Phóng to |
Người dân ở đảo Sinh Tồn chuẩn bị tham gia chào cờ cùng bộ đội trên đảo - Ảnh: Quốc Thanh |
Tàu HQ 996 gánh vác trọng trách đưa đoàn công tác của Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải Quân do đại tá Bùi Hải Phước - phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng - làm trưởng đoàn đến với dân, quân các đảo Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị, Đá Nam, Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa.
Đây là một trong ba chuyến tàu đến với Trường Sa vào dịp đón chào năm mới 2014, chuẩn bị tươm tất mọi thứ cho Tết cổ truyền dân tộc xuân Giáp Ngọ sắp đến gần.
Chuyến hải trình nhiều sóng gió
Trẻ em hồn nhiên trên đảo Sinh Tồn quần đảo Trường Sa - Ảnh: Quốc Thanh |
Đại tá Bùi Hải Phước cho biết theo kế hoạch, đảo đầu tiên mà đoàn đến là Song Tử Tây. Nhưng ngay khi tàu rời cảng được 30 hải lý (tương đương 55,56km), chỉ huy đoàn công tác, chỉ huy tàu HQ 996… phải hội ý chớp nhoáng, lập tức đề xuất với Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân phương án chuyển đổi hành trình do gặp sóng to, gió lớn.
Theo đại tá Phước, nếu quyết tâm đưa tàu đến đảo đầu tiên là Song Tử Tây như kế hoạch thì đoàn công tác cũng sẽ đến nhưng hành trình chắc chắn sẽ kéo dài hơn, sức khỏe của bộ đội và các thành viên trên tàu sẽ giảm sút…
Đến gần nửa đêm của ngày đầu tiên trong chuyến hành trình, tàu HQ 996 được lệnh chuyển hướng để đến điểm đầu tiên là đảo Sinh Tồn, thay vì đảo Song Tử Tây như kế hoạch ban đầu.
Với đại tá Phước, quyết định này là một trong những thành công đầu tiên của chuyến đi, cũng rất khó quên đối với ông và các cấp chỉ huy trên tàu.
Và khi tàu thả neo ở đảo Sinh Tồn, nụ cười bắt đầu nở lại trên những khuôn mặt tái nhợt sau hai đêm dính chặt với chiếc giường vừa đủ một người nằm trên con tàu lênh đênh cùng sóng nước. Nhiều người trong đoàn công tác có thể gượng dậy, húp được chén cháo gà nóng hổi…
Như được trở về làng quê yên bình
Hoàn thành xuất sắc chặng đầu tiên khoảng 330 hải lý, tàu HQ 996 thả neo ở đảo Sinh Tồn vào buổi chiều nắng đẹp, khô ráo. Biển trong xanh, bầu không khí thật trong lành. Một dải đất chạy theo hướng Đông Nam – Tây Bắc rộng hàng chục nghìn mét vuông hiện ra trước mặt. Những nét mặt rạng rỡ, háo hức đặt chân lên đảo đã xóa tan hết bao mệt mỏi của chặng hành trình khá dài cùng sóng gió dập tơi bời.
Cây cối um tùm, các công trình quân sự, dân sinh, nhà khách, chùa… trên đảo san sát nhau. Đặt chân lên cầu tàu, cảm giác dâng trào như đang được về thăm một làng quê yên bình lại ùa đến trên nét mặt, ánh mắt của nhiều người. Tất cả mọi ngả đường trên đảo đều được tráng bê tông phẳng lì, cây xanh rợp bóng. Tiếng kèn hiệu của bộ đội, tiếng chuông chùa vọng về vào mỗi sáng sớm hay chiều đến, rồi tiếng trẻ thơ nô đùa, ê a nơi lớp học, tiếng gà gáy canh khuya…, đã tạo nên một không gian yên ả của miền quê thanh bình, trong vắt giữa biển đảo xa xôi.
Qua một đêm nghỉ ngơi lấy lại sức, buổi sáng hôm sau thật bận rộn với bác sĩ Đoàn Thanh Giang (khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa). Ông bắt tay ngay vào việc chuyên môn mà chính ông gọi “đây là một vinh dự lớn trong đời” sau 29 năm gắn bó với nghề y và cũng là lần đầu tiên đến với Trường Sa.
Bác sĩ Giang tất tả cả buổi sáng cùng với bác sĩ quân y thăm khám tỉ mỉ cho nhóm các trẻ nhỏ, khám phụ khoa cho từng chị em trên đảo… Vẻ mặt của bác sĩ rạng rỡ hẳn lên khi thăm khám cho một thai phụ đang mang trong mình một mầm non đã năm tháng. Tín hiệu từ máy siêu âm đã cho ông cảm nhận rất rõ một mầm non mới đang đâm chồi khỏe mạnh giữa hòn đảo quanh năm sóng gió.
Bác sĩ Giang nói có lẽ ông sẽ trở lại Sinh Tồn để chính tay mình đỡ đần cho một công dân mới chào đời trên mảnh đất đã trụ vững qua biết bao mùa phong ba bão táp.
Còn người còn đảo
Tạm biệt Sinh Tồn, tàu HQ 996 kéo còi bắt đầu chặng hành trình mới đến với đảo Nam Yết, nơi cách bán đảo Cam Ranh 334 hải lý và cách cụm đảo Sinh Tồn 20 hải lý về phía nam. Nam Yết là một trong những đảo lớn, nằm ở trung tâm của quần đảo Trường Sa.
Giờ đây, bộ mặt đáng tự hào của Nam Yết là một màu xanh biếc bao trùm trên toàn đảo và một thứ “đặc sản” mà ai đặt chân đến đây cũng xuýt xoa - hàng trăm cây dừa cao vút, trĩu quả quanh năm. Những con đường bê tông ngang dọc rợp bóng cây xanh đã mang lại những đổi thay khác lạ trên mảnh đất giữa trùng khơi, hiển hiện một niềm tin vững chắc “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
Chia sẻ niềm tự hào của Nam Yết, trung tá Ngô Văn Lúa - nguyên chỉ huy trưởng đảo Nam Yết nhắn nhủ với đất liền: Mỗi người hãy là một tuyên truyền viên tích cực để tất cả hiểu về Trường Sa nhiều hơn nữa… Đảo xa đang bình yên như một vùng quê.
Theo ông Lúa, những chuyến tàu thăm Trường Sa khi được tăng cường nhiều hơn sẽ là một trong những phương cách tuyên truyền thực tế sinh động, hiệu quả nhất về biển đảo.
"Tôi xin nhắn nhủ thêm một lời, đất liền hãy an tâm rằng chúng tôi luôn trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ đảo trong mọi tình huống với phương châm còn người còn đảo” - trung tá Lúa nói chắc nịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận