29/12/2021 15:59 GMT+7

Luật phòng chống ma túy 2021 có những điểm gì mới?

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Luật phòng chống ma túy năm 2021 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới rất quan trọng, được kỳ vọng sẽ khơi thông nhiều điểm ‘nghẽn’ của các quy định cũ, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy vốn dĩ đầy khó khăn, phức tạp.

Luật phòng chống ma túy 2021 có những điểm gì mới? - Ảnh 1.

Theo thống kê của Bộ Công an, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng - Ảnh: C04 cung cấp

Luật phòng, chống ma túy năm 2021 đã được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1-1-2022. Lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đánh giá những quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, về cai nghiện ma túy trong luật mới sát với thực tiễn, góp phần ngăn chặn, hạn chế việc gia tăng người nghiện, giảm "nguồn cầu" về ma túy, cũng như các loại tội phạm.

Nâng cao vai trò của gia đình trong phòng chống ma túy

Theo thống kê của Bộ Công an, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Năm 2017 phát hiện hơn 128.000 người, năm 2018 phát hiện hơn 235.000 người, năm 2019 phát hiện hơn 143.000 người sử dụng trái phép chất ma túy.

Riêng năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng dồn sức chống dịch, nhiều địa phương áp dụng giãn cách, các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn không được hoạt động nên số lượng người sử dụng ma túy mới bị phát hiện tăng không đáng kể.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, cục trưởng C04, cho biết hình thức, địa điểm sử dụng trái phép ma túy đã thay đổi nhiều so với trước đây, người sử dụng ngày càng trẻ hóa và sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng.

"Nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá" gây ra các vụ thảm án đặc biệt nghiêm trọng, gây bất an, bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện hành chỉ bị xử phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nên không đủ sức răn đe, ngoài ra không có biện pháp quản lý nào khác", ông Viện nói.

Trước thực trạng trên, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đưa vấn đề quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thành một chương mới nhằm quản lý chặt chẽ và giảm "nguồn cầu" về ma túy .

Luật phòng chống ma túy 2021 có những điểm gì mới? - Ảnh 2.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, cục trưởng C04, thông tin về những điểm mới của Luật phòng chống ma túy 2021 - Ảnh: THÂN HOÀNG

Quy định mới nhất đáng chú ý của chương này là vấn đề quản lý người sử dụng ma túy ngay từ lần đầu. Thời hạn quản lý là 1 năm kể từ ngày có quyết định quản lý của chủ tịch UBND cấp xã.

Cụ thể, khi một người bị phát hiện sử dụng ma túy lần đầu, chủ tịch UBND cấp xã là người có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương. Tổ quản lý sẽ do công an cấp xã làm tổ trưởng, kết hợp với người có uy tín trong dòng họ để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Tổ quản lý sẽ phân công trực tiếp cho một người làm nhiệm vụ động viên, tuyên truyền, giáo dục để người sử dụng trái phép chất ma túy nhận thức ra tác hại của ma túy; đồng thời giám sát để kịp thời phát hiện họ có tái phạm hay không.

Trong thời gian bị quản lý, nếu người sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì cơ quan chức năng sẽ đưa đi xác định tình trạng nghiện. Trường hợp kết luận bị nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị áp dụng các hình thức cai nghiện theo quy định.

"Đây là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Việc quản lý thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính", thiếu tướng Viện phân tích thêm.

Theo lãnh đạo C04, việc quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không công khai ở địa bàn cư trú, chỉ tổ công tác quản lý và gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy biết. Trong thời gian quản lý, họ vẫn được quyền sinh hoạt, học tập và làm việc như bình thường.

Công tác cai nghiện ma túy được quy định sát sao hơn

Theo C04, tính đến tháng 11-2021, cả nước hiện có hơn 246.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tỉ lệ người nghiện tăng tự nhiên trung bình trong 5 năm gần đây là 3%/năm.

Luật phòng, chống ma túy năm 2021 quy định về cai nghiện ma túy đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với thực tiễn. Khác với luật cũ, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 đã quy định cụ thể các trường hợp xác định tình trạng nghiện để cho công an cấp xã kịp thời đưa đi xác định tình trạng nghiện, nhằm sớm phát hiện người nghiện ma túy, áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp.

Biện pháp cai nghiện ma túy, quy định tại điều 28 gồm cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc. Cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy. Cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. So với luật cũ, luật mới không quy định cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng.

Theo điều 30 của luật mới quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, được thực hiện với sự trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã.

"Đây là điểm tiến bộ của luật mới, quy định của luật cũ giao cho cán bộ ở cấp xã kiêm nhiệm, thực hiện do vậy không chuyên sâu, làm hình thức, không hiệu quả. Quy định của luật mới đảm bảo tính chuyên sâu trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả", lãnh đạo C04 phân tích.

Luật mới cũng quy định chặt chẽ các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, cụ thể có bốn trường hợp sau:

1. Người nghiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

2. Người nghiện trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà người này tái nghiện.

Theo lãnh đạo C04, luật mới cũng quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Luật cũ không quy định do đó hiện nay không đưa được người nghiện ở độ tuổi này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong khi đó độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ hóa.

Thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do tòa án nhân dân cấp huyện và không bị coi là xử lý vi phạm hành chính.

Người sử dụng ma túy lần đầu sẽ bị quản lý tại nhà trong 1 năm Người sử dụng ma túy lần đầu sẽ bị quản lý tại nhà trong 1 năm

TTO - Đó là điểm mới nổi bật trong Luật phòng chống ma túy năm 2021, việc quản lý được áp dụng ngay lần đầu phát hiện người sử dụng ma túy với mục đích hạn chế gia tăng người nghiện, giảm "nguồn cầu" về ma túy, cũng như các loại tội phạm.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên