07/09/2013 11:20 GMT+7

Lúng túng với bảng hiệu Tây hóa

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên các bảng hiệu nhà hàng, khu du lịch, chung cư... đang làm các cơ quan chức năng đau đầu.

bgcCWkt9.jpgPhóng to
Lẫn lộn bảng hiệu tiếng Việt, tiếng nước ngoài ở một góc phố quận 1, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
HudvPtd2.jpgPhóng to
Một góc phố Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM với nhiều bảng hiệu, quảng cáo toàn tiếng nước ngoài - Ảnh: Thuận Thắng

Sáng 6-9, tại Sở VH-TT&DL TP.HCM đã diễn ra cuộc họp giữa lãnh đạo sở và cán bộ phòng văn hóa tám quận trong địa bàn TP.HCM về việc kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh bảng hiệu tiếng nước ngoài.

Tám quận được mời họp lần này gồm: 1, 3, 5, 6, 7, 11, Tân Bình và Bình Thạnh vì có đặc điểm là nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống và có nhiều bảng hiệu ghi tiếng nước ngoài sai quy định.

Để tiếng nước ngoài cho... sành điệu

TP.HCM vốn là nơi đất lành chim đậu với rất nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh. Kéo theo đó là hằng hà sa số các loại bảng hiệu được giăng chi chít san sát nhau ở mặt tiền của những con đường lớn nhỏ.

Căn cứ theo điều 34 Luật quảng cáo thì qua kiểm tra, sở cho biết tám quận trên là nơi có nhiều vi phạm nhất về bảng hiệu, đặc biệt là việc sử dụng tiếng nước ngoài. Trọng điểm là các tuyến đường Đồng Khởi, Thi Sách, Hai Bà Trưng - nơi có nhiều khách du lịch; khu phố Tây ở Đề Thám, Phạm Ngũ Lão; khu phố Nhật ở Lê Thánh Tôn, Ngô Văn Năm; khu có nhiều người Hàn Quốc ở Phú Mỹ Hưng (quận 7), Tân Bình; khu người Hoa ở quận 5, quận 6...

Các vi phạm thường là bảng hiệu chữ nước ngoài lớn hơn và đặt trên chữ Việt, bảng hiệu chỉ hoàn toàn tiếng nước ngoài, bảng hiệu ghi thêm tiếng nước ngoài không cần thiết hoặc không đúng với giấy phép đăng ký kinh doanh... Chẳng hạn có những nhà hàng, cửa hiệu ở khu người Nhật, Hàn chỉ ghi tiếng Nhật, Hàn từ bảng tên cho đến thực đơn hoặc nội dung các món hàng. Họ lấy lý do là đối tượng của họ chỉ toàn người Nhật, Hàn và họa hoằn lắm mới có người Việt nên không cần ghi tiếng Việt làm gì. Tương tự, rất nhiều quán ăn, nhà hàng, khách sạn ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão toàn là tiếng Anh. Khu người Hoa cũng trống vắng hẳn tiếng Việt.

Ngoài lý do tập trung vào đối tượng khách nước ngoài thì việc để tiếng nước ngoài trên bảng hiệu, bảng quảng cáo, thực đơn... cũng được các chủ kinh doanh xem là một xu hướng của việc...hội nhập quốc tế và sành điệu hơn. Các chữ như “boutique”, “sale off”, “store”, “accessories”, “fashion”... dù không thiếu nghĩa trong tiếng Việt nhưng vẫn được sử dụng độc lập và gần như thay thế hẳn tiếng Việt ở rất nhiều nơi. Thậm chí để chạy theo ngôn ngữ mới của giới trẻ, nhiều cửa hàng thời trang còn đề bảng giá kiểu: “T-shirt: 120K” (nghĩa là áo thun giá 120.000 đồng).

gHMifRIM.jpgPhóng to
Tràn ngập tiếng Hàn Quốc trước một cửa hiệu ở quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến

Sẽ cưỡng chế tháo dỡ nếu cần

Không phải chờ đến khi Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VH-TT&DL có văn bản ngày 13-8 về việc quản lý bảng hiệu thì Sở VH-TT&DL TP.HCM mới bắt đầu làm. Trước đó sở đã có những đợt kiểm tra và xử lý từ tháng 4 đến tháng 6-2013 về chuyện các bảng hiệu sai quy cách, thiếu đồng bộ, bảng to, bảng nhỏ, cái cao, cái thấp, và đặc biệt là những bảng hiệu màn hình LED cỡ lớn có nguy cơ cháy nổ cao... Tuy nhiên, phải sau khi báo chí lên tiếng về việc bảng hiệu tiếng nước ngoài gây bức xúc (Tuổi Trẻ ngày 22-8) thì mọi người mới thật sự ngồi lại với nhau để tập trung giải quyết vấn đề này.

Ngày 27-8, sở đã có văn bản chỉ đạo đến các quận, huyện ở TP.HCM và yêu cầu đến ngày 31-10 các địa phương phải xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm. Cách xử lý sẽ là lập biên bản, nhắc nhở, yêu cầu chỉnh sửa, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng theo điều 33 của nghị định 75, cưỡng chế tháo dỡ...

Tuy nhiên tại cuộc họp sáng 6-9, nhiều đại diện các quận than rằng việc kiểm tra và xử lý không hề đơn giản. Chẳng hạn như cán bộ quận 7 đi kiểm tra những nhà hàng ở khu Phú Mỹ Hưng thì toàn được gặp... bảo vệ hoặc nhân viên phục vụ, còn chủ tiệm đứng tên giấy phép kinh doanh thì không ở đó. Ở quận 1, quận 3 có rất nhiều nhà hàng dành cho khách Tây do người nước ngoài làm chủ nhưng lại nhờ người VN đứng tên nên khi gặp đoàn kiểm tra họ lại đổ thừa cho nhau và không chịu trách nhiệm. Ngoài ra còn có những trường hợp người dân vẫn chấp hành nộp phạt hành chính nhưng không chịu chỉnh sửa nội dung theo quy định vì vướng các quan niệm duy tâm về phong thủy, về chi phí treo, gắn, dựng bảng hiệu chỉnh sửa tốn kém...

Để giải quyết những khúc mắc này, ông Nguyễn Văn Minh - phó giám đốc sở - đã đưa ra những giải pháp như: tổ chức tuyên truyền đầy đủ các nội dung của Luật quảng cáo đến các hộ kinh doanh, đặc biệt là ngay khi họ đến đăng ký kinh doanh để tránh lãng phí về sau; tổ chức đoàn kiểm tra phối hợp với công an phường, cảnh sát khu vực, báo chí để đảm bảo các chủ kinh doanh không thể trốn tránh trách nhiệm. Và trong những trường hợp cố tình vi phạm thì đoàn kiểm tra sẽ cưỡng chế tháo dỡ nếu cần. Ngoài bảng hiệu, đoàn cũng sẽ kiểm tra những nội dung khác như thực đơn, bảng quảng cáo, băngrôn... nếu có ghi tiếng nước ngoài sai quy định hoặc niêm yết giá bằng ngoại tệ cũng sẽ bị xử phạt. Ông Minh khẳng định lần này sở sẽ “quyết tâm làm mạnh để trả lại mỹ quan đô thị cho thành phố và góp phần bảo tồn vốn tiếng Việt!”.

Theo điều 34 Luật quảng cáo, một bảng hiệu đúng quy định phải có những nội dung sau: tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có), tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, địa chỉ và điện thoại.

Việc thể hiện chữ viết trên bảng hiệu lại được quy định theo điều 18 của luật này như sau: trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt.

Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài trong cùng một quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ Việt và phải đặt bên dưới khổ chữ Việt, khi phát trên đài phát thanh, truyền hình thì phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

Sẽ rà soát các khu đô thị đặt tên tiếng nước ngoài

Những chung cư, khu đô thị mới, trung tâm thương mại có tên tiếng nước ngoài cũng sẽ nằm trong diện được chấn chỉnh. Đối với những trường hợp này, ông Phan Đình Tân (người phát ngôn Bộ VH-TT&DL) cho biết: “Việc đăng ký tên là do phía doanh nghiệp thực hiện theo sự hướng dẫn của cơ quan cấp giấy phép là Sở Kế hoạch - đầu tư. Xưa nay chưa ai trình, cũng không ai hỏi Bộ VH-TT&DL trong vấn đề này. Trong luật cũng không quy định phải xin ý kiến Bộ VH-TT&DL trong việc đặt tên và biển hiệu cho các khu đô thị, công ty, tên cơ quan doanh nghiệp”.

Về phía Cục Văn hóa cơ sở, cục cho biết sau công văn đề nghị kiểm tra các cửa hàng có biển hiệu tiếng nước ngoài mà không có tiếng Việt, cục cũng đề nghị tiến hành rà soát trên toàn quốc các khu đô thị đặt tên tiếng nước ngoài để có phương án xử lý theo đúng Luật quảng cáo.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên