13/01/2014 08:59 GMT+7

Mất xương hàm do bệnh u men

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - U men là bệnh khá phổ biến ở hàm mặt, hay gặp ở người trẻ tuổi. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị mất xương hàm do khối u xâm lấn.

Mổ lấy khối u nặng 13kg, dài nửa mét U máu, lành nhưng mệtCắt u dạ dày bằng kỹ thuật mới

Oz4b7rmo.jpgPhóng to
Bệnh nhân L.T.M.D. với khối u khổng lồ ở hàm phải trước khi mổ - Ảnh: H.L.

Bác sĩ Lê Trung Chánh - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM - cho biết trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 50-60 bệnh nhân bị bệnh u men đến khám và điều trị. Hầu hết những bệnh nhân này đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn: biến dạng mặt trầm trọng, xương hàm bị hủy...

Ca bệnh đặc biệt

Theo bác sĩ Lê Trung Chánh, một trong những bệnh nhân bị biến dạng khuôn mặt nặng nề là chị L.T.M.D. (30 tuổi, Khánh Hòa). Ngày 16-12-2013, chị D. nhập viện tại Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM trong tình trạng có khối u men dạng nang khổng lồ ở hàm mặt bên phải. Khối u to như trái bưởi, thòng xuống tận cổ khiến việc sinh hoạt và vận động hàm mặt của chị D. rất khó khăn. Khối u cũng khiến chị khó thở và bị suy kiệt do ăn uống khó...

Bác sĩ Bùi Hữu Lâm - phó khoa phẫu thuật hàm mặt, người trực tiếp mổ lấy khối bướu cho chị D. - cho biết ngày 9-1, sau sáu giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách toàn bộ khối u nặng 900g ra khỏi hàm phải bệnh nhân. Ca mổ có sự hỗ trợ tích cực về gây mê và mở khí quản của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo bác sĩ Hữu Lâm, chị D. bị u xương hàm dưới cách đây tám năm. Khi đó u còn nhỏ nên chị D. được điều trị bảo tồn khoét lấy u (kết quả chẩn đoán vi thể là u men) và hẹn tái khám sáu tháng một lần. Thế nhưng chị D. không tái khám và khi u tái phát chị không đi điều trị ngay.

Sáu năm sau u tái phát (năm 2012), chị D. mới đến Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP tái khám. Thời điểm đó, bệnh viện đã có chỉ định điều trị triệt để là cắt đoạn xương hàm có khối u. Tuy nhiên, do đang mang thai nên chị D. hẹn sinh xong sẽ trở lại để phẫu thuật. Tháng 12-2013, u phát triển quá lớn gây khó khăn khi ăn uống và thở, bệnh nhân mới trở lại để mổ. Do bị suy kiệt, chị D. được điều trị nâng đỡ thể trạng mới mổ được. Cuộc mổ gặp khá nhiều khó khăn, nguy cơ chị D. mất nhiều máu do u lớn làm tăng sinh mạch máu, xương hàm mặt bị đẩy lệch khỏi vị trí bình thường... Sau khi cắt bỏ u, các bác sĩ tái tạo ngay xương hàm dưới bằng ghép xương sườn (lấy một đoạn xương sườn dài khoảng 10cm của chính bệnh nhân ghép lên hàm) và nẹp titan, giúp bệnh nhân phục hồi tức thì sau mổ về mặt thẩm mỹ và hô hấp. Khoảng 4-6 tháng sau, bệnh nhân sẽ được ghép xương (lấy từ xương mào chậu của bệnh nhân) một lần nữa để xương hàm không còn thiếu hổng rồi làm răng giả, phục hồi chức năng ăn nhai cho bệnh nhân.

Chưa rõ nguyên nhân bệnh

Bác sĩ Hữu Lâm cho biết u men là loại u khá phổ biến ở xương hàm mặt, thường hay gặp ở những người trẻ từ 20-30 tuổi. U men chiếm tỉ lệ khoảng 50% trong tổng số các loại u lành tính của xương hàm mặt (không kể nang do răng), có nguồn gốc từ các tế bào tạo ra men răng. Đến nay y học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây u men là gì.

Có hai loại u men là u men thể nang và u men thể đặc. Bản chất của u men là lành tính nhưng có tỉ lệ tái phát khá cao (15-90% tùy loại u men) - nếu việc điều trị chỉ khoét u đơn thuần. Do u men thường không gây đau (trừ khi bị nhiễm trùng phụ) nên bệnh nhân có thể chịu đựng được kể cả khi u đã phát triển rất lớn. Chỉ đến khi u quá lớn làm bệnh nhân rối loạn khớp cắn, không nhai được hoặc bị đau do nhiễm trùng phụ mới đi khám. Thường lúc này bệnh ở giai đoạn muộn và phải cắt bỏ đoạn xương hàm do khối u xâm lấn sâu gây phồng xương, biến dạng mặt trầm trọng. Thực tế tại Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP cho thấy nhiều bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn nên để u phát triển rất lớn mới đi khám và điều trị. Trong khi bệnh nhân bị u men khổng lồ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong do tắc nghẽn hô hấp, suy kiệt do ăn uống kém hoặc do các biến chứng khác từ khối u gây ra.

Về điều trị, với u men dạng nang, bác sĩ có khuynh hướng điều trị bảo tồn (chỉ khoét bỏ u) để không gây ra mất đoạn xương hàm dưới, làm ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ và chức năng nhai của bệnh nhân. Tuy nhiên, khi khoét bỏ, u nang có tỉ lệ tái phát 15% nên bác sĩ thường hẹn bệnh nhân tái khám định kỳ để theo dõi u tái phát. Nếu khi u men tái phát ở giai đoạn sớm thì hoàn toàn có thể kiểm soát nó. Việc khoét u men có thể khiến bệnh nhân phải mổ hơn một lần nếu có tái phát nhưng được lợi là mổ qua hai, ba lần như vậy u sẽ hoàn toàn hết và không còn tái phát. Bệnh nhân giữ được nguyên vẹn hoặc ít bị mất xương hàm dưới, ít để lại di chứng về chức năng thẩm mỹ. Thế nhưng nhiều bệnh nhân không đến tái khám như trường hợp của chị D. nói trên.

Về chuyên môn, bác sĩ Hữu Lâm nói nếu thấy bệnh nhân không thể hợp tác tốt (không đi tái khám theo hẹn), bác sĩ nên chọn phương án điều trị triệt để ngay từ đầu cho bệnh nhân. Việc điều trị triệt để từ đầu giúp mức độ can thiệp xâm lấn sẽ ít hơn so với việc để u tái phát quá lớn.

Để phát hiện sớm bệnh u men

Khi bệnh nhân đi khám răng định kỳ, bác sĩ nha khoa nên cho bệnh nhân chụp phim toàn cảnh (chụp toàn bộ xương hàm mặt) để có điều kiện phát hiện bệnh lý này sớm. Nếu phát hiện bệnh sớm, nên chuyển đến bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt điều trị kịp thời.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên