15/01/2011 07:04 GMT+7

Lượng sức để chọn trường

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Mức độ phân hóa điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường ngày càng rộng. Vì thế, chọn được trường, ngành vừa sức để dự thi, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.

ImhtEJxo.jpgPhóng to
Chọn trường hợp với năng lực, thí sinh sẽ có cơ hội nhiều hơn. Trong ảnh: thí sinh tìm hiểu thông tin trong chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2011 do Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: MINH ĐỨC

Những năm gần đây, các ngành y dược, kinh tế, công nghệ sinh học, môi trường luôn có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất so với nhiều ngành khác trong cùng một trường hay so với các trường khác với mức khoảng 18 điểm trở lên. Thậm chí ở Trường ĐH Ngoại thương điểm chuẩn ngành thấp nhất lên đến 22 điểm, cao nhất là 26 điểm đối với ngành kinh tế đối ngoại (khối A) - cao hơn cả một số trường y dược. Đối với những trường này, học sinh phải có học lực thật sự giỏi mới có khả năng cạnh tranh một suất ở giảng đường ĐH.

Y dược, kinh tế, xây dựng dẫn đầu

Tại các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Kinh tế (ĐH Huế) điểm chuẩn dao động 18-21 điểm. Trong đó, những ngành hệ thống thông tin quản lý, kinh tế và quản lý công, kinh tế học thường có điểm chuẩn thấp nhất; trong khi tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán luôn có điểm rất cao. Ngay cả những trường ĐH vùng hay địa phương dù điểm chuẩn nhóm ngành kinh tế không cao như các trường ở TP.HCM hay Hà Nội, nhưng cũng khiến các ngành khác trong trường phải “ngước nhìn”. Chẳng hạn ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh tại ĐH Cần Thơ, Tây nguyên đều có điểm chuẩn 16-17.

Nhiều ngành bằng điểm sàn là đậu

Thực tế tuyển sinh ở nhiều trường cho thấy rất nhiều ngành có điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT. Chẳng hạn nhóm ngành nông lâm ở hầu hết trường có điểm chuẩn bằng điểm sàn chung hoặc cao hơn 1 điểm. Trong số này, các ngành kinh tế nông lâm thường có điểm chuẩn 13-15, trong khi các ngành nông nghiệp điểm chuẩn chỉ là 13.

Tương tự là các ngành cử nhân ngoài sư phạm ở các trường ĐH đa ngành như Quy Nhơn, Tây nguyên, Cần Thơ, Nha Trang...

Điểm đáng lưu ý nữa là điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 2 nhóm ngành kinh tế thường có biến động rất lớn so với NV1. Do số thí sinh có điểm thi cao không trúng tuyển ở các trường ĐH có điểm chuẩn NV1 từ 19 trở lên khá nhiều, khi xét tuyển NV2 số thí sinh này chiếm số lượng khá lớn khiến điểm chuẩn NV2 tăng vọt. Ở nhiều trường, điểm chuẩn NV2 các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh... tăng 3-5 điểm so với NV1.

Trong khi đó, nhóm ngành y dược nhiều năm gần đây hầu như ít có biến động về điểm chuẩn và luôn giữ ở mức cao. Hai ngành có điểm chuẩn cao nhất trong nhóm ngành này là bác sĩ đa khoa và dược với điểm chuẩn dao động 22-26. Riêng khoa y (ĐHQG TP.HCM) do năm đầu tuyển sinh nên điểm chuẩn chỉ là 21. Vì vậy, học sinh có học lực không thật sự xuất sắc muốn vào nhóm ngành này nên dự thi các ngành kỹ thuật viên, điều dưỡng với ngưỡng điểm chuẩn hầu hết dưới 20.

Trong số các ngành có điểm chuẩn nằm ở tốp đầu còn có các ngành công nghệ sinh học và công nghệ môi trường. Những năm gần đây, điểm chuẩn ngành công nghệ sinh học tuy không còn quá cao như những năm trước, nhưng vẫn là một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất ở hầu hết các trường. Chẳng hạn tại trường ĐH Bách khoa, Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), công nghệ sinh học là một trong ba ngành có điểm chuẩn cao nhất trường: 19-21 điểm. Tại nhiều trường ĐH khác, điểm chuẩn ngành này cũng khá cao, dao động xung quanh mức 18 điểm.

Sư phạm, công nghệ “dễ thở”

Vài năm gần đây, điểm chuẩn ngành sư phạm không còn vượt ngưỡng trên 20 như trước đây. Thống kê điểm chuẩn năm 2010 của ngành sư phạm tại các trường cho thấy điểm chuẩn hầu hết ở mức 17, một số ngành 19 điểm. Trong số này, các ngành sư phạm toán, hóa, văn, địa lý, tiếng Anh là những ngành có điểm chuẩn cao, thường dao động ở 17-19 điểm. Trong khi đó các ngành còn lại điểm chuẩn chỉ ở mức vừa phải và ít chênh lệch giữa các trường, vùng miền.

Những ngành công nghệ một thời rất “hot” như công nghệ thực phẩm, điện tử viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin cũng đang mất dần sức hút. Điểm chuẩn những ngành này dao động 15-18 điểm, ngoại trừ Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) có điểm chuẩn từ 19 trở lên. Trong đó, các trường ĐH chuyên về kỹ thuật hay công nghệ như Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), Khoa học (Huế) thường có điểm chuẩn cao hơn. Các trường ĐH đa ngành như Sài Gòn, Tôn Đức Thắng, Quy Nhơn, Cần Thơ, Tây nguyên... mức điểm các ngành này thấp hơn 1-3 điểm.

Một trong những ngành được nhiều thí sinh quan tâm và có mức điểm tăng đều hằng năm là ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng (xây dựng dân dụng và công nghiệp hoặc xây dựng cầu đường). Điểm chuẩn ngành này thường dao động 17-20. Ở các trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Kiến trúc TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Giao thông vận tải TP.HCM, Giao thông vận tải (cơ sở TP.HCM), ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ngành này có điểm chuẩn nằm trong tốp đầu của trường và thường cao hơn các ngành còn lại 2-4 điểm.

Ở các ĐH vùng hoặc địa phương, ngành này cũng thường có điểm chuẩn cao hơn các ngành kỹ thuật công nghệ khác 1-2 điểm. Trong khi đó ngành công nghệ môi trường mới nổi lên trong hai năm gần đây và điểm chuẩn cũng nằm trong tốp đầu tại nhiều trường: 17-18 điểm. Đây là nhóm ngành thường có số thí sinh đăng ký dự thi khá đông.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên