Để người giỏi không bị gạt ra rìa

HOÀI THUẬN
HOÀI THUẬN

TT - Giáo viên là nhân tố quan trọng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Thế nhưng, nhiều năm qua ngành giáo dục tại nhiều địa phương lại không tuyển được người giỏi...

Trước đây, nhiều địa phương tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập, lấy điểm từ trên xuống. Với hình thức này, lúc đầu cũng tuyển dụng được những người giỏi thật sự.

Tuy nhiên, chỉ vài năm sau thì hình thức xét tuyển bắt đầu bộc lộ những bất cập, khi người học tìm cách chạy chọt, mua điểm để có tấm bằng loại giỏi, xuất sắc. Trong khi đó nhà trường cũng có sự du di trong đánh giá, cho điểm sinh viên, nhằm giúp sinh viên trường mình có được thành tích học tập tốt để cạnh tranh với các trường khác, qua đó nâng “uy tín và thương hiệu” của trường mình lên.

Điều này lý giải vì sao tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở một số trường sư phạm tăng cao một cách bất thường. Từ đó dẫn đến hiện tượng “lạm phát sinh viên giỏi” với chất lượng vàng thau lẫn lộn, khiến xã hội lo lắng, bất an.

Khắc phục những bất cập này, hiện nay nhiều địa phương sử dụng hình thức thi tuyển. Theo đó, ứng viên phải trải qua các phần thi kiến thức chung (gồm Luật giáo dục, soạn giáo án), thi thực hành kết hợp phỏng vấn, trong đó điểm thực hành phỏng vấn hệ số 2.

Hình thức này nhìn qua thì rất công bằng, nhưng vẫn có kẽ hở cho tiêu cực, gửi gắm, nhờ vả. Cụ thể, ở phần thi phỏng vấn, nội dung do hội đồng tuyển dụng ra đề, khi tiến hành thi trong phòng chỉ có một thí sinh và một số thành viên hội đồng. Giả sử hội đồng tuyển dụng muốn “ưu ái” cho ứng viên nào đó thì rất dễ thực hiện và các ứng viên khác không thể khiếu nại, bởi không có ghi âm, không có giám sát và cũng không biết giám khảo chấm điểm thế nào.

Vì vậy, để đảm bảo công bằng, đối với hình thức thực hành và phỏng vấn thì phải ghi âm ghi hình nhằm đảm bảo khách quan, công khai, rõ ràng trong các bước xét tuyển. Khi có sự “giám sát” từ camera thì giám khảo chắc chắn phải làm việc công tâm, người giỏi sẽ không bị gạt ra rìa một cách oan uổng!

Một khi đã bịt được các “lỗ hổng” trong tuyển dụng thì người tài sẽ rộng cửa. Đơn cử như tháng 8-2015, Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức kỳ thi tuyển lấy 144 giáo viên THPT, dành cho nhiều đối tượng gồm giáo viên hợp đồng, sinh viên nội tỉnh và sinh viên giỏi ngoại tỉnh. Kỳ thi này được tổ chức công khai, công bằng, minh bạch và đã có 76 sinh viên trúng tuyển, chiếm tỉ lệ 52,8%. Vì thế, đây là kỳ thi được dư luận xã hội đánh giá cao khi người giỏi không bị gạt ra rìa.

Mong rằng ngành giáo dục sớm bịt các “lỗ hổng” trong tuyển dụng giáo viên để “rộng cửa đón nhân tài”. Khi và chỉ khi có được đội ngũ giáo viên chất lượng thì công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mà nghị quyết trung ương 29 đề ra mới có thể thành công.

Mỗi nơi một phách

Tuy đã có quy định cụ thể về việc tuyển dụng giáo viên, nhưng mỗi nơi lại làm một phách. Có nơi sử dụng hình thức xét tuyển, có nơi thi tuyển, có nơi hợp đồng sau đó hợp thức hóa bằng xét hoặc thi. Có nơi do phòng nội vụ tuyển, có nơi do sở, phòng giáo dục, có nơi giao quyền cho hiệu trưởng nhà trường.

Điều này tạo nên những “lỗ hổng”, từ đây mới có sai phạm như ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh), huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), huyện Bá Thước (Thanh Hóa)... khiến hàng trăm giáo viên khóc đứng khóc ngồi vì bị cắt hợp đồng.

Trong khi đó, ở nhiều địa phương lại để “lỗ hổng” cho người không đủ năng lực chen vào, làm chất lượng giáo viên giảm sút, gây nhiều hệ lụy cho ngành giáo dục. Vì vậy, cần thống nhất bằng hình thức thi tuyển công khai, minh bạch!

HOÀI THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên