Ngày 28-6, Liên đoàn lao động TP.HCM đã tổ chức chương trình gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM với đại biểu tham dự Đại hội Công đoàn TP.HCM nhiệm kỳ 2018 – 2023 với chuyên đề "Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ)".
Tham gia buổi đối thoại có ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, bà Trương Thị Ánh, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM cùng đại diện các sở, ban ngành TP.HCM.
Mong TP quan tâm nhà ở, vệ sinh an toàn thực phẩm
Mở đầu buổi đối thoại, ông Tô Trung Dũng, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho rằng các cơ sở vui chơi, giải trí cho người lao động chưa nhiều. Do người lao động phải làm việc theo ca, vị trí sân chơi xa chưa phù hợp với nhu cầu, thu nhập, tiền lương nên các sân chơi thể dục thể thao, văn hoá vắng bóng người lao động.
"Tôi mong TP đầu tư các thiết chế văn hoá tại khu dân cư, chỗ làm như thư viện, câu lạc bộ, sân bóng đa năng… mới thu hút người lao động", ông Dũng mong muốn.
Đại biểu tham dự Đại hội Công đoàn TP.HCM trăn trở về đời sống của công nhân hiện nay còn nhiều khó khăn lên lãnh đạo TP.HCM - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty CP Cơ khí Đại Dũng (huyện Bình Chánh) trăn trở chất lượng cuộc sống của công nhân vẫn chưa cao. Đặc biệt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm rất đáng báo động.
"Công nhân sáng sớm đi làm, tối về họ ghé các hàng cóc ven đường, không biết nguồn gốc vì không có sự lựa chọn. Cuộc sống đã khó khăn, phải đối mặt với thực phẩm bẩn, hiểm hoạ bệnh ung thư. Tại sao công đoàn không mở các siêu thị mini, siêu thị công đoàn để phục vụ các khu công nghiệp, khu dân cư", ông Hùng nêu ý kiến.
Ngoài ra câu chuyện nhà ở giá rẻ cũng được nhiều đại biểu quan tâm, chia sẻ với lãnh đạo TP. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam- Khu Công nghệ cao mong muốn TP quan tâm, có những chính sách đặc thù để các nhà đầu tư xây dưng nhà ở giá rẻ cho côn nhân vì đây là khao khát, mong muốn của phần lớn công nhân.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ với đại biểu tại buổi đối thoại - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
"TP nên có kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội thật cụ thể, cần chính sách cho công nhân vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội. Tôi nghĩ Bình Dương đã thực hiện từ nhiều năm nay thì không có lý do gì chúng ta lại không làm được", ông Hồng nhấn mạnh.
TP sẽ quan tâm hơn đời sống người lao động
Chia sẻ lại với đại biểu, đại diện các sở, ban ngành TP.HCM thông tin thêm các vấn đề nóng đại biểu quan tâm. Về nhà ở giá rẻ, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết chủ trương TP hiện vẫn duy trì nhà trọ theo hướng đầu tư chất lượng tốt hơn.
"Câu chuyện già ở giá rẻ đã được TP qua tâm và thực hiện nhiều ưu đãi, khuyến khích cho các nhà đầu tư xây dựng cho công nhân nhưng đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp được hưởng ưu tiên cơ chế, quỹ đất, lãi suất, thủ tục. Các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP đa số là các dự án của doanh nghiệp", ông Danh nói.
Theo ông Danh, sắp tới TP sẽ đầu tư các dự án nhà ở đa dạng, diện tích từ 25m2 đến 35m2, giá từ 300 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, cùng có chính sách vay vốn cho công nhân. Dự kiến năm 2018 có 9 dự án quy mô hơn 5.000 căn hộ giá rẻ. Năm 2019 có 4 dự án với 4.600 căn hộ. Năm 2020 có 10 dự án với 3.600 căn hộ. Vậy từ đây đến năm 2020, TP có hơn 20.000 căn hộ giá rẻ cho công nhân.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm tại buổi đối thoại - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP cho biết đơn vị đang tập trung bảo đảm thực phẩm sạch ngay tại nguồn, xây dựng nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho bếp an tập thể.
Bà Lan đề xuất các công đoàn cần đề xuất mức ăn tối thiểu, không thể để tùy vào lòng hảo tâm của chủ doanh nghiệp, để công nhân bị chất lượng bữa ăn "ăn mòn" trong suốt quãng đường với hoa hồng, chiết khấu…
"Ban sẽ kêu gọi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp ủng hộ quỹ đất để xây dựng các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini. Chúng tôi rất muốn làm đầu mối với công đoàn để đưa thực phẩm sạch đến với công nhân", bà Lan thổ lộ.
Trả lời các thắc mắc của đại biểu, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao cam kết các bảo tàng sẽ giảm vé hoặc ưu tiên không thu phí đối với công nhân đến xem. Vận động xã hội hóa đưa các dụng cụ tập thể dục thể thao đến các nhà lưu trú để công nhân tập luyện.
Kết luận tại buổi đối thoại, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM ghi nhận sự cố gắng của Công đoàn TP trong thời gian quan, nhiều phong trào thi đua giúp CNVC-LĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ông Liêm mong muốn Công đoàn TP cần quan tâm công tác mầm non, chế độ cho giáo viên, sân chơi tinh thần cho người lao động. Các doanh nghiệp cần đầu tư nhà ở, nhà lưu trú, siêu thị, phòng khám đa khoa… cho người lao động.
Theo ông Liêm, trong xu thế hội nhập đặt ra nhiều khó khăn, thách thức; thị trường lao động có nhiều chuyển biến, đa dạng phức tạp, tổ chức công đoàn cần có giải pháp nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho CN.
Từ ngày 28 đến 30-6 diễn ra Đại hội công đoàn TP.HCM nhiệm kỳ 2018 – 2023 với sự tham dự của 550 đại biểu chính thức. Trong khuôn khổ đại hội cũng diễn ra hoạt động lãnh đạo thành phố gặp gỡ đối thoại đại biểu theo các chuyên đề như:
"Các giải pháp, kiến nghị nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho công nhân, viên chức, lao động", "Đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn, tham gia xây dựng Đảng", "Nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức, lao động"…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận