Thăm chiến sĩ Mùa hè xanh Sôi nổi ngày ra quân mùa hè xanh 2014 tại Lý SơnMùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng tình nguyện tại mặt trận Lào
Phóng to |
Bước chân tung tăng của các em nhỏ trên con đường nối hai xã Hòa Lợi - Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) do chiến sĩ ĐH Công nghệ TP.HCM và bà con vừa làm - Ảnh: Q.L. |
Có hàng trăm công trình đã ở lại với bà con những năm qua và nhiều công trình mới hôm nay đang tiếp tục thành hình.
Công trường chạy mưa
Công trình và nghĩa tình ở lại Đi qua nhiều con đường quê tại các xã của Bến Tre đâu đâu cũng thấp thoáng dấu ấn Mùa hè xanh. Các công trình dù mới hay cũ đều được bà con nhắc nhớ mỗi khi bước chân qua. Ngồi chỉ ra con đường trước nhà tại ấp Quý Bình, xã Hòa Lợi (Thạnh Phú), chú Hai Ánh nhắc: “Sản phẩm của mấy đứa Mùa hè xanh ĐH Bách khoa đó, làm mấy năm rồi mà còn tốt lắm, dân ở đây chưa phải sửa chữa gì hết. Dù mưa chứ xe máy, xe đạp của tụi nhỏ đi học về cứ bon bon mà chạy”. “Nhà tui nuôi quân ngay năm đầu tiên Mùa hè xanh về Bến Tre, có năm không có sinh viên về xã này nhưng đến nay cũng hơn chục mùa rồi. Nhiều đứa giờ ở TP hay về quê công tác chứ mỗi năm đều hẹn nhau về chơi. Bữa giờ tụi nó hẹn về mà chưa thấy nên cả nhà còn đang ngóng nè” - vợ chú Hai Ánh tiếp lời chồng. Cùng với nhiều con đường, những cây cầu bắc qua kênh và bao mái nhà tình thương cho các gia đình nghèo là nghĩa tình mà dù chỉ đi có một mùa chiến dịch thì chiến sĩ cũng đã kịp gầy dựng và cất giữ mãi sau này. |
Ba xã Quới Điền, Đại Điền, Hòa Lợi (huyện Thạnh Phú, Bến Tre), nơi có 120 chiến sĩ ĐH Công nghệ TP.HCM đóng quân đều có công trình đường, cầu, nhà nằm sâu trong địa bàn. Đi lại đã khó nên vận chuyển vật tư càng khó hơn. Gặp mưa liên tiếp nên cứ tranh thủ nắng là chiến sĩ lại ùa ra công trường, có hôm còn làm luôn dưới mưa.
Dù là con đường của ấp Quý Bình, xã Hòa Lợi nhưng chỉ cần chạy sâu vào trong, qua chiếc cầu ván là sẽ đặt chân đến xã Mỹ Hưng. Con đường làng quen thuộc của trẻ con hai xã mỗi ngày đến lớp nên các chiến sĩ Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và bà con địa phương quyết tâm hoàn thành càng sớm càng tốt. Các bạn đong từng xô cát, đá đúng chuẩn rồi chuyển ra công trình.
Anh Đặng Tấn Phong - thợ hồ kiêm bí thư chi đoàn ấp Quý Bình, đứng máy trộn bêtông - cũng là “nhà thầu” của các công trình Mùa hè xanh năm nay tại xã. Anh Phong khoe: “Mấy năm trước được đi tập huấn kỹ thuật cùng các chiến sĩ ĐH Bách khoa nên nắm chắc công thức trộn bêtông vừa đảm bảo chất lượng, vừa có thể làm nhanh, giờ cứ vậy áp dụng mỗi khi nhận công trình nào trong xã”. Song song với con đường, anh cũng nhận luôn cây cầu bắc từ xã Hòa Lợi qua xã Mỹ Hưng. Anh Phong bộc bạch: “Làm mấy công trình này vừa đúng nghề, vừa được đóng góp cho quê hương, sá gì chuyện lỗ lã”.
Trên đoạn đường vừa hoàn thành vài hôm trước đã kịp khô, mấy đứa trẻ trong ấp rủ nhau tung tăng nhảy chân sáo. Cô bé Nguyễn Thị Thúy Nhạn (lớp 3) hồn nhiên kể: “Đường đất trời mưa đâu có dám chạy! Mỗi lần đi học em xách dép lội chân không, qua tới trường rửa sạch rồi mang dép vô lớp, mà đâu có dám đi nhanh, té dơ đồ hết sao”.
Tại xã Đại Điền, các chiến sĩ đổ quân ra phụ làm ngôi nhà tình thương tặng vợ chồng anh chị Nguyễn Thanh Hồng tại ấp Vĩnh Nam. Hai vợ chồng làm mướn cho lò mổ heo ở Bến Lức (Long An), rồi lại theo xe mấy chục cây số lên chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) bán tới sáng. Mấy năm nay anh đổ bệnh, không làm được gì, mọi gánh nặng đổ lên vai người vợ trẻ. “Ba mẹ tụi nó đi ở đậu, mần mướn, thấy thương quá tui cắt miếng đất dựng cái chòi để tụi nó có chỗ chui ra chui vô, giờ được Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho cái nhà mấy chục triệu mừng hết sức” - ông Chín Xóm, cậu ruột chủ nhà Nguyễn Thanh Hồng, bày tỏ.
Tình nguyện theo đặt hàng
Trong khi đó ba xã Châu Bình, Châu Hòa và Lương Quới, huyện Giồng Trôm đón gần 100 chiến sĩ ĐH Luật TP.HCM. Vừa xuống mặt trận, các chiến sĩ đã lân la làm quen, tranh thủ tập hợp những thắc mắc của bà con liên quan đến pháp luật. Và chuyến xe pháp luật do cán bộ, giảng viên trẻ của trường đã xuống từng xã, vào trại giam K20 đóng trên địa bàn huyện để tư vấn, giải đáp những thắc mắc của bà con, tư vấn luật cho phạm nhân.
“Một lớp tập huấn cho các hòa giải viên cơ sở được tổ chức cho gần 30 cán bộ xã Lương Quới, các phiên tòa giả định xử các vụ án về bạo lực gia đình, đánh bạc, vi phạm luật giao thông cũng chính là đặt hàng từ thực trạng của địa phương” - chỉ huy trưởng Mùa hè xanh ĐH Luật TP.HCM Huỳnh Vũ Duy thông tin. Không chỉ là phiên tòa giả định, các chiến sĩ còn lồng ghép kịch diễn trong những buổi tuyên truyền pháp luật cho bà con. Vở kịch dừng lại ngay đoạn cao trào để bà con cùng diễn xem họ chọn cách ứng xử nào. Và kết thúc sẽ là các giải đáp, gợi mở từ góc độ quy định của pháp luật.
Cũng từ đặt hàng của thiếu nhi mà các lớp võ thuật mỗi buổi chiều do chiến sĩ ĐH Công nghệ TP.HCM đứng lớp đã thu hút khá đông học viên nhí. Có bạn nhà cách chỗ học vài cây số nhưng lúc nào cũng có mặt đúng giờ, nên đoạn đường 2km đi bộ với chiến sĩ dạy võ đã không còn là vấn đề mỗi buổi chiều.
Hoặc như chiến sĩ ĐH Luật mới uy nghiêm trong vai thẩm phán phiên tòa, vậy chứ tới giờ đi bán quần áo gây quỹ cũng ra chào mời, lựa quần áo giới thiệu cho khách. Tất cả quần áo còn khá mới được vận động từ TP, các bạn đã cất công giặt sạch, chở xuống mặt trận bán với giá 2.000 đồng một sản phẩm đồ trẻ em, 5.000 đồng một sản phẩm đồ người lớn.
“Cái giá đó tụi mình lấy ý tưởng từ quán cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn. Tổng số tiền thu được sẽ là các suất học bổng cho học sinh nghèo tại đây vào cuối chiến dịch” - anh Huỳnh Vũ Duy nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận