Thí sinh nhận giấy báo nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Ngành sư phạm "mất giá", chất lượng đào tạo sư phạm xuống thấp, điểm chuẩn đầu vào thấp... Phải làm gì để "nâng tầm chất lượng giáo dục ngành sư phạm"? Tôi xin đề xuất 5 giải pháp, bắt đầu từ các trường đào tạo sư phạm.
Đầu tiên, “dẹp bỏ” chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm. Chính sách này mang lại hiệu quả tốt ở những năm đầu của thập niên trước, còn giờ đây nó chính là cái cớ cho thí sinh “bám víu” vào để đăng ký ngành sư phạm.
Hãy để cho người học thấy được ngành sư phạm phải được cạnh tranh công bằng với các ngành học khác. Điểm đầu vào cũng phải quy định tối thiểu từ 22-23 điểm tùy vào các ngành học. Nếu thí sinh có điểm đầu vào từ 25 điểm trở lên thì sẽ được miễn học phí hoàn toàn trong năm học đầu tiên.
Trong quá trình học, những sinh viên đạt loại giỏi sẽ được xét học bổng tương đương với học phí của một năm học tiếp theo, đó là động lực và cũng là cách hỗ trợ kịp thời cho những sinh viên giỏi và đam mê sư phạm.
Nếu sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc có thể cân nhắc giữ lại trường, đào tạo và bồi dưỡng trở thành lực lượng giảng viên có chất lượng cao, phục vụ lại cho trường.
Thứ hai, chương trình đào tạo sư phạm cần tinh gọn và chuyên sâu. Không nên dàn trải hoặc “tham lam” trong việc truyền thụ lý thuyết suông. Thay vào đó phải là những tiết dự giờ thường xuyên, tiết thực hành nghiệp vụ sư phạm, những tiết sinh hoạt với học sinh các cấp để tăng tính thực tế.
Một bất cập mà những năm học sư phạm, bản thân tôi cũng đã từng trải qua, là sinh viên các lớp toán, lí, hóa bị bắt buộc học các học phần Lịch sử văn minh thế giới hay Cơ sở văn hóa Việt Nam.
Đó là học phần tự chọn nhưng khoa đã thay mặt sinh viên “chọn giùm”, tạo điều kiện cho giảng viên dạy học phần đó đủ số tiết theo quy định.
Thử hỏi những kiến thức trên sẽ được sinh viên áp dụng bao nhiêu sau khi ra trường hay học xong “gửi lại” cho thầy cô và “bỏ quên” lại trên ghế giảng đường?
Mặt khác, các trường nên khuyến khích các giảng viên giỏi chủ động biên soạn giáo trình để phục vụ công tác giảng dạy và chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng ở học phần mà mình phụ trách.
Thứ ba, cần xem xét lại chất lượng đội ngũ giảng viên. Nếu chúng ta mạnh tay loại bỏ những sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp, bắt buộc sinh viên phải học lại các học phần chưa đạt yêu cầu thì chúng ta cũng nên xem xét lại chất lượng của một bộ phận giảng viên đứng lớp.
Không thể để thạc sĩ Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành lại dạy ngành lịch sử, thạc sĩ Quản lí tài nguyên và môi trường dạy môn địa lí hay thạc sĩ ngành Công tác xã hội lại dạy môn giáo dục công dân…(trừ những trường hợp trường tạo điều kiện đi học).
Thầy không giỏi thì làm sao đào tạo ra được trò giỏi? Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã “tuýt còi” không cho các trường đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm một cách “vô tội vạ” nữa, nhưng liệu các trường đại học, cao đẳng có dám mạnh tay “lọc sạch” những giảng viên không đáp ứng được chất lượng ra khỏi trường hay không?
Thứ tư, đào tạo sư phạm có thể chuyển đổi công việc sau khi tốt nghiệp. Chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong buổi họp gần đây với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nói tới giải pháp sẽ chuyển đổi giáo sinh đã tốt nghiệp sang một ngành khác.
Ý tưởng này có vẻ khả thi, nhưng phải được chuẩn bị kĩ càng. Có nghĩa là sinh viên học sư phạm ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường có thể tham gia các lớp/nhóm/hội/câu lạc bộ bồi dưỡng kỹ năng thuộc các ngành nghề khác để sau khi tốt nghiệp, sinh viên sư phạm không thể đi dạy thì vẫn có thể làm nhiều công việc phù hợp với kiến thức và năng lực của mình.
Ví dụ như: sinh viên học sư phạm Địa lí - lịch sử có thể chuyển sang làm du lịch; sư phạm Văn có thể viết báo, sáng tác; sư phạm Anh có thể làm phiên dịch, dịch thuật, hướng dẫn viên; sư phạm Sinh - công nghệ có thể mở trang trại, nông trại hộ gia đình…
Dự hướng tốt ngành nghề có liên quan đến môn học cũng sẽ là một giải pháp không tồi để giải quyết bài toán “nhiều cử nhân sư phạm thất nghiệp”.
Cuối cùng, tổ chức thi chọn người tài thật công bằng và minh bạch. Điều này thuộc về chức trách của những đơn vị quản lí giáo dục tại các địa phương.
Nhiều sinh viên xuất sắc sẽ không bao giờ thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng vì không có những điều kiện cần và đủ để đậu kỳ thi viên chức. Một “cơ chế xin cho”, “cơ chế chạy cửa sau”, “cơ chế con ông cháu cha” đã vô tình gạt người giỏi ra rìa và kéo những người thiếu năng lực (nhưng có điều kiện khác) lại được giảng dạy, được truyền thụ những kiến thức “lơ tơ mơ” cho học sinh.
Liệu quá trình giảng dạy ấy thật sự có chất lượng hay không? Câu hỏi này tôi xin nhường lại cho những người làm quản lí giáo dục, vì họ cũng là một “mắc xích” gián tiếp để vẽ nên chân dung của người học sinh cho xã hội sau này.
Giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm là có, nhưng để thực hiện triệt để và có hiệu quả thì rất cần sự chung tay góp sức, cùng chung một lòng của các đơn vị quản lí giáo dục các cấp.
Nếu không có sự thay đổi từ bây giờ thì trong tương lai không xa, ngành sư phạm không chỉ đơn thuần nghe bài ca “mất giá”, “rớt giá” mà tệ hại hơn là “không có giá” để thu hút người tài, người giỏi theo học. Nghĩ đến đó thôi mà xót xa làm sao!
Vì sao ngành sư phạm ‘mất giá’? Bạn có đồng ý với ý kiến của tác giả Lê Đức Bảo? Trong nhìn nhận của bạn, cần làm gì để nâng chất lượng ngành sư phạm? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: tto@tuoitre.com.vn. Xin cảm ơn! |
>> Đầu vào sư phạm tụt dốc thảm hại? >> Sắp hưu lương 8 triệu, người giỏi không 'lơ' mới lạ >> 'Nếu chọn ngành sư phạm', bài thơ đúng về giáo dục VN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận