23/09/2011 04:00 GMT+7

Màu dân tộc sáng bừng...

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du, Hà Nội) một chiều giữa tuần đông đúc hơn thường lệ. Trên dãy ghế dài được kê tạm ngoài sân, các cô bé, cậu bé vai còn đeo khăn quàng đỏ, tay vẫn ôm chặt chiếc cặp nặng sau buổi tan trường nhưng miệng không ngừng liến thoắng hỏi nhau: “Đâu, đâu, có ông đồ không?”...

OyrCDPfk.jpgPhóng to
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quảng hướng dẫn các em nhỏ cách giặm mực trước khi in tranh - Ảnh: Minh Trang

Ông đồ quả đã không xuất hiện, nhưng giấy dó, bản in, tranh vẽ, bốn màu truyền thống... để tạo ra một bức tranh Đông Hồ xưa đã sẵn sàng trên bàn hướng dẫn của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quảng, bắt đầu cho buổi học có cái tên thật “kêu” và đủ để hơn 40 em thiếu nhi nhấp nhổm trên ghế chăm chú: Màu dân tộc trên tranh Đông Hồ.

Buổi học được bắt đầu khá bài bản bằng việc giới thiệu những vật dụng cần thiết để tạo ra một bức tranh Đông Hồ. Nào giấy dó, nào bản màu, nào ván giặm mực...

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quảng đến từ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tươi cười giới thiệu: “Để có được một bức tranh gà trống như các cháu thấy, có nhiều cách thực hiện lắm. Người ta có thể vẽ thủ công, hoặc tranh in bằng ván, tranh bản gỗ, tranh in rồi vẽ... Nhưng hôm nay bác cháu mình sẽ thực hiện in tranh theo cách truyền thống với bốn màu đỏ, xanh, vàng, đen, xem thử có khó không nhé”.

Có lẽ thấy tranh Đông Hồ đã nhiều nhưng đây là lần đầu tiên được tìm hiểu quy trình tạo ra một bức tranh nên các bạn nhỏ cứ luân phiên “xoay” nghệ nhân bằng bất cứ câu hỏi nào bật ra trong đầu: giấy dó là gì, giấy điệp là gì? Màu in trên tranh được làm ra như thế nào? Mất bao lâu để làm ra một bức tranh?... Và trầm trồ, há miệng khi được giải thích: giấy dó được làm ra từ thân cây dó, gọi là giấy điệp khi được quết một lớp vỏ điệp trộn hồ óng ánh để tạo ra độ sần, mộc đặc trưng của dòng tranh.

Màu sắc trong tranh cũng rất tự nhiên khi màu đen được làm từ than xoay, màu xanh từ lá chàm hay gỉ đồng, màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của sỏi son (sỏi màu đỏ)...

Nhộn nhịp nhất vẫn là phần các “nghệ nhân nhí” bắt tay vào tự in tranh. Hai chị em Trung Anh (12 tuổi) và Nam Anh (7 tuổi) lóng ngóng cầm ván in, lắc đầu quầy quậy. “Cháu không nghĩ nó khó vậy, in thế nào để các góc tranh không bị xê dịch hả bác?”, cô bé tỉ tê hỏi nghệ nhân Hữu Quảng. Cuối cùng hai chị em cũng có một bức tranh gà... tạm được.

Các “khán giả” phía dưới không ngừng vỗ tay và bắt đầu dạn dĩ hẳn. ai cũng muốn được thử một lần “in tranh Đông Hồ”, có bạn làm đến vài bức tranh, vừa in màu vừa đen trắng để “đem về làm bưu thiếp tặng bạn bè”...

Góc nghệ thuật chiều thứ tư của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc vốn là điểm đến của rất nhiều chương trình văn hóa đặc sắc, nhưng với chủ đề Màu dân tộc trên tranh Đông Hồ, cả ban tổ chức lẫn nghệ nhân đều bất ngờ bởi số lượng đăng ký vượt quá xa mức chỉ tiêu ban đầu (30 suất), phần đông đều là các em nhỏ...

Hà Nội bất chợt trở lạnh trong vài ngày qua. Khoác một chiếc áo len mỏng, len lỏi xem tranh Đông Hồ, ngửi thấy mùi hăng ngái của mực in, người xem cảm nhận thật rõ sự háo hức của những đôi tay nhỏ xinh, lần đầu tiên được đặt trên giấy dó, lần đầu tiên nâng niu, giữ chặt bức tranh mộc do chính tay mình làm ra, chỉ cho nhau xem con gà, con cóc ngộ nghĩnh trong tranh. Cùng các em, nhiều người lớn cũng ngâm nga nho nhỏ mấy câu thơ mà nghệ nhân vừa đọc:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trongMàu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Tạo nên những sân chơi sôi động, mời gọi được giới trẻ vui thú tìm hiểu những giá trị Việt thì không chỉ dòng tranh có lịch sử hơn 400 năm này còn mãi “tươi trong”, mà những “màu dân tộc” khác chắc chắn sẽ chẳng phai màu...

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên