11/07/2011 13:04 GMT+7

Lương tăng quá thấp!

ĐẶNG NHƯ LỢI (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội) - L.KIÊN - Đ.BÌNH ghi
ĐẶNG NHƯ LỢI (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội) - L.KIÊN - Đ.BÌNH ghi

TT - Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu sớm hơn ba tháng. Nhưng theo tôi, mục đích chính của tăng lương không phải để bù trượt giá, mà phải nâng lương đúng với giá trị sức lao động, phải đảm bảo cuộc sống của người lao động để họ yên tâm thực hiện công việc của mình.

8M1nOjH1.jpgPhóng to
Công nhân đóng tiền nhà cho chủ trọ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. Tiền nhà trọ là một khoản lớn so với thu nhập ít ỏi của công nhân - Ảnh: Ng.Nam

Phải tăng lương vì đồng lương chưa đảm bảo cuộc sống, chưa trở thành động lực, đòn bẩy kích thích lao động.

Cần phải tính toán bằng con số cụ thể. Tại thời điểm năm 2003 mức lương tối thiểu là 290.000 đồng, đến năm 2010 lương tối thiểu 730.000 đồng, nghĩa là lương tăng thêm 151,7% trong khi giá tăng 103,4%. Như vậy, tiền lương danh nghĩa (tiền lương thực nhận trừ đi tỉ lệ trượt giá) chỉ tăng khoảng 48% trong vòng bảy năm. Theo tính toán, cũng trong bảy năm đó tiền lương thực tế chỉ tăng 23,8%, nghĩa là mỗi năm chỉ tăng hơn 3%. Điều đó cho thấy mục tiêu cải cách tiền lương không đạt yêu cầu vì chỉ số giá trong thời gian này tăng quá cao.

Nếu năm 2011 tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng, nghĩa là tăng 13,7%, trong khi chỉ số giá sáu tháng đầu năm đã tăng 13,29%. Như vậy, rõ ràng trong năm nay việc điều chỉnh lương cũng không theo kịp mức tăng giá.

Doanh nghiệp dựa vào mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố, nhưng Nhà nước lại không thể nào điều chỉnh cho từng doanh nghiệp. Đây là vấn đề mà hiện nay chúng ta đang lúng túng. Nhiều nước cũng lúng túng như vậy. Chỉ ở các nước phát triển, ở những nơi mà tổ chức công đoàn vững mạnh thì khi giá cả tăng, công đoàn sẽ đứng ra thỏa thuận với doanh nghiệp để điều chỉnh mức lương một cách hợp lý.

Theo tôi, Nhà nước ban hành mức lương tối thiểu chung nhưng không phải để áp cho một vùng hay địa phương, mà là mức sàn để bảo vệ cho người lao động. Việc áp dụng đối với từng địa phương nên để chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.

Chính quyền địa phương phải cùng với người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn nơi đó xác định mức lương tối thiểu phụ thuộc vào giá cả, điều kiện lao động và các điều kiện khác ngay tại địa phương. Mức lương tối thiểu nên quy định theo giờ lao động, nghĩa là mỗi giờ tối thiểu phải trả lương bao nhiêu tiền, mỗi tuần 40 giờ phải trả ít nhất bao nhiêu tiền. Trên cơ sở đó chính quyền địa phương tính toán theo các điều kiện tại chỗ để xác định mức tối thiểu phù hợp thực tế ở từng địa phương.

ĐẶNG NHƯ LỢI (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội) - L.KIÊN - Đ.BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên