Ngày 25-7, ông Phạm Anh Tuấn - phó trưởng Ban Nội chính trung ương - xác nhận với Tuổi Trẻ việc Trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh đã ký thông báo kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - gọi tắt là Ban chỉ đạo) tại phiên họp lần 3 của Ban chỉ đạo vừa qua.
Thông báo nêu rõ trong tình hình hiện nay, để tăng cường tác dụng răn đe và xét thấy cần thiết phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Ban chỉ đạo yêu cầu Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo nghiên cứu, quy định tiêu chí được hưởng án treo theo hướng siết chặt điều kiện cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng (căn cứ điều 60 Bộ luật hình sự);
Đảng ủy Công an trung ương chỉ đạo nghiên cứu, quy định tiêu chí xét đặc xá theo hướng siết chặt điều kiện đề nghị đặc xá đối với các phạm nhân phạm tội tham nhũng nghiêm trọng (căn cứ điều 10 Luật đặc xá);
Ban cán sự Đảng Viện KSND tối cao chỉ đạo nghiên cứu, quy định việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị can, bị cáo phạm tội tham nhũng cho đến khi xét xử xong vụ án; trừ các trường hợp được quy định tại điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự.
Đáng chú ý trong thông báo này là kết luận của Tổng bí thư về một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa tám vụ án, hai vụ việc tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đề nghị của Ban Nội chính trung ương vào diện tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm, không để kéo dài.
Về tiến độ xử lý các vụ án trọng điểm, kết luận của Tổng bí thư chỉ rõ trong quá trình tố tụng, các thành viên Ban chỉ đạo là người đứng đầu các cơ quan phải chủ động chỉ đạo xử lý dứt điểm theo đúng trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Đối với những vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong quá trình tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng còn có ý kiến khác nhau về quan điểm xử lý hoặc có vướng mắc, Ban chỉ đạo thống nhất phương thức xử lý theo ba cấp độ (mức).
Thứ nhất, giao trưởng Ban Nội chính trung ương, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp liên ngành, thống nhất hướng xử lý.
Thứ hai, trường hợp các cơ quan vẫn chưa thống nhất thì giao Thường trực Ban Bí thư, phụ trách công tác nội chính chủ trì họp liên ngành bàn hướng xử lý tiếp.
Thứ ba, trường hợp vẫn tiếp tục còn những ý kiến khác nhau, giao trưởng Ban Nội chính trung ương, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo tổng hợp, báo cáo đề xuất tập thể thường trực Ban chỉ đạo (gồm trưởng ban và các phó trưởng Ban chỉ đạo) chỉ đạo về chủ trương, định hướng xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận