Nhiều ý kiến tranh luận lý thú của bạn đọc lý giải "Vì sao các đô thị ở miền Tây thường cách nhau 60km?".
Chuyện đã biết từ lâu, nhưng chưa biết vì sao
Trong bài viết trên, PGS.TS Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên (Trường đại học Cần Thơ), dẫn chứng một thực tế: TP Châu Đốc cách TP Long Xuyên 60km, TP Long Xuyên cách TP Cần Thơ 60km, TP Cần Thơ cách TP Sóc Trăng 60km, TP Sóc Trăng cách TP Bạc Liêu gần 60km và TP Bạc Liêu lại cách TP Cà Mau cũng khoảng 60km.
Và ông Tuấn lý giải việc hình thành các địa giới hành chính trên là theo nhịp thủy triều, là một điểm rất đặc biệt.
"Chuyện mỗi đô thị miền Tây cách nhau 60km đã biết từ lâu, nhưng chưa biết tại sao. Giờ đọc bài này thấy thú vị quá", bạn đọc Loan viết.
Tài khoản than****@gmail.com cho rằng cách lý giải này có logic: "Như quy luật sinh tồn, dân thương hồ luôn bôn ba cho kịp con nước, họ đi thành đoàn nhiều ghe để bảo vệ lẫn nhau, hết con nước (6 tiếng) họ dừng lại, thường là ở ngã ba sông, không phải để nghỉ ngơi (chỉ 3 phần), mà để tiện mua bán lẫn nhau.
Ngã ba gồm ba hướng, mỗi hướng hình thành chợ nổi để giao thương (giống như đoàn du mục có đích đến, nhưng qua mỗi làng đều ghé lại để mua bán), dần dà thành khu chợ trên bờ - tiền thân của phố chợ".
Còn bạn đọc Nguyễn Văn Đạo cho biết: "Ngoại tui cũng kể ngày xưa chèo ghe đi bán khoai môn từ cù lao Ông Chưởng đến Cần Thơ mất khoảng 6-7 tiếng, xuôi dòng qua Sa Đéc hay Cái Mơn cũng tương tự".
60km đường thủy, đường bộ hay đường chim bay?
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc có ý kiến tranh luận giải thích vì sao các đô thị ở miền Tây thường cách nhau 60km.
"Cách nhau 60km là tính theo đường sông (theo đường ghe xuồng đi ngày xưa) hay tính theo đường bộ hay khoảng cách đường chim bay?" - bạn đọc Nguyễn Thị Hậu thắc mắc.
Bạn đọc Thiên Trụ bình luận: "Phó giáo sư giải thích khá hay nhưng chưa thuyết phục. Khoảng cách gần 60km của miền Tây là do Pháp sắp xếp, và đó là khoảng cách đường bộ chứ không phải đường thủy".
Còn bạn đọc Thanh Nguyên kể: "Ngày xưa đi học được một ông thầy giải thích như sau: Khoảng cách giữa hai tỉnh lỵ cạnh nhau theo đường bộ là 60km và nếu cách nhau có đường sông sẽ là 30km (ví dụ như Cần Thơ với Vĩnh Long).
Khoảng cách này là khoảng cách được quy định từ thời Pháp thuộc, là khoảng cách được tính trên sức chạy của xe ngựa chở bưu kiện, thư từ giữa bưu điện trung tâm của 2 tỉnh cạnh nhau".
Tài khoản Hoang Vu "lại nghe câu chuyện khác khi hình thành khoảng cách giữa các tỉnh miền Tây đều nhau 60km là do trước đây các quan đi lại bằng ngựa, nên đi từ sáng đến chiều người và ngựa được nghỉ ngơi (tương ứng đoạn đường 60km như hiện nay)".
Trong khi đó, độc giả Minh Toàn viết: "Đó là cách tính của người Pháp trong quá trình đô hộ nước ta trước đây. 60km là khoảng cách hợp lý để chi viện cho nhau khi có biến cố xảy ra. Nói về đường thủy là không đúng, ngày xưa người dân di chuyển theo sông, kênh rạch ngoằn ngoèo, 60km đi mất cả ngày chứ làm gì đi trong một con nước 6 tiếng".
Theo bạn đọc Phạm Sanh: "Đây chỉ là một ý kiến ngồ ngộ để giải thích một hiện tượng nhưng vô lý về khoa học lịch sử phát triển đô thị. Miền Tây sông nước nhiều, đi lại nhiều bằng ghe thuyền và các điểm dân cư bám theo sông hay các ngã ba sông là điều tất nhiên.
Nói đi theo con nước triều 10km/h là vô tình trùng hợp một vài trường hợp. Nếu đi bộ 5km/h hay xe 30km/h lại thêm nhiều cách giải thích khác nhiều khi lại phù hợp hơn khi qua sông Tiền sông Hậu.
Phải có các căn cứ về lịch sử hình thành phát triển đô thị cụ thể hơn nữa, đặc biệt từng đô thị qua từng giai đoạn, thời Pháp, chúa Nguyễn hay trước nữa".
Nhiều đô thị các miền khác cũng cách nhau 30-60km
Nhiều bạn đọc cũng đưa ra những dẫn chứng lý thú khác, như tài khoản Khoi Nguyen bật mí: "Không chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long mà hầu như tất cả khu hành chính ở Việt Nam ta đều cách nhau 30km hoặc 60km, ví dụ như Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Ninh Bình, Ninh Bình - Thanh Hóa...".
Còn bạn đọc Nguyễn Văn Tự phát hiện thêm: "Đà Nẵng cách Tam Kỳ 60km, Tam Kỳ cách Quảng Ngãi 60km. Cam Ranh cách Nha Trang 60km, cách Phan Rang 60km...".
Dưới góc nhìn chuyên môn, kiến trúc sư Lê Công Sĩ bình luận: "Khoảng cách các đô thị được đề cập (60km) là khoảng cách đường bộ, rất có ý nghĩa về mặt quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, an ninh khu vực...
Tuy vậy, đó không phải là khoảng cách tính theo đường chim bay hoặc đường thủy. Đồng ý là miền Tây sông ngòi kênh rạch chằng chịt, song không có sự liên kết nào về mặt dữ liệu khoảng cách giữa các đô thị và chiều dài đường thủy từ đô thị này đến đô thị kia.
Rõ hơn, nếu đánh đồng khoảng cách 60km giữa các đô thị là chiều dài đường thủy (theo suy diễn vận tốc thuyền bè đi lại 10km/h và đi trong 6 giờ) sẽ đồng nghĩa luôn luôn có đường thủy song song với trục đường bộ kết nối các đô thị với nhau.
Trong khi thực tế ngược lại, sông ngòi không chỉ không song song đường bộ, mà chúng cắt ngang đường bộ nên miền Tây luôn có rất nhiều cây cầu, tên gọi rất thân thương gắn liền những vùng đất sông ngòi chảy qua.
Chưa kể, ngoài hệ thống sông ngòi dày đặc, đường bộ kết nối giữa các đô thị cũng khá nhiều, chứ không chỉ là những con đường quốc lộ "chính quy" như đã và đang thấy.
Ngày nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông thủy bộ phát triển thì khoảng cách đô thị gần như không còn nhiều ý nghĩa nữa, bởi hệ thống giao thông mới này sẽ kéo các đô thị lại gần nhau hơn nữa".
"Đọc ý kiến của các bạn tôi thấy hay quá. Trình độ nhiều bạn đọc không phải dạng vừa, có dẫn chứng, có phản biện, có hài hước nữa. Đất nước mình thật tươi đẹp, bao điều thú vị, muốn đi, muốn hiểu và yêu đất nước quá!", độc giả Thanh chia sẻ.
Bạn có chia sẻ gì về câu chuyện lý thú này, xin để lại ý kiến dưới phần BÌNH LUẬN của bài viết. Trân trọng cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận