Lương tổng đài viên chăm sóc khách hàng cho một phòng khám nha khoa chỉ hơn 8,2 triệu đồng, nhiều lần Như Quỳnh (24 tuổi, quê Quảng Ngãi) nghĩ sẽ chẳng đủ sức để trụ lại TP.HCM.
Vẫn đủ xoay xở, ở lại thành phố để không là gánh nặng của ai
Quỳnh hiểu rõ với mức lương đó, nếu không tằn tiện sẽ chẳng đủ để trang trải khi ở lại thành phố. Nhiều lần ốm đau, cô từng nghĩ đến việc sẽ về quê, bởi dù sao ở đó cũng có cha mẹ, nhà cửa rộng rãi. Mỗi ngày Quỳnh ăn uống không nhiều, trong khi ở quê thì nhà thưa vườn rộng, tha hồ trồng rau thả gà. Giá cả, thực phẩm ở quê chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều so với TP.HCM.
Nhưng rồi suy nghĩ ấy lập tức bị dập tắt bởi thực tại: "Về rồi làm gì?".
Khi nghĩ lại, mức lương 8,2 triệu đồng/tháng dù thấp nhưng ít ra vẫn đủ xoay xở. Quỳnh chọn thuê một căn trọ 8m2 ở quận Tân Phú, chấp nhận đi xa thêm vài km nhưng tiết kiệm được 1,2 triệu đồng so với thuê trọ gần chỗ làm (quận Tân Bình).
Tiền trọ thuê mỗi tháng chỉ 1,5 triệu đồng, gộp luôn bữa sáng và bữa trưa thành một, Quỳnh tính hòm hòm tất cả chỉ hết khoảng 4 triệu đồng.
Khoản còn lại Quỳnh chia làm hai phần. 1 triệu để lận lưng phòng khi đi đường, xăng xe, "quỹ" xã giao với đồng nghiệp. 3 triệu còn lại để ở thẻ, tiết kiệm, phòng khi đau ốm hoặc cần gửi về quê.
"Ai mà không muốn được ở cùng cha mẹ, gần quê gần nhà, giờ về lấy gì làm. Sợ nhất cảnh 25 tuổi đầu nhưng lại ăn bám cha mẹ", Quỳnh tâm sự.
Trung Đức (29 tuổi, quê Quảng Trị, công nhân tại Khu công nghiệp Tân Tạo) chia sẻ anh sống đời công nhân nhưng làm giờ hành chính, lương 7,5 triệu đồng/tháng nên đã nhiều tháng nay cứ luôn chật vật. Anh chọn ở lại vì lời hứa tháng 3 sẽ được tăng ca, nhưng "nay đã tháng 5 vẫn chưa thấy tăng ca ở đâu".
Nhiều hôm nản chí, anh Đức tính chuyện sẽ về quê. Nhưng khi suy tính kỹ, anh lại thôi. Nghĩ đến chuyện về quê làm ruộng, anh sợ sẽ chẳng trụ được lâu, bởi xưa nay đâu chịu khổ cực nhiều, kinh nghiệm trồng lúa cũng không có. Kiếm việc ở quê mà dễ thì anh đâu phải lặn lội vào TP.HCM, ở trọ xứ người.
"Đợt dịch, tôi bất đắc dĩ phải về quê thôi mà bức bối lắm. Tôi biết ba mẹ thương mình nên cũng gắng khổ thêm, nhưng cảm giác thất nghiệp, là gánh nặng, phụ thuộc khó chịu vô cùng", anh Đức nói.
Sợ bị gọi là thất bại
12 năm vào TP.HCM mưu sinh, chắc phải có hàng trăm lần anh Bình (quê Bắc Ninh) nghĩ đến chuyện hồi hương. Nhưng khi đặt lên bàn cân, anh lại tìm ra đủ lý do để bám trụ lại TP.
Anh kể từng nghe họ hàng ở quê nói về "thất bại" của một người trong làng, cũng đi TP làm ăn nhưng rồi phải bỏ về quê sống, khiến anh thấy sợ. Dĩ nhiên nếu ở TP mà thất nghiệp, anh cũng chọn về quê.
Chỉ là như hiện tại, nếu cùng gắng tăng ca đều, lương công nhân mà anh chị được nhận cũng phải được gần 17 triệu đồng/tháng. Trừ đi tiền trọ, tiền học của hai con và tiền của cả gia đình bốn người, tiết kiệm lắm thì đôi khi vẫn dư.
Việc phải đưa cả gia đình, con cái về lại quê, trong khi không có gì đảm bảo sẽ ổn định hơn cũng là cơ sở để anh Bình chọn bám trụ lại TP. Ở TP, chắc chắn môi trường học tập của hai con cũng sẽ tốt hơn.
"Giờ khổ thật đấy, nhưng cố bám trụ lại thì sau này đời con mình sẽ chẳng còn phải gồng mình lên TP nữa, vì nó được sinh ra, lớn lên ở TP mà", anh Bình cười.
Lý do để anh Thanh (31 tuổi) cố gắng tằn tiện, làm 2 - 3 nghề cùng lúc, nhất quyết không hồi hương bởi "đây là cách duy nhất để báo hiếu".
"Ở đây ngày làm công nhân, tối chạy thêm xe ôm, ăn uống tiết kiệm thì cũng dư được vài triệu, gửi về quê để ba mẹ mua thuốc, trả tiền điện nước. Ba mẹ già, thường xuyên đau ốm, giờ mình về rồi thất nghiệp nữa thì khổ càng thêm khổ mà thôi", anh Thanh tâm sự.
Còn bạn, lý do gì khiến bạn lựa chọn ở lại thành phố để sinh sống và lập nghiệp? Nếu muốn về quê, về nhà, bạn gặp những trở ngại, khó khăn gì? Mời bạn chia sẻ câu chuyện về hòm thư hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận