30/10/2014 11:38 GMT+7

​Lúng túng “cứu” làng nghề làm sư tử đá

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Cuộc làm việc sáng 29-10 giữa lãnh đạo Bộ VH-TT&DL với UBND TP Ðà Nẵng vẫn chưa thật sự đưa ra được giải pháp cụ thể nào về vấn đề này.

Một sư tử đá trước trụ sở TAND TP Đà Nẵng - Ảnh: H.Khá

Sau khi có lời cầu cứu của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Ðà Nẵng) về việc hàng hóa ế ẩm, đời sống người dân lao đao, Bộ VH-TT&DL đã vào Ðà Nẵng để nắm bắt tình hình, tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Chiến - phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Ðà Nẵng - cho biết hiện nay mặt hàng lân và sư tử đá (chiếm 2/3 doanh thu của làng nghề) trở nên ế ẩm, làng nghề gặp nhiều khó khăn. 

Nhiều hộ kinh doanh và gia đình họ đứng trước tình trạng cấp bách vì chỉ sản xuất kinh doanh mặt hàng nghê, sư tử. Trong hai tháng trở lại đây, rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh buộc phải cho thợ nghỉ việc do mặt hàng chính là tượng lân, sư tử không tiêu thụ được.

Làng nghề lúng túng trong việc tháo gỡ khó khăn và định hướng sản xuất trong thời gian tới. Còn đại diện UBND quận Ngũ Hành Sơn cho rằng hiện nay số hàng tồn đọng ở làng nghề có giá trị từ 80-100 tỉ đồng và thực tế hiện người dân tự xoay xở cứu lấy mình.

Ông Chiến cũng cho biết có vướng mắc khi thực hiện khuyến cáo của Bộ VH-TT&DL về việc “không trưng bày, không sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Tình trạng chung là sở chưa có cơ sở để xác định thế nào là tượng vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam để có thể hướng dẫn, xử lý, cũng như chưa có phương thức xử lý các tượng vi phạm khi buộc di dời.

Ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - cho biết để phân biệt đâu là tiêu chí linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục chỉ cần “hai gạch đầu dòng”.

Một là linh vật không phải truyền thống của cha ông để lại. Hai là không phải sản phẩm sáng tạo của người Việt làm ra mà của nước ngoài, tức là ngoại lai.

Theo ông Thành, mẫu cụ thể thì đã có trên trang web của cục và người dân có thể vào đó xem rồi so sánh đâu là linh vật phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Ðồng thời tháng 11 sẽ tổ chức hội thảo ở Hà Nội và triển lãm để giới thiệu hình ảnh, tiêu chí linh vật truyền thống của người Việt.

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng hội thảo ngoài việc có đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thì nên mời người dân ở các làng nghề tham gia có tiếng nói chứ để nhà khoa học không sẽ đưa ra chủ trương “trên trời”.

Ông Huỳnh Ðức Thơ - phó chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng - đề xuất:

“Thời gian sắp tới bộ nên có thông tư quy định việc đặt tượng ở các công trình văn hóa, cơ quan công sở, điểm công cộng để dễ quản lý, đồng thời có định hướng xác định rõ ràng về mẫu mã loại linh vật truyền thống của người Việt để các làng nghề ổn định sản xuất, phát triển”.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên