​Màu sắc Việt Nam hay quốc tế hóa?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo bộ tiêu chí đánh giá, thẩm định sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh gồm có 59 tiêu chí.

Phụ huynh cùng con chọn lựa mua sách Bài tập tiếng Anh tại nhà sách Phương Nam, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Phụ huynh cùng con chọn lựa mua sách Bài tập tiếng Anh tại nhà sách Phương Nam, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Theo ban soạn thảo, bộ tiêu chí này là căn cứ để lựa chọn bộ sách thích hợp đối với đối tượng học.

Đây cũng là một trong những việc nhằm tạo “hành lang pháp lý” đón trước việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” sắp tới. Ngày 16-12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo giới thiệu, góp ý cho bộ tiêu chí này.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Vinh Hiển - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - nhấn mạnh việc muốn nghe các ý kiến góp ý khách quan, đa dạng để hoàn chỉnh bộ tiêu chí này. Vì thế các ý kiến không nên viện dẫn từ các giáo trình cụ thể của các nhà xuất bản (NXB) cụ thể.

Ông Hiển cho biết bộ tiêu chí không chỉ là cơ sở để đánh giá, thẩm định SGK tiếng Anh mà còn là cơ sở để các nhóm tác giả xây dựng SGK theo chương trình và yêu cầu về chất lượng của Bộ GD-ĐT.

Cần cụ thể, dễ hiểu hơn

Chưa từng có chuẩn đánh giá giáo trình, SGK

Ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện nhóm biên soạn của Bộ GD-ĐT, đã cho biết như vậy khi trao đổi về việc xây dựng bộ tiêu chí này. Nhận xét về tình trạng loạn giáo trình tiếng Anh lâu nay, ông Hùng nói:

“Trên một địa bàn, ít thì hai ba, nhiều thì dăm bảy bộ giáo trình tràn ngập các cơ sở đào tạo. Những giáo trình này đều là giáo trình gốc của nước ngoài, chủ yếu của Anh, Mỹ. Ai cũng tự hào mình dùng giáo trình Tây... Nhưng năm tháng qua đi, nhiều phụ huynh than phiền mình đầu tư cao cho con cái học giáo trình hoành tráng, nhưng sao con mình vẫn không nói được tiếng Anh như mong muốn”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, những kiểu giáo trình trên chỉ đáp ứng tham vọng của phụ huynh chứ không đáp ứng năng lực cảm thụ ngôn ngữ của con họ.

Và cái mà ở VN đang thiếu chính là một chuẩn để đánh giá giáo trình. “Đây cũng là chuẩn để có thể xây dựng, biên soạn giáo trình, một chuẩn chính thức được Nhà nước công nhận” - ông Hùng trao đổi.

Hầu hết ý kiến của đại diện lãnh đạo và chuyên viên môn ngoại ngữ của các sở GD-ĐT đều cho rằng bộ tiêu chí cần sắp xếp hợp lý, cụ thể, dễ hiểu hơn.

Bởi bộ tiêu chí không chỉ là căn cứ cho hội đồng thẩm định sách xét duyệt mà còn phải là căn cứ để các sở GD-ĐT, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh chọn sách trong bối cảnh có “một chương trình, nhiều bộ SGK”.

Theo bà Lê Hoàng Anh (Sở GD-ĐT Hà Nội), bộ tiêu chí nên sắp xếp theo trình tự: hình thức (bao gồm các tiêu chí liên quan tới trình bày, thiết kế, in ấn...), nội dung (gồm các tiêu chí liên quan đến nội dung dạy học, trong đó có cả các tiêu chí về tính hội nhập, tính dân tộc đang được bàn đến), phương pháp (các tiêu chí hướng tới mục tiêu hình thành năng lực, kỹ năng cho học sinh) và thiết bị đi kèm (nhằm tăng hiệu quả dạy học).

Như vậy không chồng chéo, cụ thể, dễ hiểu, dễ phân biệt cho người cần lựa chọn sách để sử dụng.

Đồng ý với ý kiến trên, ông Nguyễn Minh Trí (Sở GD-ĐT Quảng Ngãi) cũng cho rằng ở mỗi lĩnh vực (nội dung, hình thức) cần có quy định chung trước khi cụ thể hóa bằng các tiêu chí.

Đại diện NXB Giáo Dục cho rằng bộ tiêu chí hay, thể hiện dụng công của nhóm soạn thảo nhưng vẫn chưa đủ. Ví dụ chưa có tiêu chí nào đề cập đến phương pháp tiếp cận, yếu tố quan trọng cần xác định khi biên soạn chương trình - SGK các môn học. 

Ông Đào Ngọc Lộc (Viện Khoa học giáo dục VN) đánh giá cao việc lần đầu tiên nhóm biên soạn của Bộ GD-ĐT đã xây dựng bộ tiêu chí, trong đó đưa vào các tiêu chí dựa vào chuẩn năng lực châu Âu với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, còn có những kỹ năng khác cần được bổ sung vào bộ tiêu chí này như kỹ năng tương tác trong nói, viết.

Một số ý kiến khác đề nghị phải có điều tra, nghiên cứu đánh giá về sách dạy ngoại ngữ tại VN hiện nay làm cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí. Những yếu tố khác như việc xác định đối tượng người học ở từng cấp học, giá SGK, giáo trình...cũng cần thiết và nên đưa vào bộ tiêu chí vì đây là những yếu tố người sử dụng quan tâm.

Bản địa hay quốc tế hóa?

SGK (giáo trình) dùng cho việc dạy học tiếng Anh có cần thiết phải đưa vào các yếu tố VN như hình ảnh, con người, phong tục tập quán VN hay cần đa dạng hóa màu sắc văn hóa thế giới, nhấn mạnh văn hóa, bản sắc của các quốc gia nói tiếng Anh?

Đây là việc từng gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây sau khi một cô gái đã gửi lá thư từ Nepal cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Và tại hội thảo, vấn đề này cũng được nhắc lại, bàn luận và có những ý kiến trái chiều.

GS.TS Hoàng Văn Vân (ĐHQG Hà Nội) cho rằng SGK nói chung và SGK ngoại ngữ nói riêng là một phần của nền giáo dục VN. Vì thế không thể không chú trọng tính VN, tính dân tộc: “Chúng ta cần dạy cho học sinh biết cách sử dụng tiếng Anh để giới thiệu, chỉ dẫn đường đến Văn Miếu Quốc Tử giám chứ không phải để giới thiệu, chỉ dẫn đường đến Sydney” - GS Vân bày tỏ suy nghĩ.

Ông cho rằng học sinh VN cần biết tiếng Anh để giới thiệu văn hóa VN với thế giới, học tiếng Anh nhưng cũng cần phải trên nền tảng văn hóa VN, bên cạnh việc tìm hiểu, tiếp cận nền văn hóa của các nước trên thế giới. Quan điểm của ông Vân được nhiều người đồng tình.

Nhưng cũng có những ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Minh Trí cho rằng không cần thiết phải đặt nặng việc tích hợp giới thiệu văn hóa VN trong giáo trình, SGK tiếng Anh. Vì văn hóa VN, những yếu tố truyền thống, dân tộc có thể dạy học sinh qua các môn học, các hoạt động khác.

Còn với môn ngoại ngữ, cần đưa vào các hình ảnh, con người, tập quán, giá trị văn hóa của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia nói tiếng Anh. “Đừng sợ bị mất gốc mà lo “tích hợp” kiểu đó. Chúng ta cần phải hiểu văn hóa của người khác mới giữ được cái gốc của mình” - ông Trí nhấn mạnh.

Phản biện ý kiến này, GS Hoàng Văn Vân vẫn cho rằng “không thể bê nguyên xi giáo trình, SGK nước ngoài về dạy cho học sinh VN, mà cần dựa vào mục tiêu giáo dục của VN, đối tượng, điều kiện dạy học của VN. Nhưng ông cũng đồng tình với một số ý kiến khi cho rằng hội nhập và tiếp cận với những nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực là cần thiết.

Vì mục tiêu của việc dạy học tiếng Anh là để học sinh “trở thành những người song ngữ (Anh - Việt) và thông qua giao tiếp bằng tiếng Anh trở thành những người giao tiếp liên văn hóa”.

59 tiêu chí chung và 6 tiêu chí bổ trợ

Để đáp ứng yêu cầu của đề án ngoại ngữ quốc gia, mục tiêu đổi mới giáo dục, từ tháng 2-2014 ban quản lý đề án đã tập hợp một đội ngũ chuyên gia để xem xét, lựa chọn một bộ giáo trình trong số bốn bộ do các NXB gửi đến.

Để phục vụ việc chọn lựa, nhóm chuyên gia đã đưa ra 25 tiêu chí. Bộ tiêu chí này đã được chuyển đến nhóm chuyên gia độc lập xin ý kiến.

Tháng 6-2014, nhóm chuyên gia độc lập đề nghị cần phải phát triển sâu hơn trên cơ sở bộ tiêu chí này. Bộ GD-ĐT tiếp tục tập hợp nhóm chuyên gia nghiên cứu sâu hơn về lý thuyết xây dựng tiêu chí.

Tháng 10-2014, nhóm này đã đưa ra bộ tiêu chí thứ hai, gồm bộ tiêu chí đánh giá sách tiếng Anh tiểu học (72 tiêu chí) và bộ tiêu chí đánh giá sách tiếng Anh trung học (130 tiêu chí).

Nhưng sau quá trình lấy ý kiến, tiếp tục nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã xây dựng và giới thiệu bộ tiêu chí mới nhất gồm 59 tiêu chí chung và 6 tiêu chí bổ trợ cho việc chọn SGK tiểu học. Bộ tiêu chí đề cập đến tám lĩnh vực, từ hình thức, thiết kế, các mục tiêu và phân bổ ngữ liệu, các kỹ năng ngôn ngữ, nội dung dạy học, công cụ bổ trợ...

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên