05/05/2021 10:13 GMT+7

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 3: Chiếc tàu ngầm không may mắn

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngày 22-4-2021, hải quân Ấn Độ đã điều động một tàu lặn cứu nạn biển sâu (DSRV) khởi hành từ cảng Visakhapatnam lên đường sang Indonesia hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala 402.

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 3: Chiếc tàu ngầm không may mắn - Ảnh 1.

Tàu ngầm INS Sindhurakshak trong quá trình đại tu ở Severodvinsk (Nga) Ảnh: RBTH

Cứ khi nào quy trình thao tác chuẩn - SOP không được tuân thủ, sai sót lại xảy ra và điều đó có thể dẫn đến tai nạn.

Đô đốc ROBIN DHOWAN

Công tác cứu nạn tàu ngầm của Ấn Độ chắc chắn không phát triển nếu không xảy ra thảm kịch tàu ngầm INS Sindhurakshak, một trong những tai nạn tồi tệ nhất lịch sử hải quân Ấn Độ.

Bài học đắt giá từ thảm họa

Gần 8 năm về trước, rạng sáng 14-8-2013, tàu ngầm INS Sindhurakshak neo tại xưởng đóng tàu Mumbai với 3 sĩ quan và 15 thủy thủ chuẩn bị chuyến tuần tra dài ngày trên biển. Đột nhiên vụ nổ kinh hoàng xảy ra làm rung chuyển thành phố.

Tai nạn không thể kiểm soát được do vụ nổ xảy ra trong khoang chứa vũ khí với nhiều đầu đạn tên lửa và ngư lôi. Tàu ngầm chìm tại vùng nước nông của xưởng đóng tàu.

Hải quân Ấn Độ tiến hành giải cứu các nạn nhân nhưng gặp rất nhiều khó khăn do bên trong tàu ngầm ngập đầy bùn đất, nước đen như mực và tầm nhìn cực kỳ kém. Hầu hết máy móc, thiết bị đều không còn ở vị trí ban đầu.

Sức nóng vụ nổ đã nung chảy nhiều bộ phận bên trong tàu ngầm, làm biến dạng cửa và cản trở tiếp cận các khoang. Tháp chỉ huy chảy ra nhưng đội thợ lặn hải quân vẫn mở được tháp vào trong. Toàn bộ thủy thủ đoàn hi sinh.

Có thể nói tàu ngầm INS Sindhurakshak là một con tàu không may mắn. Đây là tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo nặng 2.300 tấn do Nga sản xuất và là chiếc thứ chín trong 10 tàu ngầm lớp Kilo của hải quân Ấn Độ. Tàu ngầm đi vào hoạt động vào tháng 12-1997 và đã được triển khai gần Karachi (Pakistan) trong xung đột Ấn Độ-Pakistan ở khu vực Kashmir năm 1999.

Tháng 2-2010, hỏa hoạn xảy ra trên tàu ngầm trong lúc tàu neo đậu ở cảng Visakhapatnam. Một thủy thủ thiệt mạng và hai người bị thương.

Sau hỏa hoạn, tàu ngầm được đưa sang Nga đại tu và nâng cấp trong hai năm rưỡi tại nhà máy đóng tàu Zvezdochka theo hợp đồng trị giá 80 triệu USD của Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Tàu ngầm trở về Ấn Độ vào tháng 5-2013 và nửa năm sau xảy ra vụ nổ kinh hoàng.

Sau vụ nổ, cơ hội còn người sống sót rất mong manh. Công việc ưu tiên là nhanh chóng tiếp cận đống đổ nát để tìm kiếm thi thể các nạn nhân giao lại cho gia đình họ nhưng Ấn Độ lại không có tàu lặn cứu nạn biển sâu (DSRV).

Bộ Quốc phòng Ấn Độ phải mất 6 tháng để tổ chức đấu thầu quốc tế và chọn công ty trục vớt, sau đó mất thêm 4 tháng trục vớt tàu ngầm lên mặt nước. Tính ra phải mất hơn một năm và tốn 31 triệu USD để trục vớt xác con tàu chìm ngay cạnh đê chắn sóng của xưởng đóng tàu.

Bộ trưởng Quốc phòng AK Antony đã khiển trách hải quân "lãng phí tài nguyên quốc gia cho một tai nạn có thể tránh được trong thời bình". Đô đốc DK Joshi, tư lệnh hải quân, chấp nhận trách nhiệm đạo đức và đệ đơn từ chức.

Kết quả giám định đối với 14 tên lửa và ngư lôi được thu hồi từ tàu ngầm INS Sindhurakshak bị hư hại đã loại trừ nguyên nhân vụ nổ do vũ khí phát nổ. Trong 16 đầu đạn có 2 đầu đạn đã phát nổ, số còn lại bị hư hại nhưng không nổ. Điều này cho thấy các đầu đạn hoạt động ổn định.

Kết quả điều tra vụ nổ cho thấy tàu ngầm đã vi phạm quy trình thao tác chuẩn (SOP) trong lúc các ngư lôi được đưa lên tàu.

Đô đốc Robin Dhowan - tham mưu trưởng hải quân - xác nhận với kênh truyền hình NDTV: "Có lẽ do không tuân thủ một số quy trình nhất định, mọi thứ có thể sai sót dẫn đến tai nạn. Chúng tôi nhận thấy cứ khi nào SOP không được tuân thủ, sai sót lại xảy ra và điều đó có thể dẫn đến tai nạn".

Tháng 7-2018, trong văn bản trả lời Hội đồng các bang (Rajya Sabha - Thượng viện Ấn Độ), ông Manohar Parrikar, bộ trưởng quốc phòng giai đoạn này, cho biết trong vụ nổ trên tàu ngầm INS Sindhurakshak, không thể quy trách nhiệm cho cá nhân nào vì không có sĩ quan hay thủy thủ nào có mặt trên tàu ngầm sống sót.

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 3: Chiếc tàu ngầm không may mắn - Ảnh 3.

Tàu lặn cứu nạn biển sâu (DSRV) của Ấn Độ - Ảnh: india.com

Cứu người ở độ sâu 650m

Tạp chí India Strategic (Ấn Độ) đánh giá 47 năm sau khi mua tàu ngầm đầu tiên vào năm 1967, IN vẫn thiếu DSRV.

Năm 2006, Ấn Độ đã phải hợp đồng với hải quân Mỹ điều DSRV đến bảo vệ khi Tổng thống A.P.J Abdul Kalam xuống tàu ngầm INS Sindhurakshak ra biển trong 6 tiếng. Trong khi đó, hải quân Mỹ đã phát triển DSRV từ những năm 1970. Singapore đã chế tạo DSRV vài năm sau khi mua tàu ngầm đầu tiên.

Vụ tai nạn tàu ngầm INS Sindhurakshak đã thúc đẩy hải quân Ấn Độ đưa ra các biện pháp kiểm tra an toàn nghiêm ngặt hơn trong tác chiến trước khi xuất kích, đồng thời cũng tìm giải pháp lấp đầy lỗ hổng nghiêm trọng kéo dài nửa thế kỷ là khả năng cứu nạn tàu ngầm.

Năm 2016, hải quân Ấn Độ đã ký hợp đồng với Công ty James Fisher Defense (Anh) chuyển giao hai chiếc DSRV với chi phí 269 triệu USD. JFD bảo hành trong 25 năm. Cuối năm 2018, hải quân Ấn Độ đã tiếp nhận hai chiếc DSRV.

Trong năm này, hải quân Ấn Độ đã hợp đồng với nhà máy Hindustan Shipyard đóng hai tàu hỗ trợ giữ vai trò là tàu mẹ hỗ trợ cho đội tàu lặn DSRV. Tàu hỗ trợ lặn dài 118m, dự kiến hoạt động trong năm 2021.

Tàu lặn DSRV nhỏ hơn tàu ngầm quân sự, được thiết kế để chịu được các điều kiện khắc nghiệt trên biển, có thể lặn xuống độ sâu lớn mà hầu hết các tàu ngầm không thể xuống tới để giải cứu thủy thủ đoàn mắc kẹt.

DSRV chở được 3 người, giải cứu cùng lúc tối đa 14 người ở độ sâu 650m. DSRV có thể được huy động từ căn cứ hải quân Mumbai đến cảng gần nhất bằng đường không, đường bộ hoặc đường biển để đưa đến khu vực tìm kiếm tàu ngầm.

Hải quân Ấn Độ cho biết DSRV của Ấn Độ có thể định vị tàu ngầm ở độ sâu 1.000m bằng sonar quét sườn (SSS-side scan sonar) và robot ngầm điều khiển từ xa (ROV). Định vị xong, môđun phụ của DSRV là tàu lặn cứu nạn tàu ngầm (SRV) sẽ phối hợp giải cứu người mắc kẹt. SRV còn được sử dụng để cung cấp nguồn khẩn cấp cho tàu ngầm bị nạn.

Hiện nay, Ấn Độ thuộc nhóm số ít các quốc gia đủ khả năng tìm kiếm, định vị và giải cứu tàu ngầm gặp nạn bằng tàu lặn DSRV. Các nước này phát triển phương tiện cứu nạn di động riêng. Anh sử dụng tàu lặn cứu nạn tàu ngầm LR5, toán hỗ trợ nhảy dù trên tàu ngầm (SPAG) và ROV Scorpio.

Anh, Pháp và Na Uy hợp tác phát triển Hệ thống Cứu nạn tàu ngầm NATO (NSRS). Hải quân Mỹ sử dụng hệ thống nén lặn cứu nạn tàu ngầm (SRDRS). Hải quân Úc phát triển Bộ Cứu nạn và thoát hiểm tàu ngầm (SERS) gồm SRV Remora, hệ thống phóng và thu hồi SRV và các buồng giải nén với thiết bị chuyển giao dưới áp suất (TUP).

Xóa sổ tàu ngầm INS Sindhurakshak

Sau tai nạn năm 2013, tàu ngầm INS Sindhurakshak được sửa chữa lại, sau đó được sử dụng làm nền tảng huấn luyện cho lực lượng biệt kích hải quân.

Đến tháng 7-2017, hải quân Ấn Độ đưa xác tàu ngầm lên phao nổi và cho tàu kéo kéo ra biển Oman rồi đặt chất nổ phá hủy. Tàu ngầm "an nghỉ" dưới biển sâu hơn 910m.

Từ năm 2017, hải quân Ấn Độ đã nâng cao khả năng tác chiến với tàu ngầm Kalvari và tàu ngầm Khanderi.

Hai tàu ngầm này trong số sáu tàu ngầm lớp Scorpene đóng trong nước theo chương trình chuyển giao công nghệ từ Công ty DCNS của Pháp để thay thế tàu ngầm của Nga và Đức đã vận hành gần ba thập kỷ.

-------------------------

Công ty tư nhân như Ocean Infinity vẫn đủ khả năng tìm kiếm tàu ngầm quân sự. Kinh nghiệm này đã được áp dụng trong chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm San Juan của Argentina.

Kỳ tới: Tìm cây kim trong đống cỏ khô

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 2: Sống sót nhờ vô tình thay bình oxy Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 2: Sống sót nhờ vô tình thay bình oxy

TTO - Vụ cứu nạn tàu lặn Pisces III trở thành vụ giải cứu thành công dưới đáy biển sâu nhất và lâu nhất trong lịch sử cứu nạn hàng hải thế giới.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên