28/03/2019 15:53 GMT+7

Mất trí

Nguồn: Bệnh viện Quốc tế City
Nguồn: Bệnh viện Quốc tế City

Mất trí không phải là một căn bệnh cụ thể, mà là một tập hợp các triệu chứng do những sự rối loạn ảnh hưởng đến não bộ gây ra.

Mất trí - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: seniorhomecareservices.com

   Bệnh mất trí hay còn gọi là bệnh sa sút trí tuệ (Dementia) không phải là một căn bệnh cụ thể, mà là một danh từ chung cho nhiều bệnh giảm sút của trí nhớ và các khả năng trí tuệ khác gây ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày.

   Sa sút trí tuệ liên quan đến sự hủy hoại các tế bào thần kinh hiện diện ở vài vùng của não. Chức năng của não bộ bị ảnh hưởng đủ để gây cản trở đến cuộc sống xã hội hay làm việc bình thường của người bệnh. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán đây là bệnh sa sút trí tuệ nếu có hai hoặc nhiều chức năng nhận thức bị hư hại một cách đáng kể. Các chức năng nhận thức bị ảnh hưởng có thể bao gồm trí nhớ, kỹ năng ngôn ngữ, việc thông hiểu thông tin, kỹ năng về không gian, khả năng phán đoán và chú ý. Người bị sa sút trí tuệ có thể gặp trở ngại về việc giải quyết vấn đề và kiểm soát các cảm xúc của mình. Họ cũng có thể trải nghiệm những sự thay đổi về cá tính. Các triệu chứng chính xác mà người bệnh trải nghiệm tùy thuộc vào khu vực não bộ bị hư hại do căn nguyên gây ra sa sút trí tuệ.

   Ai là người bị bệnh sa sút trí tuệ?

- Bệnh sa sút trí tuệ có thể xảy ra cho bất kỳ người nào, nhưng nguy cơ tăng dần theo tuổi tác. Hầu hết những người bị bệnh sa sút trí tuệ đều là người già, nhưng điều quan trọng cần nhớ là hầu hết người già không bị sa sút trí tuệ. Bệnh này không phải là một phần bình thường trong tiến trình lão hóa nhưng là do chứng bệnh về não gây ra. Trường hợp ít phổ biến hơn là những người dưới 65 tuổi bị sa sút trí tuệ và người ta gọi đó là "bệnh sa sút trí tuệ bộc phát sớm hơn".

- Có rất ít hình thức bệnh sa sút trí tuệ do di truyền trong đó một sự đột biến gene cụ thể được phát hiện là nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp bệnh sa sút trí tuệ, các gene này đều không có liên quan, nhưng những người với bệnh sử sa sút trí tuệ trong gia đình có nguy cơ cao hơn.

- Các yếu tố cụ thể về sức khỏe và lối sống cũng có vẻ đóng một vai trò trong việc gây nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Những người có các yếu tố rủi ro về tim mạch mà không được điều trị bao gồm chứng cao huyết áp, và cả những người ít hoạt động về thể lực và tinh thần cũng đều có nguy cơ cao hơn.

   Nguyên nhân bị sa sút trí tuệ

  Sa sút trí tuệ liên quan đến sự hủy hoại các tế bào thần kinh hiện diện ở vài vùng của não, là một vấn đề của não bộ mà bạn sẽ dễ gặp phải khi lớn tuổi.

- Rất nhiều vấn đề có thể gây ra mất trí như sự thoái hóa thần kinh, bệnh Alzheimer, Parkinson và Huntington. Trong đó, Alzheimer là nguyên nhân cho 50-70% các trường hợp mất trí.

- Các nhiễm trùng như HIV cũng có thể gây ra mất trí. Bệnh tim mạch hoặc đột quỵ cũng vậy. Trầm cảm và việc dùng thuốc mãn tính cũng có thể là nguyên nhân của mất trí.

   Biểu hiện của bệnh

Biểu hiện sa sút trí tuệ cũng rất phong phú và đa dạng ở mỗi trường hợp bệnh nhân. Điển hình nhất có thể kể đến như:

- Suy giảm trí nhớ: Đây được xem như triệu chứng sớm và điển hình nhất của sa sút trí tuệ.

- Vong tri: Các giác quan không bị tổn thương nhưng người bệnh bị mất hoặc suy giảm khả năng nhận biết và gọi tên các đồ vật cho dù là thân thuộc.

- Rối loạn ngôn ngữ gây khó khăn trong giao tiếp: Triệu chứng này cũng rất điển hình và được dùng như tiêu chuẩn để chẩn đoán sa sút trí tuệ.

- Khó khăn trong các việc phức tạp.

- Khó khăn trong lập kế hoạch và tổ chức công việc.

- Khó khăn trong các chức năng phối hợp và vận động.

- Rối loạn định hướng, chẳng hạn như trở nên lạc lõng, mất phương hướng.

- Thay đổi nhân cách.

- Giảm khả năng tư duy, không thể suy luận.

- Vong hành: Rối loạn khả năng hành động, hoặc có hành vi không thích hợp.

- Hoang tưởng.

- Kích động.

- Ảo giác.

   Khi nào nên đi khám bệnh?

  Hãy đi khám bệnh nếu bạn hoặc người thân cảm thấy có vấn đề về trí nhớ hay có các triệu chứng khác của sa sút trí tuệ. Một vài bệnh lý gây sa sút trí tuệ là có thể điều trị được, vì thế việc xác định được nguyên nhân của sa sút trí tuệ là rất quan trọng.

  Bệnh Alzheimer và một vài thể sa sút trí tuệ khác sẽ tiến triển xấu đi theo thời gian. Chẩn đoán sớm sẽ cho bạn có thời gian để lập kế hoạch cho tương lai trong lúc bạn vẫn còn năng lực đưa ra quyết định.Việc điều trị bệnh sa sút trí tuệ còn tùy thuộc vào từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu phát hiện bệnh sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Kết hợp với tiến trình điều trị là quá trình chăm sóc bệnh nhân, giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Ngoài ra vấn đề tâm lý xã hội với lối sống tích cực gắn kết với xã hội ở tuổi trung niên và tuổi già cũng có thể có tác dụng bảo vệ hoặc làm chậm sự khởi phát sa sút trí tuệ cho người cao tuổi.


Nguồn: Bệnh viện Quốc tế City
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên