TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia về kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long - cho biết ý kiến của PGS.TS Lê Anh Tuấn (giảng viên cao cấp khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên Trường đại học Cần Thơ) trên Tuổi Trẻ Online lý giải "Vì sao các đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long thường cách nhau 60km?" có nhiều ý kiến trái chiều, tranh luận khá thú vị.
Các đô thị ở miền Tây đều gắn liền với sông nước
Có phải các đô thị tỉnh lỵ ở Đồng bằng sông Cửu Long cách nhau khoảng 60km là do ngày xưa người dân đi lại bằng ghe xuồng theo con nước, với vận tốc khoảng 10km/h X 6/ngày mà hình thành nên các đô thị?
Phải thừa nhận đặc điểm của 13 đô thị tỉnh lỵ của Đồng bằng sông Cửu Long và hầu hết các đô thị cấp huyện khác đều gắn liền với sông nước. Ngay cả các đô thị ven biển như Rạch Giá, Cà Mau cũng có vai trò và sự tác động của các con sông.
Nhiều năm trước, tôi từng viết về vai trò tài nguyên nước, đặc thù sinh hoạt sông nước, nền nông nghiệp, giao thông thủy, thương hồ và tập quán dân cư theo tuyến sông ở Đồng bằng sông Cửu Long… là những yếu tố hình thành nên cụm dân cư, chợ, trong đó có chợ nổi, chợ trôi, chợ quê và đô thị lớn nhỏ của miền Tây sau này.
Nghị quyết 13 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định "lấy tài nguyên nước là cốt lõi".
Nhưng nếu chỉ dựa vào yếu tố tài nguyên nước để lý giải khoảng cách 60km giữa các đô thị trong vùng là không thuyết phục. Ý kiến này chỉ nên xem là một giả thuyết nghiên cứu, một góc nhìn thôi.
Không phải tất cả các đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long đều hình thành do "nước chảy" theo nước lớn, nước ròng của chế độ bán nhật triều và việc đi lại bằng ghe, xuồng của người dân rồi dừng nghỉ theo nước mà tạo nên.
Vào mùa nước đổ (hay còn gọi là mùa nước son mang nhiều phù sa) thì sông Tiền, sông Hậu nước gần như chỉ đổ một chiều xuống ra Biển Đông.
Các đô thị Đồng bằng sông Cửu Long trải qua bốn thời kỳ
Cần xem xét lịch sử hình thành và phát triển, không gian phân bổ các đô thị trong vùng này chịu sự tác động khách quan, trong đó có yếu tố tự nhiên và tác động chủ quan của con người theo quy hoạch, phục vụ yêu cầu từng thời kỳ.
Cơ bản các đô thị Đồng bằng sông Cửu Long trải qua bốn thời kỳ, chịu sự tác động nhiều yếu tố. Đó là thời kỳ nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc, thời Việt Nam Cộng hòa với tác động chiến tranh như việc hình thành đô thị Chương Thiện, nay là Vị Thanh (Hậu Giang) với các khu trù mật và thời kỳ sau năm 1975 đến nay.
Ngoài yếu tố tài nguyên nước, sự phân bổ đô thị còn có tác động của đường bộ và nhiều yếu tố khác.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 211/889 đô thị cả nước, tỉ lệ đô thị hóa đạt 32%, thấp hơn bình quân chung.
Sự phát triển đô thị của vùng vừa có nét tương đồng với đô thị cả nước, nhưng cũng có những đặc thù riêng của vùng đồng bằng, sông nước miệt vườn, ven biển và vùng nông nghiệp, thủy sản.
Không gian phát triển đô thị Đồng bằng sông Cửu Long được xác định trong quy hoạch tích hợp vùng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như nêu trên. Theo đó, phương hướng xây dựng hệ thống đô thị là sự phân bổ hợp lý theo các hành lang phát triển chính của vùng vừa có yếu tố ven sông, vừa ven biển, đường bộ, biên giới và không gian phát triển chung.
Đó là các hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An, hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu, hành lang kinh tế ven biển qua các tỉnh ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang, hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang.
Những tác động bên trong, bên ngoài vùng và mối quan hệ giữa khu vực đô thị - nông thôn đang đặt ra yêu cầu hoạch định chiến lược, cách tiếp cận và hóa giải các thách thức, rủi ro do thiên tai và nhân tai, đòi hỏi thực thi các nhóm giải pháp khả thi để phát triển các chuỗi, cụm đô thị đồng bằng bền vững.
Theo đó, ngoài yếu tố tài nguyên nước và đường bộ trong phân bổ vị trí các đô thị Đồng bằng sông Cửu Long, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Cần tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị trong vùng bền vững và đồng bộ về mạng lưới, xử lý tốt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa các đô thị và khu vực nông thôn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận