(Nhân xem phóng sự ảnh “Ớn quá Đà Lạt ơi!”, Tuổi Trẻ ngày 31-3)
Năm 1991, lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt và gần như ngay lập tức tôi yêu mến thành phố này vì nó thanh bình, hiền hòa, thiên nhiên vô cùng đẹp, nhiều hồ, suối... Nơi đây có khá nhiều biệt thự cổ mang lối kiến trúc Pháp cổ điển ẩn mình dưới những đồi thông tạo nên một nét rất riêng và đặc trưng của Đà Lạt. Mấy hôm nay TP.HCM nóng quá làm tôi nhớ và thèm cái cảm giác mát mẻ, nhẹ nhàng khi ở Đà Lạt...
Phóng to |
Đà Lạt qua ống kính của Mark Bowyer |
"Đây là vấn đề liên quan đến giáo dục (giáo dục bản thân và người khác) và quản lý điều hành của các khu du lịch, người làm công tác liên quan đến du lịch và chính quyền địa phương" MARK BOWYER |
Tôi thật sự không nhớ mình đã đến Đà Lạt bao nhiêu lần, vì trung bình mỗi năm tôi đến Đà Lạt 2-3 lần từ khi biết nơi này. Lần gần nhất tôi đến Đà Lạt là hồi tháng 10-2012. Tôi thích nhất là cảm giác ngồi sau tay lái của các anh xe ôm lang thang đây đó ở Đà Lạt. Tôi thường xuyên làm như thế mỗi khi đến đây với anh lái xe ôm tên Tâm, anh này chạy chiếc Bonus 125 màu đen, tôi tay cầm máy ảnh chụp những biệt thự cổ, cảnh đồi núi, rừng thông, con người hoặc có khi lang thang trên đồi Cù (hồi chưa biến thành khu sân golf), hồ Xuân Hương, lên Lang Bian...
Trong mắt tôi, Đà Lạt là nơi độc nhất vô nhị chẳng những ở Đông Dương mà cả Đông Nam Á, một thành phố di sản được thiên nhiên ưu đãi. Thời tiết rất tuyệt, không khí nhẹ nhàng, trong lành mặc dù những năm gần đây thời tiết ở đây không còn lạnh nhiều như trước, nhưng tôi cũng tin rằng đây là vấn đề chung của nhiều nơi chứ không riêng gì Đà Lạt. Không phải riêng tôi mà chắc chắn rất nhiều du khách người nước ngoài khác khi đã đến Đà Lạt sẽ rất yêu mến nơi này. Chẳng nơi nào ở các nước trong khu vực có một thành phố đặc trưng như Đà Lạt với lối kiến trúc mà người Pháp đã xây dựng. Trên website của tôi rất nhiều hình ảnh về những nơi tôi đi qua, trong đó có một thư mục với 40 tấm ảnh riêng về kiến trúc mà tôi yêu thích ở Đà Lạt, có nhiều ngôi biệt thự tuy đã cũ, có cái đã bị hủy hoại một phần nhưng vẫn đẹp lắm.
Với tình cảm như thế nên khi xem những tấm ảnh trong phóng sự ảnh “Ớn quá Đà Lạt ơi!”, tôi vô cùng thất vọng và buồn. Một Đà Lạt đáng yêu, thơ mộng bị ô nhiễm môi trường mà tác nhân chính lại là con người thì sao không buồn được. Tôi không chắc là Đà Lạt bị ô nhiễm do sự can thiệp quá thô bạo của con người, hoặc trong quá trình phát triển kinh tế họ đã quên mất việc bảo vệ môi trường? Rác ở những nơi này có phải do người dân ở đây vứt ra hay cũng chính do du khách bỏ lại trong quá trình du lịch ở Đà Lạt? Nhưng tôi chắc rằng vấn đề ô nhiễm này không chỉ riêng của Đà Lạt, tôi dám đảm bảo những tấm ảnh tương tự cũng sẽ chụp được ở rất nhiều điểm du lịch khác tại VN như Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo, Hội An, Huế, Hà Nội...
Phóng to |
Ông Mark Bowyer - Ảnh: T.T.D. |
Tất nhiên chính quyền địa phương phải làm gì đó để ngăn chặn ngay những hành động phá hủy môi trường này, nhưng người dân cũng phải chung tay có trách nhiệm với tình trạng thiên nhiên đang bị đối xử tệ này. Nếu tình trạng phá hủy môi trường vẫn cứ tiếp diễn du khách sẽ ít đến Đà Lạt, thu nhập từ du lịch mất đi và môi trường tại chỗ cho người dân địa phương cũng không còn trong lành...
Điều mà tôi hay chứng kiến là hành động vứt túi rác nho nhỏ của du khách khi lang thang dạo bước trên đường, ăn xong cái bánh mì cũng vứt luôn giấy gói trên vỉa hè. Tệ hơn là sau khi nhóm khách ăn mặc rất đẹp ngồi tụ tập ở đâu đó, thì y như rằng khi họ đứng lên nơi đó là một bãi rác thu nhỏ với tất cả những thứ nhóm khách bỏ lại: túi nilông, lon nước ngọt, bịch bánh mì, ống hút.... mặc dù thùng rác ngay gần đó. Đi đâu cũng thấy bịch nilông rác vương vãi khắp nơi: trên đường, dưới hồ, trong khuôn viên địa điểm du lịch...
Để giữ môi trường Đà Lạt, theo tôi, cộng đồng người dân địa phương phải có hành động trước tiên với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật cao để du khách nhìn theo mà làm. Thử nghĩ khi đến một nơi ngăn nắp, sạch sẽ, có nề nếp bạn có dám vứt một túi rác ra đường hay đứng dậy mà không tự tay dọn dẹp những gì mình đã vứt lại không? Và khi nơi đó có kỷ luật nghiêm túc (phạt nặng) thì những hành vi phá hoại môi trường, những hành động thiếu văn hóa của bạn sẽ là một điều gì đó không thể chấp nhận được. Điều này không thể một sớm một chiều có được, nhưng nếu nghiêm túc nhìn thấy và bắt đầu tìm phương pháp thực hiện thì không thể nói là không làm được. Vấn đề là các bạn sẽ nghiêm túc giải quyết nó như thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận