08/01/2016 05:40 GMT+7

“Manchester United” của Thái Lan

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)

TT - Trước nhóm du khách, hướng dẫn viên Steve người Canada vui vẻ giới thiệu cho mọi người những chiếc cúp, những tấm ảnh kỷ niệm trong căn phòng truyền thống của CLB MuangThong United.

Cổ động viên của MuangThong United - Ảnh: MT Utd
Cổ động viên của MuangThong United - Ảnh: MT Utd

Đó là một tour tham quan quen thuộc mỗi dịp cuối tuần ở sân vận động của đội MuangThong United, đội bóng Thái Lan chuẩn bị thực hiện chuyến du đấu đến Campuchia và VN mang tên gọi “SCG MTUTD ASEAN Tour” (chuyến du đấu Đông Nam Á của MuangThong United).

Kiếm tiền nhờ làm thương hiệu tốt

Theo thông báo của ban lãnh đạo đội MuangThong, tiền vé thu được từ tour du đấu này sẽ được sử dụng làm từ thiện. Vậy tiền đâu để MuangThong tổ chức du đấu? Tất nhiên là ở các nhà tài trợ.

Nhìn vào chiếc áo đấu hiện tại của CLB xếp hạng nhì Thai-League này, người ta thấy chi chít những thương hiệu lớn: SCG, Toshiba, Yamaha, AIA, Coca Cola... Ông Kan Jarat, tổng giám đốc của MuangThong, cho biết đội bóng có hơn 10 nhà tài trợ, mang về cho họ tổng số tiền tài trợ lên đến 400-450 triệu baht/năm (tương đương 250-280 tỉ đồng/năm). “Để huy động được nhiều nhà tài trợ, chúng tôi nhận thấy cần phải phát triển hình ảnh, sức hút thương hiệu của đội bóng và kế hoạch này được triển khai từ cách đây nhiều năm” - ông Kan giải thích.

Những tour tham quan sân vận động được tổ chức cho các du khách chính là một trong những cách quảng bá hình ảnh thương hiệu của MuangThong United. Trong lần đầu tiên đặt chân đến sân SCG MuangThong United, chúng tôi ngay lập tức bị ấn tượng trước cách làm thương hiệu của đội bóng này.

Ngay từ cổng vào, trải dài qua các sân tập luyện, các cửa hàng, quán ăn cho đến sân vận động chính, tất cả đều được nhuộm một màu đỏ rực pha thêm chút đen - hai màu truyền thống của MuangThong United. Màu đỏ được trang trí một cách rất ấn tượng và nổi bật trên từng chiếc ghế của khán đài, trên các tấm bảng quảng cáo, những tấm băngrôn, apphich treo khắp sân đấu. Khi có một trận đấu diễn ra, các tấm bảng này hiện lên hình ảnh ngọn lửa với hiệu ứng cháy sáng hừng hực. Không lạ khi các trận đấu của Thai Premier League khán giả luôn rất cuồng nhiệt, bởi chính họ cũng bị kích thích với những hiệu ứng mà sân bóng đem lại.

Vẻ nổi bật tương tự ở các cửa hàng, quán ăn và thậm chí ngay cả... nhà vệ sinh nơi đây cũng “rực rỡ” hơn bình thường với những bức tường được sơn phết màu áo đấu trông rất bắt mắt. Phòng thay đồ của cầu thủ cũng được để nằm ngoài cùng, vị trí các khán giả qua lại thường xuyên và chỉ cần đăng ký một tour tham quan miễn phí, mọi người đều có thể vào tận nơi đây, trông tận mắt, sờ tận tay từng chiếc áo đấu trên chỗ ngồi của các cầu thủ.

Ông Steve, hướng dẫn viên tham quan của đội, cho biết các tour tham quan thường đông khách vào cuối tuần và chỉ cần đủ 5-10 khách đăng ký, họ sẽ tổ chức một chuyến tham quan miễn phí. Tại đây, các du khách sẽ được đi thăm từng ngóc ngách của sân vận động, từ phòng thay đồ cho đến sân bóng, từ các cửa hàng cho đến phòng truyền thống, nghe hướng dẫn viên kể về từng trận đấu lịch sử...

Đứng trước quầy hàng quần áo luôn nườm nượp khách của CLB này, chúng tôi nhận thấy một sự quen thuộc thú vị. Hàng chữ lớn “MT UTD CLUB STORE” trông nổi bật trên nền đỏ với màu trắng trông từa tựa với thương hiệu đã lừng danh thế giới “MU UTD” (Manchester United). Tất nhiên MuangThong United chưa thể nào so sánh với M.U, nhưng ở một mức độ thấp hơn họ đang đi trên con đường xây dựng thương hiệu thành công giống “quỷ đỏ”.

Hướng dẫn viên người Canada Steve giới thiệu phòng thay đồ của đội MuangThong United - Ảnh: H.Đ.
Hướng dẫn viên người Canada Steve giới thiệu phòng thay đồ của đội MuangThong United - Ảnh: H.Đ.

 

Quảng bá hình ảnh, tạo nhiều nguồn thu

Trong bài viết kỳ trước, chúng tôi đã đề cập việc nhiều CĐV đưa gia đình, con cái đến sân bóng vui chơi như đi hội. Đây cũng là điều những người quản lý CLB ở Thái Lan hướng đến trong việc xây dựng truyền thống cho CLB.

Ông Kan nói: “Tại Bangkok có đến 5-6 đội bóng chơi ở Thai Premier League. Một CĐV ủng hộ MuangThong United không có nghĩa là con trai ông ta sau này cũng sẽ ủng hộ giống cha, mà có thể là Bangkok United hay BEC Tero (những CLB khác ở Bangkok)... Nhưng nếu tuần nào ông ta cũng dắt con trai mình đến đây xem MuangThong United thi đấu thì lại là chuyện khác. Sau này cậu con trai lớn lên sẽ tự hào tuyên bố rằng: gia đình tôi là CĐV của MuangThong United. Đó là điều chúng tôi muốn trong việc xây dựng truyền thống”.

Chỉ mới được thành lập từ năm 1989 và vô địch Thai- League ngay trong mùa giải đầu tiên lên hạng, MuangThong phát triển nhanh thần tốc. Nhưng theo ông Kan, mọi thứ chỉ thật sự đổi mới trong những năm sau đó.

“Trước đó chúng tôi đã vô địch nhờ một phương hướng làm chuyên môn giỏi, mua được những cầu thủ xuất sắc. Nhưng ngay sau chức vô địch và lần đầu tiên bước đến đấu trường AFC Champions League, chúng tôi nhận ra rằng những điều này chẳng là gì cả. Thái Lan thật nhỏ bé, MuangThong thật nhỏ bé, CĐV nước ngoài không biết chúng tôi là ai và ban lãnh đạo đội bóng quyết tâm xây dựng hình ảnh cho CLB. Trước đây chúng tôi chỉ nhận tiền từ ông chủ đội bóng và 1-2 nhà tài trợ rồi mua sắm cầu thủ, mời HLV giỏi; chừng đó là chưa đủ. Phải có thương hiệu rồi mới có nhiều nhà tài trợ lớn hơn nữa” - ông Kan chia sẻ.

Những thay đổi bắt đầu đến sau đó, các hàng ghế được sơn phết màu đỏ rực đầy cuốn hút, các cửa hàng, từng bức tường quanh sân cũng được trang trí lại cho bắt mắt, nhiều dịch vụ như phòng xem VIP, tour tham quan sân bóng... ra đời. Và rồi đến năm 2012, MuangThong thu hút hàng loạt nhà tài trợ lớn tìm đến, trong đó có SCG với gói tài trợ “khủng” 600 triệu baht (khoảng 374 tỉ đồng) trong khoảng năm năm. Thương hiệu đội bóng theo đó cũng lớn dần. Lượng khán giả đến sân trung bình mỗi trận của họ tăng dần sau mỗi năm và hiện đạt khoảng 10.000 người/trận (dân số Thái Lan ít hơn VN khoảng 20 triệu người).

Không chỉ kiếm tiền nhiều từ các nhà tài trợ, bản thân MuangThong cũng thu lãi không ít. Ông Kan cho biết số tiền bán vé thu được trung bình mỗi trận 1 triệu baht, tức cả mùa 30 triệu baht (khoảng 19 tỉ đồng) đến từ 17 trận sân nhà ở Thai Premier League cùng các trận cúp quốc gia, AFC Champions League.

Khoản lợi nhuận từ việc bán đồ lưu niệm tại sân trong mỗi trận đấu cũng tương đương, khoảng 1 triệu baht/trận. Những món đồ lưu niệm tại đây chẳng rẻ chút nào, với giá từ 170 baht (khoảng 100.000 đồng) cho một cái móc khóa đến cả ngàn baht cho chiếc áo đấu, nhưng mỗi lúc lại có nhiều CĐV tha thiết đến mua hơn.

MuangThong thuộc “top 15” châu Á

Theo bảng xếp hạng các CLB châu Á của trang web uy tín Footballdatabase.com, MuangThong United được xếp vị trí thứ 14 ở châu Á hiện nay, tuy dưới sáu bậc so với kỳ phùng địch thủ Buriram, nhà đương kim vô địch Thai Premier League, nhưng lại đứng trên không ít tên tuổi lớn của châu lục như Al Sadd (Qatar), Urawa Red Diamonds (Nhật Bản) hay Ulsan Hyundai (Hàn Quốc, vô địch AFC Champions League 2012).

Bảng xếp hạng này dựa trên chỉ số điểm elo trong bóng đá, theo thành tích và sự lũy tiến của CLB trong thời gian gần. Cũng trong bảng xếp hạng này, CLB mạnh nhất của VN là Becamex Bình Dương xếp tận... 205, còn Hà Nội T&T đứng thứ 213. Thái Lan có đến 20 CLB trong top 200, tức một số đội của Giải hạng nhất Thái Lan còn được xếp trên nhà vô địch V-League.

___________________

Kỳ tới: Xài tiền như người Thái

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên