18/08/2021 09:55 GMT+7

Mang bao gạo, gói mì đến người khó

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Từ tháng 8-2021, đường dây nóng của Tuổi Trẻ bắt đầu kết nối vào Tổng đài khẩn cấp tiếp nhận và giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 của Thành đoàn TP.HCM. Những cuộc gọi đang được hồi đáp.

Mang bao gạo, gói mì đến người khó - Ảnh 1.

Huyện đoàn Bình Chánh chở thực phẩm xuống hỗ trợ người dân xã Phạm Văn Hai, sau cuộc gọi của người dân đến báo Tuổi Trẻ - Ảnh: VŨ THỦY

"Tổ 9, ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh có 40 hộ dân đang rất khó khăn về thực phẩm thiết yếu. Mong được báo Tuổi Trẻ hỗ trợ" - đó là cuộc gọi từ một nông trường xa xôi ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Người gọi đến là chú Trần Đức Phụng (71 tuổi), một người dân trong xã. Thông tin của chú Phụng đã được chuyển vào hệ thống tiếp nhận thông tin của Thành đoàn TP.HCM và chuyển tiếp xuống Huyện đoàn Bình Chánh.

Lúc ngặt nghèo

Theo vị trí Google Map được chú Phụng chia sẻ, hai ngày sau, 2 chiếc xe bán tải của Huyện đoàn Bình Chánh mang 40 túi thực phẩm với gạo, mì gói, cá hộp... len lỏi dọc theo một con kênh vào trao tận tay bà con.

"Các gia đình ở đây đa số làm thuê, làm mướn, là công nhân mất việc nên không có tiền bạc gì suốt nhiều tháng nay", chú Phụng chia sẻ khi ra đón xe hỗ trợ. Nơi này xa xôi, khó tìm đường vào nên ít khi nhà hảo tâm vào được đến nơi. "Nhà có 6 người, tôi với chồng làm thuê làm mướn, hai con làm công ty cũng nghỉ ở nhà lâu rồi. Mấy bữa nay chỉ hái rau, hái trái ăn chứ đâu làm ra tiền mà mua gì" - cô Nguyễn Thị Ái (60 tuổi), một hộ dân ở đây, chia sẻ. Cô bảo nhận được gạo, mì như thế này cũng đỡ lo cho những ngày sắp tới.

Những cuộc gọi đến báo Tuổi Trẻ phần lớn từ những người ngại tìm đến trợ giúp của địa phương vì nhiều lý do. "Ba mẹ con tôi chỉ ở tạm đây, không có đăng ký tạm trú nên không dám kêu xã", chị Mai Lý (30 tuổi, quê Bình Thuận) cho biết. 

Chị một mình rời quê bán vé số nuôi hai con. Hỏi lý do không đăng ký tạm trú, chị chỉ biết lắc đầu: "Chỗ này người ta cho ở tạm. Tính ở 1-2 tháng bán vé số có tiền rồi thuê phòng đàng hoàng nuôi con. Đâu biết dịch giã kéo dài như thế này". 

Không có tạm trú nên chị Lý không thể đăng ký để nhận trợ cấp cho lao động tự do trong đợt đầu tiên, đành phải tự xoay xở.

"Tôi khó khăn quá nên cần sự giúp đỡ của quý báo. Tôi xin được hỗ trợ một chiếc nồi cơm điện nhỏ, một cái nồi để nấu canh và vài ký gạo. Tôi thật sự không còn khả năng để mua những vật dụng đó nữa" - đó là cuộc gọi của anh Nguyễn Ngọc Huy (40 tuổi), bán xe bánh mì ở quận Gò Vấp. 

Sau cuộc gọi đó, anh Huy đã được phường hỗ trợ cho mượn nồi niêu và cho gạo để tự nấu nướng. "Tôi ở có một mình, lo bán về rồi ăn ngoài nên đâu có nấu nướng bao giờ. Lúc đóng cửa hàng quán cũng không kịp chuẩn bị gì, ăn mì tôm và cơm từ thiện cầm cự qua mấy bữa. Giờ có nồi niêu cũng tự lo được rồi" - anh kể. 

Hỏi về tiền bạc, anh thành thật chia sẻ: "Lúc đầu cũng còn chừng hơn triệu, rồi lo tiền nhà, ăn uống qua ngày, đến giờ qua tháng thứ 3 hết gồng nổi rồi. Giờ ai cho gì ăn nấy".

Dồn tổng lực hỗ trợ người dân

Hơn 2 tuần qua, danh sách cuộc gọi đến đường dây nóng để nhận hỗ trợ mỗi ngày càng dài thêm. Đến nay đã có hơn 250 cuộc gọi đến được Tuổi Trẻ tiếp nhận và chuyển đến Thành đoàn TP.HCM và sau đó là Đoàn cơ sở ở các quận, huyện, phường xã lên phương án hỗ trợ.

Chị Đinh Thị Phương Thảo, bí thư Huyện đoàn Bình Chánh, cho biết hiện nay huyện đoàn tiếp nhận thông tin yêu cầu hỗ trợ của người dân với đầu mối là Thành đoàn từ rất nhiều nguồn khác nhau. Trong đó có đường dây nóng 1022 (phím 4), đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ, các trang cộng đồng của huyện đoàn... Sau khi nhận thông tin, huyện đoàn sẽ liên hệ phường, xã, tổ trưởng để xác minh. 

"Địa bàn huyện Bình Chánh rất rộng nhưng chúng tôi đã cố gắng "phủ" hỗ trợ lần 1 tới tất cả người dân. Dịch kéo dài nên nhiều nơi còn rất khó khăn và vẫn phải tiếp tục hỗ trợ. Hiện nhiều xã chưa có kho dữ liệu tổng hợp nên việc xác minh rất mất thời gian", chị Thảo chia sẻ.

Hiện nay lực lượng cán bộ, tình nguyện viên huyện đoàn khoảng 450 người đang rải ra và choàng gánh chính ở rất nhiều "mặt trận" (hỗ trợ hơn 30 điểm chích ngừa, đội hình đi chợ giúp người dân, đội hình vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, "ATM oxy" hỗ trợ người dân là các F0 điều trị tại nhà, đội hình trực các chốt kiểm soát, phong tỏa...).

"Đối với việc hỗ trợ nhu yếu phẩm thì khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã nỗ lực hết sức để người dân nhận được sự hỗ trợ sớm nhất có thể. Hiện nay các nguồn hỗ trợ chính là nhu yếu phẩm từ Thành đoàn TP.HCM chuyển xuống và đóng góp của các nhà hảo tâm", chị Thảo cho biết thêm.

Tuổi Trẻ tiếp nhận thông tin hỗ trợ nhu yếu phẩm

Bắt đầu từ ngày 4-8, đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ đã kết nối vào Tổng đài khẩn cấp tiếp nhận và giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM do Thành đoàn, Hội LHTN Việt Nam TP phối hợp với báo Tuổi Trẻ, Hội Doanh trẻ TP, Công ty cổ phần Be Group, Công ty TNHH công nghệ XTEK, Nhóm Người Việt thương nhau thực hiện.

Người dân có thể liên hệ đường dây nóng hỗ trợ người dân của báo Tuổi Trẻ để gửi yêu cầu hỗ trợ nhu yếu phẩm. Thông tin hỗ trợ sẽ được chuyển cho các bộ phận liên quan (cơ sở Đoàn, chính quyền địa phương) để cùng phối hợp xác minh, làm rõ nhu cầu, hoàn cảnh cần hỗ trợ. Từ đó, chuyển thông tin cho các bộ phận để có cách hỗ trợ nhanh nhất, phù hợp từng người.

Trên 1 triệu lượt công nhân lao động được hỗ trợ hơn 1.222 tỉ đồng Trên 1 triệu lượt công nhân lao động được hỗ trợ hơn 1.222 tỉ đồng

TTO - Đó là con số nổi bật trong báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trong họp báo trực tuyến về kết quả chăm lo cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sáng 17-8.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên