17/04/2012 07:44 GMT+7

Mặt trận Tổ quốc VN sẽ họp bất thường

LÊ KIÊN - N.HẬU
LÊ KIÊN - N.HẬU

TT - “Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN sẽ họp bất thường vào ngày 18-4 để bàn về vấn đề tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của bà Đặng Thị Hoàng Yến”.

Một ủy viên đoàn chủ tịch xác nhận với Tuổi Trẻ ngày 16-4 như thế.

Xem toàn cảnh thông tin về vụ việc bà Đặng Thị Hoàng Yến

Mvl6BKfV.jpgPhóng to
Bà Hoàng Yến tiếp xúc người dân huyện Đức Huệ, Long An - Ảnh: Như Huỳnh

MTTQ VN tỉnh Long An cũng đã có báo cáo gửi các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Ủy ban Trung ương MTTQ VN, về một số vấn đề liên quan đến bà Yến. Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đề này tại phiên họp đầu tháng 5 tới.

Quy trình hiệp thương đã chặt chẽ?

Trả lời Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Minh Hùng cho biết hôm nay (17-4), Ủy ban MTTQ VN tỉnh Long An họp lấy ý kiến về tư cách đại biểu của bà Yến theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo ông Hùng, quy trình hiệp thương của MTTQ tỉnh Long An hợp lệ theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình hiệp thương tìm đại biểu nữ trong doanh nghiệp, ngoài Đảng giới thiệu và các lần hiệp thương đúng theo quy định của pháp luật. Còn lý lịch của đại biểu ứng cử (dán ở các điểm bầu cử) là do cá nhân tự khai có xác nhận của nơi cư trú nên không thẩm tra nữa.

Ông Hùng cho rằng nếu bản án ly hôn đã bị bác và bà Yến đã rút đơn xin ly hôn thì hiển nhiên hiện tại đại biểu Yến vẫn đang có chồng bị truy nã. Theo luật, có thể xem xét bãi miễn đại biểu khi khai không trung thực như đã là đảng viên mà không khai...

Tuy nhiên khi trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về bầu cử cho rằng sai sót như vậy rất khó có thể chấp nhận được bởi quy trình “ba vòng, năm bước” để một người trở thành ứng cử viên chính thức là rất chặt chẽ.

Cụ thể, theo tài liệu hướng dẫn bầu cử ĐBQH khóa XIII, một người chỉ được ghi tên vào danh sách ứng cử viên chính thức sau khi trải qua một quy trình gồm: Bước một, MTTQ VN tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm ĐBQH trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bước hai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ra ứng cử. Sau hội nghị này, cơ quan, tổ chức, đơn vị hướng dẫn những người được lựa chọn giới thiệu ra ứng cử làm thủ tục hồ sơ ứng cử theo quy định của pháp luật bầu cử. Bước ba, MTTQ VN tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH. Bước bốn, tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác về những người ứng cử ĐBQH. Bước năm, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH.

ETRuyFDX.jpgPhóng to
Bà Hoàng Yến tặng quà người dân xã Bình Thành, huyện Đức Huệ, Long An - Ảnh: Như Huỳnh

Mặt trận có trách nhiệm xem xét

GS Lưu Văn Đạt - chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của MTTQ VN - cho biết: “Một khi ĐBQH có những vấn đề liên quan đến uy tín, phẩm chất bị dư luận, nhân dân đặt ra thì Mặt trận phải có trách nhiệm xem xét. Đoàn chủ tịch sẽ quyết định tập thể và nếu vấn đề ở mức cần phải đề nghị với Quốc hội thì Mặt trận sẽ có đề nghị cụ thể”.

Theo Điều 56 Luật tổ chức Quốc hội, “ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm ĐBQH theo đề nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ VN, ủy ban MTTQ tỉnh, TP trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra ĐBQH đó.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định”.

“Tôi thất vọng”

Đó là tâm sự của cử tri Nguyễn Văn Độ (80 tuổi, huyện Đức Hòa, Long An). Ông Độ cho biết: “Tôi có bầu cho đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến vì là đại biểu nữ và là người khá nổi tiếng ở huyện Đức Hòa (bà là chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Tân Đức ở xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa - PV).

Nay nghe báo chí phản ánh đại biểu Hoàng Yến không trung thực trong việc khai lý lịch, nhân thân khi tham gia ứng cử ĐBQH, tôi thật sự thất vọng. Cử tri như tôi thì không thể biết được nhân thân bà Hoàng Yến. Lẽ ra khi tiếp nhận hồ sơ ứng cử viên, Ủy ban MTTQ VN và Sở Nội vụ tỉnh Long An phải đến tận nơi thường trú và nơi cư trú của bà Hoàng Yến để xác minh cẩn thận. Nếu làm như vậy có lẽ không có sự cố như bây giờ. Tôi sẽ đặt vấn đề tư cách đại biểu Hoàng Yến tại cuộc tiếp xúc cử tri sắp tới nếu chính quyền địa phương có mời tôi dự. Tôi nghĩ Quốc hội sẽ sớm có quyết định về việc này”.

Cần có cơ chế bãi nhiệm

Sự thiếu rõ ràng trong hồ sơ ĐBQH; những lời phát biểu của ĐBQH động chạm đến tự trọng, danh dự của cử tri; sự im lặng, thụ động của một số đại biểu trước những vấn đề nóng bỏng của cử tri và đất nước... Những câu chuyện như vậy dẫn đến câu hỏi: cử tri có quyền phế truất những đại biểu mà vì những lý do khác nhau không còn nhận được sự tín nhiệm hay không? Nếu có thì làm thế nào? Trả lời câu hỏi này, theo hiến pháp và pháp luật VN, cử tri có quyền trực tiếp bãi nhiệm đại biểu. Chỉ có điều, hiến pháp và pháp luật hiện hành ở VN mới chỉ có quy định chung chung, chưa có cơ chế cụ thể, rõ ràng để cử tri khởi xướng, bỏ phiếu buộc những người mình bầu phải rời nhiệm sở trước khi hết nhiệm kỳ theo quy định. Chẳng hạn, có những cử tri cho rằng nếu ĐBQH thiếu trung thực với cử tri trong quá trình vận động bầu cử thì không đủ tiêu chuẩn để làm đại biểu. Tuy nhiên, cử tri hầu như không thể buộc đại biểu đó rời nhiệm sở vì không có cơ chế thực tế để làm điều đó.

Bãi nhiệm đại biểu là một cơ chế bảo đảm trách nhiệm giải trình trước cử tri trong suốt nhiệm kỳ, buộc đại biểu phải phản ứng trước những yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, phải hành động, ứng xử đúng đắn. Nó có tác dụng trao cho cử tri quyền kiểm soát những người mình đã bầu, giảm rủi ro ảnh hưởng không hay từ các nhóm lợi ích. Quá trình bãi nhiệm còn thu hút sự tham gia của cử tri vì đã trao quyền cho họ, khuyến khích sự tranh luận trong công chúng và sự quan tâm của xã hội đối với việc công, có tác dụng giáo dục, truyền thông công chúng.

Với những lợi ích nói trên, trong bối cảnh còn có nhiều đại biểu kiêm nhiệm như hiện nay ở VN, việc áp dụng hình thức này có những điểm phù hợp. Muốn vậy cần quy định rõ việc quy trình, thủ tục để cử tri bãi nhiệm ĐBQH. Ví dụ, theo thông lệ các nước đã từng có hoặc đang có cơ chế này, bãi nhiệm được khởi xướng bởi kiến nghị của cử tri. Nếu một số lượng chữ ký cử tri nhất định trong một khu vực bầu cử được thu thập và kiểm chứng, cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm sẽ được tiến hành, trong đó cử tri biểu quyết có bãi nhiệm đại biểu hay không, nếu quá nửa tổng số cử tri của khu vực bầu cử đó đồng ý bãi nhiệm, đại biểu đó sẽ phải rời nhiệm sở. Những vấn đề khác cần quy định cụ thể như: cơ sở để khởi xướng bãi nhiệm đại biểu, điều kiện để ra ứng cử thay thế người bị bãi nhiệm, khoảng thời gian cần thiết cho việc bầu cử thay thế người bị bãi nhiệm... Chẳng hạn, cần phải làm rõ hồ sơ ĐBQH có những chi tiết thiếu minh bạch, những kiến nghị về chính sách làm tổn hại lợi ích quốc gia, những chứng cứ về mối quan hệ với các nhóm lợi ích... có được coi là cơ sở để cử tri khởi xướng quy trình bãi nhiệm đại biểu hay không.

Tuy nhiên, việc cho phép cử tri trực tiếp bãi nhiệm nghị sĩ không phải là hình thức phổ biến trên thế giới. Việc bãi nhiệm nghị sĩ, nhất là ở cấp quốc gia, gặp phải sự phản đối ở đa số các nước, vì họ lo ngại cơ chế này có thể biến nghị sĩ phụ thuộc ý chí của những người bầu ra mình mà không thể hành động vì lợi ích của toàn thể quốc gia, dân tộc. Bên cạnh đó, ở những nước có cơ cấu xã hội đa dạng, cơ chế này có thể dẫn đến việc phân rã xã hội, vì nghị sĩ có thể phải chịu lệnh từ những nhóm cử tri quá khích hoặc vì lợi ích nhóm để hành động, biểu quyết mà không cố gắng tìm kiếm sự dung hòa, đồng thuận vì lợi ích quốc gia. Không phải ngẫu nhiên, hiến pháp Bulgaria, Croatia, Pháp, Đan Mạch, Ba Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha còn cấm bãi nhiệm nghị sĩ.

Còn ở cấp địa phương, sở dĩ có khá nhiều nước có cơ chế bãi nhiệm đại biểu vì có lẽ nó chỉ ở phạm vi địa phương, không ảnh hưởng đến việc ban hành chính sách quốc gia. Các văn bản quy phạm pháp luật ở VN về HĐND cũng đã quy định khá cụ thể về quy trình bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND, nhưng chưa quy định về thủ tục để cử tri khởi xướng quy trình này. Như vậy, cần bổ sung các quy định đó để cử tri ở địa phương có thêm một công cụ ràng buộc trách nhiệm của những người mình đã bầu ra.

LÊ KIÊN - N.HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên