Phóng to |
Tên đường "hai trong một" (cả số lẫn chữ) ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: N.Triều |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Ông Lưu Đại Hải, cán bộ địa chính P.9, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết ngay cả cán bộ của phường muốn tìm nhà dân cũng rất khó khăn, thường tìm đến ban điều hành tổ dân phố để nhờ... chỉ giùm.
Ông Nguyễn Quang Liêm (nhà số 16/9 Phạm Văn Chiêu, P.9, Q.Gò Vấp) nói do cách nhà ông chừng 1km có nhà cùng địa chỉ nên việc nhận thư cứ lộn nhau hoài. Chưa hết, nếu theo địa chỉ ông Liêm cho để tìm nhà ông thì đi cả ngày cũng không tìm được, vì tuy ông là cư dân của P. 9 nhưng số nhà vẫn ghi là P.12. Lý do trước đây ông ở P.12, sau khi tách phường ông trở thành cư dân P.9 nhưng số nhà, giấy tờ vẫn mang địa chỉ phường cũ.
Hàng trăm hộ dân thuộc P.9 đường Phạm Văn Chiêu cũng trong tình trạng người của phường này nhưng số nhà của phường khác. Chưa kể, tất cả nhà tại đây dù là nhà mặt tiền nhưng địa chỉ mang dấu "xuyệc" (dấu dùng để đánh số nhà trong hẻm). Ông Liêm nói tình trạng số nhà lung tung khiến người dân gặp khó khăn trăm bề. Bất tiện nhất đối với gia đình ông là trong giao dịch với ngân hàng. Hiện giấy chứng minh nhân dân của ông ghi ở P.12, nên mỗi khi đi rút tiền tại ngân hàng ông phải giải thích dài dòng với nhân viên ngân hàng mới xong việc.
Ông Lưu Đại Hải lý giải tình trạng số nhà lung tung còn có một phần nguyên nhân do trước đây công an khu vực được cấp số nhà tạm cho dân để dễ quản lý, nhiều số nhà tạm cấp không theo quy chuẩn nào vẫn tồn tại. Còn tình trạng nhà không số, nhiều nhà cùng địa chỉ là do việc tách hộ... Hiện nếu người dân có nhu cầu cấp số nhà, hộ khẩu, chứng minh nhân dân cho phù hợp thì phường cũng xác nhận để công an quận đổi.
Cùng tên đường nhưng cách nhau... 20km!
Phóng to |
Tên đường tại Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: Chí Quốc |
Còn tại Q.Phú Nhuận, nhiều nơi được đặt địa chỉ theo tên lô nhà do chủ đầu tư công trình nhà ở ấn định. Để tìm địa chỉ Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng Phú Nhuận (14/C12A Phan Xích Long) chúng tôi phải mất hơn ba giờ chạy dọc đường Phan Xích Long vì số nhà ở đây có đoạn được đánh theo lô, có đoạn được đánh theo số tự nhiên tăng dần.
Ví dụ cùng mặt tiền đường Phan Xích Long, có đoạn đánh số nhà theo số tự nhiên tăng dần nhưng có đoạn số nhà kèm theo số lô như 42 lô C4 Phan Xích Long, có đoạn cũng mặt tiền đường Phan Xích Long lại có địa chỉ khá lạ như 19 - C12A Phan Xích Long...
Câu chuyện lạc đường của một bà mẹ từ Quảng Trị vào TP.HCM thăm con được con gái tên H. kể lại với chúng tôi trưa 17-8 đúng là dở khóc dở cười. Theo địa chỉ do con bà hướng dẫn "trọ ở đường Trần Hưng Đạo, sát giao lộ với đường Tản Đà”, xe ôm đã chở bà một mạch từ bến xe miền Đông đến giao lộ Trần Hưng Đạo - Tản Đà (quận 5) vào lúc quá nửa đêm để tìm con. Nhưng loanh quanh mãi đến sáng bà vẫn không tìm ra chỗ trọ của con. Ra dịch vụ công cộng gần đó gọi điện thoại về nhà ở quê hỏi chính xác địa chỉ, số điện thoại nơi con gái ở trọ mới té ngửa: giao lộ Trần Hưng Đạo - Tản Đà được con gái bà nhắc đến ở tận quận 9, cách nơi bà đang đứng hơn... 20km.
"Đường 332 Chánh Hưng"
Ở quận 8, có một con đường của khu dân cư Hiệp Ân ăn thông ra đường Chánh Hưng cạnh số nhà 332 nên bảng tên đường ghi luôn là "Đường 332 Chánh Hưng", nay đường Chánh Hưng đã đổi thành đường Phạm Hùng nhưng con đường "ăn theo" này vẫn chưa được khai tên mới. Kiểu đặt tên "thập cẩm" này xuất hiện ở hầu hết đường thuộc khu dân cư Hiệp Ân và khu dân cư Đồng Diều, quận 8. Và dĩ nhiên những căn nhà mọc lên dọc những tuyến đường này cũng được cấp số theo những cái tên như thế. Ngay cả các công sở cũng không ngoại lệ: trên biển hiệu trụ sở HĐND-UBND quận 8 ghi địa chỉ "số 04 đường 1011 Phạm Thế Hiển" trong khi trụ sở Quận ủy nằm sát vách chỉ ghi vỏn vẹn "số 02 đường 1011".
Trong khi đó, ở các quận Tân Bình, Tân Phú từ giữa năm 2007, hàng chục con đường mang tên ngộ nghĩnh như đường "Bên hông trường mầm non" được Hội đồng đặt đổi tên đường TP đổi thành đường Đặng Minh Trứ, đường "Ven tường rào sân bay" đổi thành đường Tân Sơn, đường "Kế xí nghiệp đông lạnh" sẽ được mang tên Thái Thị Nhạn, đường "Dọc bờ kênh Nhiêu Lộc" có tên mới là đường Trường Sa... Tuy nhiên theo ông Phan Trọng Hiền - thư ký Hội đồng đặt đổi tên đường TP, đến nay hơn 20 con đường như thế ở quận Tân Bình vẫn chưa chính thức được mang tên mới vì còn phải chờ quyết định của UBND TP.
Lẽ ra khi quy hoạch những khu dân cư, những tuyến đường mới, cơ quan hữu quan quy hoạch luôn tên đi kèm. Nhưng có nhiều khu dân cư hình thành 5-7 năm vẫn còn mang tên tạm bợ. Cẩn thận ghi lại những tên đường mà chúng tôi kể, ông Hiền cho biết chỉ mới được nghe lần đầu.
"Chết danh"
Theo Hội đồng đặt đổi tên đường TP, quỹ tên đường vẫn đang còn dư nhưng công tác đặt, đổi tên đường trong những năm qua quá chậm nên dẫn đến tình trạng người dân hoặc chính quyền địa phương đã tự phát đặt những tên đường kể trên. Những tên đường tự phát này được dùng lâu ngày nên "chết danh" và đi vào văn bản hành chính, giấy tờ tùy thân của người dân nên việc cải sửa cực kỳ khó. Chẳng hạn, hơn 30 con đường ở Phú Mỹ Hưng thuộc khu Nam Sài Gòn được đặt tên danh nhân từ đầu năm 2002 nhưng đến nay trên bảng tên đường vẫn tồn tại những tên tiếng Anh như "S Ave North", "West 8th St", "H Ave"...
Ông Tạ Đức Thanh, trưởng phòng đất đai - môi trường Ban quản lý khu Nam, giải thích sở dĩ có sự tồn tại song song này do người dân tại đây đã quen với những tên đường cũ nên chưa thể bỏ được. Tương tự, một con hẻm cạnh khu đất của Công ty Sinco ở P.An Lạc, Q.Bình Tân vốn được gọi là hẻm Sinco hơn một năm nay đã được cắm biển "nâng cấp" thành "Đường hẻm Sinco".
Sửa tên đâu dễ
Mặc dù khẳng định việc cải sửa hàng trăm tên đường trùng lắp hoặc nằm ngoài danh mục là cần thiết nhưng theo Hội đồng đặt đổi tên đường TP.HCM, đây là điều không dễ. Ông Phan Trọng Hiền nói quỹ tên đường "tồn đọng" là do... chưa biết đặt cho tuyến đường nào. "Việc đặt tên đường phải theo một số tiêu chí nhất định như đường phải có chiều dài tối thiểu 200m, lộ giới phải từ 12m trở lên. Chưa kể, tên nhân vật phải được đặt cho những vùng đất ít nhiều họ có gắn bó hoặc tên địa danh thì phải đặt đúng nơi có địa danh đó” - ông Hiền giải thích.
Nếu theo cách giải thích này thì tên "Cây Mai" trong danh mục Hội đồng đặt đổi tên đường sắp trình HĐND TP thông qua sẽ có nguy cơ bị "ế" vì các con đường ở khu vực Cây Mai (giáp giữa quận 5, quận 6 và quận 11) đều đã có tên ổn định. Nếu "trả” tên Cây Mai cho đường Nguyễn Trãi (quận 5) như nó từng có từ thời thuộc Pháp thì càng không thể. Cũng theo ông Hiền, Hội đồng đặt đổi tên đường TP cũng đã nghĩ đến việc đưa trở lại quỹ tên đường là tên những nhân vật mà vai trò lịch sử của họ đã được làm rõ như Hiền Vương, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh...
Cũng theo ông Hiền, hơn hai năm qua cơ quan này đã ký hợp đồng đặt hàng Hội Khoa học lịch sử TP giới thiệu danh mục các nhân vật, sự kiện lịch sử, địa danh để bổ sung quỹ tên đường nhưng đến nay mới nhận được 223 tên. Chưa kể, đối với hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, danh mục tên đường phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) trước khi trình HĐND TP thông qua.
Cấp tạm trước, hợp thức hóa sau
Ông Đỗ Anh Khang - trưởng Phòng quản lý đô thị Q.Gò Vấp - cho biết văn bản của UBND TP thuộc cấp nhỏ hơn văn bản của Bộ Xây dựng nên TP phải điều chỉnh theo cho phù hợp. Tuy nhiên, ông Khang cho biết trong khi chờ quyết định mới của cấp TP, UBND quận đã chủ động có kế hoạch cấp thí điểm biển số nhà cho dân tại đường Quang Trung trong quý 4 năm nay, dựa trên quy chế của Bộ Xây dựng và dự thảo của Sở Xây dựng TP sửa đổi quyết định 1958. Trong thời gian gắn số nhà mới vẫn còn thể hiện số cũ (đặt bên dưới số mới) để tiện trong quá trình chuyển tiếp từ số nhà cũ sang số nhà mới cho dân. Dự kiến cuối năm nay phòng sẽ trình UBND quận phương án cấp đổi số nhà toàn quận thực hiện trong năm 2009. Mới đây, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP cho biết đã trình UBND TP dự thảo sửa đổi quyết định 1958. Theo đó, trước mắt các quận, huyện vẫn cấp, đổi số nhà cho dân trên cơ sở quyết định 1958. Còn một số khu vực mà các quận, huyện cảm thấy chưa "chắc ăn" thì cấp tạm số nhà cho dân, chờ TP ban hành quyết định mới sẽ hợp thức số nhà sau. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận