Mất tết vì thi học sinh giỏi

HOÀI THUẬN
HOÀI THUẬN

TT - Đó không phải là những đứa trẻ con nhà nghèo phải vất vả mưu sinh, trái lại là những đứa trẻ ở thành phố con gia đình khá giả nhưng không có tết vì ngập đầu trong bài vở.

Số do thầy cô sợ học sinh vui xuân quên bài vở nên giao nhiều bài tập. Số do phụ huynh ép con học vì sợ sau tết con không theo kịp bạn bè. Số khác thì như cháu tôi, mất tết vì áp lực từ kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố diễn ra sau kỳ nghỉ tết chỉ một tuần.

Ở đây tôi chỉ nói đến những trường hợp như cháu mình vì chỉ cần điều chỉnh lịch thi phù hợp là trẻ sẽ có cơ hội chơi tết vui xuân.

Cháu tôi học lớp 9 một trường THCS ở Đà Nẵng và là thành viên đội tuyển học sinh giỏi của trường thi thành phố. Tôi hiểu thi học sinh giỏi là một áp lực lớn cho cả thầy lẫn trò.

Trước khi nghỉ tết, thầy trò ráo riết “tăng ca” nhằm ôn luyện kiến thức, đến khi nghỉ tết thầy không quên giao cho cháu nhiều bài tập và dặn học hết.

Như vậy vẫn chưa yên tâm, ngày tết thầy gọi điện cho trò tiếp tục động viên, nhắc nhở trò ôn tập để thi tốt. Về phía trò được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi là một vinh dự đồng thời là áp lực không hề nhỏ. Do đó, tết vẫn không được nghỉ ngơi, không dám đi chơi mà vẫn phải ở nhà “cày” cho xong đống bài tập.

Thấy cháu ngày tết mà phải vất vả học bài, tôi bảo cháu nghỉ ngơi, đi chơi cho thoải mái đầu óc nhưng cháu không đồng ý. Cháu bảo bài tập còn nhiều và không muốn thất bại trong kỳ thi học sinh giỏi. Cháu muốn có giải để khẳng định bản thân, để ba mẹ vui và để không phụ công sức và sự tin tưởng của thầy.

Cháu cho biết thầy đã nói riêng với cháu rằng trong đội tuyển học sinh giỏi năm nay thầy tin tưởng và kỳ vọng vào cháu nhất, do đó cháu phải nỗ lực thi có giải để không phụ niềm tin của thầy. Nghe cháu nói tôi mừng vì cháu có ý chí, quyết tâm trong việc học hành thi cử nhưng cũng không khỏi băn khoăn về việc không có tết mà lẽ ra cháu cũng như chúng bạn cùng trang lứa được tận hưởng.

Việc kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 và lớp 12 diễn ra vào tháng 2, thời điểm sau Tết Nguyên đán là không hợp lý. Đây là thời điểm tạo cho thầy trò nhiều lo lắng do sợ kỳ nghỉ tết ảnh hưởng đến kết quả thi cử.

Để yên tâm, nhiều học sinh đã chấp nhận không có tết, vùi đầu vào sách vở quyết mang vinh quang về cho bản thân, gia đình và nhà trường.

Để có thành tích, thầy giao cho trò nhiều bài tập và ngày tết vẫn không quên động viên, nhắc nhở trò ôn tập để thi tốt. Có thầy cô còn dùng “chiêu khích tướng” học trò bằng cách gặp riêng từng thành viên đội tuyển và nói câu “thần chú”: “Năm nay thầy tin tưởng và hi vọng vào em nhất. Em cố lên nhé”. Câu nói đó của thầy cô như liều “đôping” tinh thần khiến trò học tập hăng say.

Tôi hiểu và thông cảm cho thầy trò vì áp lực thành tích nhưng không khỏi xót xa. Tôi tự hỏi tại sao kỳ thi học sinh giỏi không diễn ra trước tết hoặc giữa tháng 3 sẽ thích hợp hơn để học sinh được vui tết đúng nghĩa. Thiết nghĩ kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành cần được lên kế hoạch hợp lý hơn.

HOÀI THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên