là “chia sẻ”. Cô bán sỉ, ai mua “like” cô bán “like” cho!”.
Dường như, đó cũng là đặc điểm chung trong những dự án mà Maxk làm: hài hước, sâu cay và không kém phần tinh tế.
Người ta phải thấy tự hào về tiếng Việt, thương yêu chúng, sử dụng chúng như một cách diễn đạt và nói cho thế giới biết: Tiếng Việt của tụi tui nè. Đẹp không? Đó là lý do vì sao khi chỉnh sửa xong mình in những Vịt lộn, Vịt dữa, Cút lộn lên hình của Rihanna, G-Dragon của nhóm Big Bang, Sam Smith - những thần tượng hiện nay của các bạn trẻ. |
Một số tác phẩm của Maxk Nguyễn tại triển lãm Sài Gòn 3 mét vuông |
“Vịt lộn, vịt dữa, cút lộn Sài Gòn đây!”
Có một dạo lên mạng, người ta thấy người trẻ truyền tay nhau những tấm ảnh có bảng chữ “Vịt lộn, vịt dữa, cút lộn” được in đè lên tất cả những hình ảnh về Sài Gòn.
Họ thích thú vì tiếng rao đêm quen thuộc của những xe hàng ăn vặt Sài Gòn đã được một ai đó thiết kế lại trông thật thời thượng. Người khởi xướng cho trào lưu “vịt lộn” ấy không ai khác là Maxk Nguyễn.
“Từ lâu rồi nếu để ý, mọi người sẽ thấy những tiếng rao bị thay thế bằng tiếng băng ghi âm có sẵn, người bán hàng thay vì dùng phấn viết bảng để ghi món mình bán thì họ nhờ đánh máy rồi in chữ ra làm bảng hiệu.
Handmade - những thứ làm bằng tay - trở thành điều xa xỉ. Cho đến một buổi tối vô tình tôi thấy một xe hột vịt lộn trưng bảng bằng một dòng chữ viết tay của chị bán hàng.
Một phông chữ đơn giản nhưng rất Việt Nam, do chính những người bán hàng rong sáng tạo nên. Tôi xin phép chụp ảnh và về chỉnh sửa lại một chút để áp lên những hình ảnh của các ca sĩ quốc tế rồi đưa lên trang cá nhân của mình”.
Maxk tất nhiên không ngờ “vịt lộn” lại trở thành một trào lưu lan rộng như thế.
Sinh năm 1991, đang làm việc tại một công ty quảng cáo lớn, vẻ ngoài thời trang, nhưng Maxk lại khiến người khác tò mò vì những dự án nghệ thuật của anh luôn gắn bó với những điều xưa cũ, mang hơi hướng hoài niệm.
Đơn giản, với chàng trai 26 tuổi này, “làm gì thì cũng phải hiểu cái đang làm”. Rằng nhìn gần nhìn xa, hóa ra mọi thứ đều ở trong... nhà mình, đó chính là Sài Gòn, một chủ đề mà với một người sinh ra và lớn lên ở đây như Maxk tự tin rằng mình hiểu, theo thời gian và vốn sống.
Sài Gòn 3 mét vuông được thành hình từ những ký ức của riêng Maxk về khoảnh sân nhỏ đủ để chơi ô ăn quan giữa lòng Sài Gòn. 3 mét vuông quây quần đủ để cô bán báo đầu hẻm bày một sạp báo mưu sinh. 3 mét vuông cũng đủ để bỏ chiếc ghế, treo cái gương thành tiệm hớt tóc be bé.
Đâu đó khi không nhìn về quá khứ, Maxk lại “thấy mà thương” cái nhìn từ phía sau một anh cảnh sát giao thông, một chị bán cây xanh dạo ì ạch chở những chậu hoa vàng qua mọi nẻo kẹt xe Sài Gòn.
Bằng một cách riêng, Maxk Nguyễn bắt đầu mọi dự án của mình từ những điều nhỏ bé, những điều ai cũng thấy, mà không ai nghĩ chúng chính là chìa khóa cảm hứng cho những dự án nghệ thuật đậm chất đời sống.
Maxk Nguyễn - Ảnh: NVCC
|
Nhìn sâu để hiểu và yêu
Người ta có thể yêu thích “vịt lộn” và phông chữ là lạ mà Maxk mang đến sau trào lưu vịt lộn, nhưng ở một góc độ nào đó, Maxk suy tư: những phông chữ thuần Việt, những từ tiếng Việt 100% này hoàn toàn có thể trở thành trào lưu cho một cộng đồng trẻ.
Từ sau chuyến đi Cannes năm 2016, với vị trí là một trong hai đại diện của Việt Nam tham gia Young Lions - Những chú sư tử trẻ tại Pháp, một cuộc thi danh giá dành cho những người trẻ hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, Maxk nói suy nghĩ của anh đã thay đổi nhiều.
Góc nhìn cá nhân, bản sắc văn hóa riêng biệt của mỗi đất nước trở thành thước đo đầu tiên khiến họ khác biệt.
“Một giám khảo nói với tôi rằng: Hãy làm những thứ cậu thích, và làm thật tốt để mọi người cùng yêu thích thứ đó giống cậu, chứ đừng cố gắng làm những gì mà mọi người thích” - Maxk kể.
Và lời thúc giục ấy đã giúp Maxk mạnh dạn hơn để ra mắt triển lãm phi lợi nhuận đầu tay của mình mang tên Sài Gòn 3 mét vuông.
Ở đó, ở Sài Gòn của 30 năm sau, những gì được xem là thân thuộc đến bình thường không còn nữa! “Người ta chỉ cảm thấy trân trọng và yêu quý một điều gì đó khi họ biết rằng chúng không tồn tại mãi mãi.
Đó là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua triển lãm lần này. Hãy cố gắng nhìn mọi thứ thật sâu sắc, chậm rãi để hiểu và yêu những điều nhỏ bé xung quanh hơn” - Maxk nhắn nhủ.
Một sáng tạo của Maxk Nguyễn trên hình ảnh của nữ ca sĩ Adele - Ảnh: Facebook Maxk Nguyễn |
Tĩnh và động, cũ và mới Diễn ra từ ngày 7 đến 9-7 tại Blanc Artspace (57C Tú Xương, Q.3, TP.HCM), triển lãm Sài Gòn 3 mét vuông của Maxk Nguyễn mời người xem lên một “con tàu”, du hành đến tận 30 năm sau, khi Sài Gòn tất nhiên không còn giống như những gì chúng ta đang thấy. Hình ảnh gánh hàng rong đầu đường, bác xe ôm cuối ngõ, cái tiệm vẽ biển quảng cáo lúc nào cũng đắt khách... xuất hiện sống động qua hiệu ứng chiếu 3D Hologram hiện đại. Công nghệ sẽ làm cho những bức tranh tĩnh có hồn hơn qua những chuyển động, tựa như chúng đang “thở” những hơi thở rất đời sống mà êkip trẻ lần này đã khéo léo dàn dựng, dùng một kỹ thuật mới kể chuyện về những điều đã cũ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận