14/07/2018 16:02 GMT+7

Lương công nhân và robot Sophia

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Tăng hay không tăng lương cơ bản? Lương công nhân có tăng thêm một tẹo, chạy thêm được một bước theo đà tăng giá, xem ra cũng chưa thấm vào đâu so với đời sống của họ. Nhất là khi cô robot Sophia đã đến Việt Nam...

Lương công nhân và robot Sophia - Ảnh 1.

"26,5% công nhân phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ. 12,5% lương không đủ sống, phải làm thêm giờ".

Con số thống kê năm 2018 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được công bố trên báo chí sáng 13-7, cùng ngày với những bài tường thuật về cô Sophia, robot đầu tiên được cấp quyền công dân, đến Việt Nam, họp báo và nói chuyện về công nghệ 4.0 với thông điệp: "Người trẻ phải sẵn sàng đón nhận thách thức".

Không thể không buồn. Không thể không lo.

Lật lại những cuốn sổ tay ghi chép khi gặp công nhân những năm trước: "2012. Phòng trọ của N. và H. trống trải (Tân Bình, TP.HCM). Một cái tủ vải đã hư dây kéo, để lộ chồng quần áo cũ, lộn xộn bên trong. Một nồi cơm điện. Một quạt máy. Một tấm nệm cũ. Họ ở đây đã hơn 5 năm".

"2015. Bài toán chiết tính tiền lương của K. (Q.7, TP.HCM): Lương công nhân bậc 3: 3,6 triệu đồng. Tăng ca thêm khoảng 2 triệu. Phụ cấp các khoản hơn 1 triệu.

Thu nhập ở mức khá so với các công ty khác. Nhà trọ: 1,2 triệu. Ăn uống: 2 triệu. Gửi về quê: 1 triệu. Chi phí bạn bè: 1 triệu. Chi phí cá nhân: 1 triệu. Để dành khoảng 1 triệu. Tháng nào có sinh nhật, cưới hỏi, giỗ chạp thì hết. Tháng nào đau bệnh, đi viện, không tăng ca được phải đi vay".

"2018. Khu nhà trọ Trung Kiên, Bình Dương. Giá 950.000đ/phòng, rẻ hơn nơi khác 50.000đ. Gia đình bà M. từ An Giang lên, 4 người thuê hai phòng. Ba mẹ con đi làm công nhân, kể cả con gái út mới 16 tuổi (khai tăng tuổi để đi làm).

Ông cha ở nhà mở tiệm cho thuê rạp cưới, bàn ghế, chén dĩa. Bà M. bảo phải làm nhiều việc vậy mới đủ chi phí và dư chút ít để nuôi cha mẹ bà đã già yếu dưới quê. Quanh nhà, nhiều công nhân khác cũng kiếm việc làm thêm khi xí nghiệp không tăng ca: chạy Grab, giao hàng, bán hàng online...".

Giữa các năm ấy là những đợt tăng lương cơ bản, và tất nhiên kèm theo là trượt giá. Tăng lương nhưng đời sống công nhân thì vẫn thế, vẫn "chi tiêu tằn tiện, kham khổ", vẫn "lương không đủ sống, làm thêm giờ" và tới năm này còn làm thêm nghề.

Công nhân vẫn cứ là những người nghèo đa chiều trong xã hội: thu nhập, điều kiện, môi trường sống, giải trí, văn hóa, tinh thần, tương lai...

Tăng hay không tăng lương cơ bản? 5%, 6,5% hay 8%? Khoản tiền của công nhân có tăng thêm một tẹo, chạy thêm được một bước theo đà tăng giá, xem ra cũng chưa thấm vào đâu so với đời sống của họ.

Nhất là khi cô robot Sophia đã đến Việt Nam để cho thấy các dây chuyền sản xuất tự động, công nghệ mới sắp thay thế hàng loạt công nhân.

Lương không thể không tăng khi giá những mặt hàng thiết yếu như xăng, như điện vẫn tăng đều.

Nhưng bên cạnh tăng lương phải là những giải pháp căn cơ về phúc lợi: chiến lược nâng cấp tay nghề từ nền tảng kỹ năng hiện tại, kết nối các tổ chức xã hội để mở thêm trường học cho con em công nhân, hỗ trợ khám chữa bệnh, tổ chức các sinh hoạt văn hóa, giải trí, sử dụng tiện ích công nghệ giúp công nhân nâng trình độ văn hóa - chuyên môn, thiết kế những mạng lưới tư vấn - hỗ trợ công nhân trước những áp lực, rủi ro của cuộc sống...

Công nhân là lực lượng nòng cốt của xã hội. Từ bao giờ họ lại trở thành đối tượng yếu thế cần phải được trợ giúp? Và sự trợ giúp nào sẽ đưa họ trở lại đúng vị trí của mình?

Lương không thể không tăng. Nhưng tăng lương không thôi là không đủ, nếu chúng ta không muốn hai năm nữa lại làm một cuộc thống kê và lại còn lo hơn cả hôm nay.

Cận cảnh robot Sophia mặc áo dài trò chuyện ở Việt Nam Cận cảnh robot Sophia mặc áo dài trò chuyện ở Việt Nam

TTO - Lần đầu đến Việt Nam, Sophia 'diện' áo dài trắng đính hoa khá điệu đà. Cô gây chú ý khi xuất hiện tại sự kiện về công nghiệp 4.0 ở Hà Nội sáng 13-7.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên