06/07/2019 10:27 GMT+7

Lupus ban đỏ dạng đĩa

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Lupus ban đỏ dạng đĩa được cho là hệ quả của sự kết hợp các yếu tố di truyền, yếu tố môi trường và các yếu tố nội tiết.

Lupus ban đỏ dạng đĩa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: ejpd.com

Lupus ban đỏ dạng đĩa (Discoid Lupus Erythematosus - DLE) là một dạng lupus chủ yếu ảnh hưởng đến da. DLE khác với lupus ban đỏ hệ thống (Systemic Lupus Erythematosus - SLE), là dạng lupus phổ biến nhất và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của cơ thể.

Lupus ban đỏ dạng đĩa là một bệnh tự miễn trong đó hệ miễn dịch tấn công da. Khi bị bệnh, các vết viêm loét mạn tính có thể xuất hiện trên mặt, tai, da đầu và các bộ phận khác trên cơ thể. Những tổn thương này có thể có vảy cứng bong tróc và thường để lại sẹo. Nếu các tổn thương đó xuất hiện trên da đầu và gây sẹo, có khả năng tóc sẽ không mọc lại được tại những vùng đó.

Lupus ban đỏ dạng đĩa được cho là hệ quả của sự kết hợp các yếu tố di truyền, yếu tố môi trường - đặc biệt là phơi nắng - và các yếu tố nội tiết. Phụ nữ có nguy cơ mắc lupus ban đỏ dạng đĩa cao gấp ba lần, và nếu trong gia đình có người đã mắc lupus dạng đĩa thì nguy cơ mắc của bạn cũng tăng lên.

Sự khác biệt giữa lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus toàn thân

Bệnh lupus ban đỏ (LE) là một phổ rộng bao gồm nhiều loại khác nhau - lupus ban đỏ dạng đĩa nằm ở một đầu và lupus hệ thống là ở một đầu khác. Mặc dù bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa (DLE) có biểu hiện lành tính hơn bệnh lupus toàn thân (SLE), nhưng các triệu chứng trên da có xu hướng nặng hơn ở DLE.

Ở SLE, các nốt ban hình cánh bướm có thể xuất hiện trên mũi và má của bệnh nhân, hoặc phát ban đỏ có thể xuất hiện khi gặp ánh nắng mặt trời. Tuy hiếm gặp nhưng lupus dạng đĩa cũng có khả năng lan đến các nội tạng. Một khi bệnh đã xâm nhập vào nội tạng, nó trở thành lupus ban đỏ hệ thống. Khoảng 1-5% bệnh nhân có bệnh DLE tiến triển thành SLE. Nếu bạn có DLE, bạn nên đi kiểm tra thường xuyên để phòng ngừa bệnh phát triển và lan đến các nội tạng.

Chẩn đoán và điều trị

Ban đầu, các bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm nếu có nghi ngờ bạn mắc lupus hệ thống. Khi trường hợp này được loại trừ, lupus dạng đĩa có thể được chẩn đoán qua các sinh thiết da. DLE nếu được điều trị sớm và hiệu quả, các tổn thương da có thể biến mất hoàn toàn. Ngược lại, điều trị không hiệu quả có thể để lại sẹo vĩnh viễn.

DLE có thể được điều trị bằng corticosteroid tại chỗ, chẳng hạn như: Thuốc mỡ cortisone, thuốc ức chế calcineurin tại chỗ, kem pimecrolimus hoặc thuốc mỡ tacrolimus, và tiêm corticosteroid (cortisone).

Nếu phương pháp điều trị tại chỗ không có hiệu quả và các tổn thương của bạn đã lan quá rộng để tiêm corticosteroid, các thuốc chống sốt rét như hydroxychloroquine, chloroquine, và quinacrine có thể sẽ được kê để điều trị. Các loại thuốc chống sốt rét này có thể gây ra các vấn đề về thị lực, vì vậy bạn sẽ cần khám mắt cơ bản và kiểm tra mắt định kỳ trong tương lai.

Trong những trường hợp hiếm hoi khi các phương pháp trên đều không có hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị dùng các loại thuốc mạnh hơn như: methotrexate, acitretin, isotretinoin, mycophenolate mofetil, hoặc dapsone.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc DLE, bạn cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng các biện pháp chống nắng như đội mũ, mặc quần áo chống nắng, và sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Hút thuốc cũng có liên quan tới DLE, vì vậy bỏ thuốc nên là một việc ưu tiên./.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên