Các đối tượng lập tài khoản Zalo mang tên Phòng điều tra và hình nền là các cán bộ công an
Trường hợp mới nhất bị lừa là chị V.T.T. - nhân viên tại một doanh nghiệp ở Đà Nẵng - đã bị các đối tượng gọi điện thoại xưng là cảnh sát hình sự lừa mất 660 triệu đồng. Ngày 22-8, chị T. đã đến Công an TP Đà Nẵng trình báo.
"Điều tra" qua Zalo và điện thoại
Theo chị T., sáng 21-8, khi chị đang công tác tại Huế thì nhận được một cuộc điện thoại.
Đầu dây bên kia giới thiệu là nhân viên bưu điện nói có một bưu phẩm nhưng không tìm ra địa chỉ để giao và nói bưu phẩm là giấy triệu tập chị T. của TAND TP Hà Nội, yêu cầu trước 16h30 ngày 21-8 phải có mặt để làm việc vì nghi ngờ chị mở một tài khoản ngân hàng tại Hà Nội để hoạt động mua bán ma túy và rửa tiền. Nếu chị không có mặt đúng giờ sẽ bị bắt giam.
Chị T. hoang mang, cố gắng giải thích và nói đang đi công tác nên không thể ra Hà Nội kịp theo giấy triệu tập. Thấy "cá cắn câu", đối tượng yêu cầu chị nói chuyện với cán bộ điều tra để được giải quyết.
Chị T. được kết nối cuộc gọi với một người tự xưng là cảnh sát hình sự "Phòng điều tra Hà Nội". "Cảnh sát" này truy vấn: "Chị quen biết, mua bán ma túy với các đối tượng tên T., tên H. và vay tiền ngân hàng mua ma túy phải không?".
Và viên "cảnh sát" này nói nếu tài khoản tại ngân hàng không phải là của chị, vậy "Phòng điều tra Hà Nội" sẽ phong tỏa để phục vụ điều tra và hỏi chị T. có đồng ý để chứng minh mình vô tội? Khi chị T. nhận lời thì vị "cảnh sát" tự xưng kết nối chị với "cán bộ viện kiểm sát" để được... phê duyệt.
Lúc này, "cán bộ viện kiểm sát" liền yêu cầu chị T. kết bạn qua Zalo để được "tống đạt" quyết định triệu tập vì chị T. bị các đối tượng trong một vụ án ma túy lớn khai ra. Chị T. mở Zalo của "cán bộ" ra thấy hình nền là người mang sắc phục của ngành nên càng tin.
Vị "cán bộ" này tiếp tục truy chị T. phải khai báo thành khẩn là có bao nhiêu tài khoản, tiền bạc...
Trong cơn hoảng loạn, chị T. nói có 2 sổ tiết kiệm khoảng 950 triệu đồng. Vị "cán bộ" yêu cầu chị T. rút hết tiền gửi vào tài khoản tạm của phòng điều tra, nếu qua điều tra mà chị không liên quan đến vụ án thì sẽ hoàn trả và sẽ được tính cả lãi ngân hàng.
Vị "cán bộ" còn yêu cầu chị giữ bí mật để tránh bị lộ "án". Chiều 21-8, chị T. đã rút tiền và chuyển 660 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu của "cán bộ". Sáng 22-8, chị T. kể chuyện với một người bạn thì mới biết mình bị lừa nên đến công an trình báo.
Theo Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng, có ngày số điện thoại đường dây nóng của đơn vị nhận đến bốn, năm cuộc gọi cung cấp thông tin về hành vi lừa đảo trên.
Điển hình như chị N.T.K., trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng, nhận được cuộc gọi của người xưng là nhân viên bưu điện thông báo có giấy triệu tập của tòa án Hà Nội và hướng dẫn chị bấm phím số 9 trên điện thoại để gặp cán bộ điều tra.
Khi bấm phím xong, chị K. được một người xưng là trung úy Hoàng - phòng cảnh sát hình sự - thông báo chị bị tình nghi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền; yêu cầu chị này phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để tạm giữ trong thời gian chờ xác minh.
"Cán bộ" này yêu cầu chị K. phải giữ bí mật để không bị lộ chuyên án điều tra. Trên tài khoản Zalo của các đối tượng cũng để hình đại diện các cán bộ công an.
Cả tin, chị K. đã nhiều lần chuyển vào tài khoản của các "cán bộ" với số tiền hơn 10 tỉ đồng. Sau đó thì không thể liên lạc được với các "cán bộ" này.
Đầu tháng 8-2019, chị T.T.M. - trú quận Hải Châu, Đà Nẵng - cũng sập bẫy các đối tượng giả danh công an của "Phòng điều tra Hà Nội" tống đạt quyết định của... viện kiểm sát ban hành tạm giữ tài sản phục vụ điều tra qua Zalo và bị lừa 1,5 tỉ đồng.
Phiếu chuyển tiền 660 triệu đồng của chị T. cho “cán bộ” để điều tra
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Một điều tra viên của Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng phần mềm chạy trên hệ điều hành Android hoặc Windows để tạo ra số điện thoại giả mạo.
Tài khoản ngân hàng cũng là tài khoản thuê người khác mở hoặc mua lại. Số điện thoại được dùng để đăng ký nhận tin nhắn giao dịch cũng là số sim rác.
"Cơ quan công an phát hiện một số vụ lừa đảo gần đây là do đối tượng người nước ngoài chủ mưu, với sự giúp sức của đối tượng trong nước. Tiền của các nạn nhân được rút ra tại các máy ATM đặt tại nước ngoài" - điều tra viên này cho biết thêm.
Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết thêm là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi. Nếu trước đây số điện thoại giả chúng sử dụng đều có thêm dấu "+" trước dãy số thì nay đã được nâng cấp phần mềm và không còn dấu "+" nữa.
Cũng theo Công an Đà Nẵng, thủ đoạn lừa đảo này không mới. Thường các đối tượng khi gọi điện cho người ở Đà Nẵng thì giả danh Công an Hà Nội, còn khi gọi để lừa người dân ở Hà Nội thì giả danh Công an Đà Nẵng hay tỉnh thành khác.
"Chúng thấy chỗ nào dễ lừa thì sẽ tiếp tục thực hiện. Ở Đà Nẵng, cơ quan công an liên tục thông tin cảnh báo trên báo chí để người dân biết nhưng vẫn có nhiều người bị lừa" - một điều tra viên cho biết.
Quyết định giả mạo mà các đối tượng gửi cho nạn nhân - Ảnh: CA
Không có chuyện triệu tập đương sự qua điện thoại
Theo đại tá Trần Mưu - phó giám đốc Công an Đà Nẵng, công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại, khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Cơ quan công an cũng không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội.
Người dân cần lưu ý tất cả số điện thoại giả mạo theo số máy của cơ quan chức năng được thực hiện qua mạng Internet. Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận