20/12/2019 09:36 GMT+7

Luật mới từ 1-1-2020: Phải đối xử nhân đạo với vật nuôi

TRẦN MẠNH - A LỘC ghi
TRẦN MẠNH - A LỘC ghi

TTO - Ngày 1-1-2020, Luật chăn nuôi chính thức có hiệu lực với các quy định về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, vật nuôi phải được gây ngất trước khi giết mổ, không để vật nuôi phải chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ...

Luật mới từ 1-1-2020: Phải đối xử nhân đạo với vật nuôi - Ảnh 1.

Hoạt động giết mổ heo tại một lò mổ ở Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các chuyên gia nông nghiệp và đơn vị kinh doanh, những yêu cầu này là phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng như nhận thức của người dân hiện nay.

Ông Nguyễn Trí Công (chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai):

Phù hợp thông lệ quốc tế

Các quy định trên thể hiện một bước tiến mới trong quản lý chăn nuôi và chế biến thực phẩm tại VN, phù hợp với thông lệ quốc tế và là việc phải làm. Tuy nhiên, việc áp dụng ngay quy định này vào đầu năm 2020 là không khả thi với điều kiện của VN hiện nay.

Tôi lấy ví dụ, TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về các cơ sở giết mổ tập trung, hệ thống quản lý thú y chặt chẽ nhưng đến nay vẫn chủ yếu giết mổ heo ở các lò mổ nhỏ lẻ, bán công nghiệp. Những cơ sở giết mổ quy mô lớn, hiện đại mới đang xây dựng hoặc đang xin phép đầu tư nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn.

Việc yêu cầu heo hay gà... phải được chích điện, gây ngạt bằng khí CO2 trước khi giết mổ đồng nghĩa với cơ sở phải đầu tư hệ thống chích điện hay phòng gây ngạt đạt chuẩn. Rõ ràng là các lò mổ hiện nay chưa thể đáp ứng các điều kiện này.

Do đó muốn đảm bảo được các quy định, trước hết phải hình thành những cơ sở giết mổ quy mô lớn, hiện đại và loại bỏ các lò mổ thủ công nhỏ lẻ. Mà việc này cần phải có thời gian để thực hiện.

Ông Đàm Văn Hoạt (giám đốc Công ty sản xuất thương mại Trại Việt, TP.HCM):

Cần loại bỏ những lò mổ nhỏ lẻ

Nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp gây ngạt bằng khí CO2 thay cho chích điện. Để đáp ứng quy định này thì chỉ có những nhà máy giết mổ hiện đại mới có thể đầu tư bài bản, đồng bộ. Muốn như thế cần có một kế hoạch cụ thể để dẹp bỏ các lò mổ nhỏ lẻ rải rác trong khu dân cư, đưa về các khu giết mổ tập trung, kêu gọi các nhà đầu tư lớn tham gia lĩnh vực này.

Ngành giết mổ gia súc gia cầm là ngành đặc thù, thậm chí mang tính chất tâm linh, nên để có doanh nghiệp đầu tư vào là rất khó. Những dự án này cũng phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng trở lên để nhập khẩu dây chuyền, công nghệ từ nước ngoài... Tuy nhiên, vì thực phẩm là hàng hóa thiết yếu của con người nên cần ưu tiên hàng đầu trong quy hoạch phát triển ngành giết mổ.

Ông Nguyễn Quang Thọ (giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ, TP Long Khánh, Đồng Nai):

Tôi đã áp dụng

Cơ sở giết mổ của tôi đã thực hiện quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi từ lâu và hiện vẫn làm đúng với quy trình của Luật chăn nuôi. Cụ thể tại cơ sở luôn duy trì hệ thống chuồng nhốt sạch sẽ, có vòi nước sạch cho vật nuôi uống trong khi chờ mổ.

Quá trình vận chuyển nhẹ tay, không đánh đập gia súc. Trước khi giết mổ, chúng tôi gây ngất bằng xung điện nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng đến những con khác đang chờ giết mổ.

Việc thực hiện quy định này cũng không khó và chi phí cũng không nhiều. Tuy nhiên, một số người do đặt lợi nhuận lên trên hết nên chưa thực hiện đầy đủ các quy định. Bởi khi làm ngất bằng xung điện, nếu thao tác không đúng có thể khiến thịt heo làm ra không được đẹp, đôi khi bị chín tái mất giá trị.

Ông Trần Văn Quang (chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai):

Phải chấn chỉnh các lò mổ

Ngày xưa có tình trạng đập đầu gia súc rồi giết mổ nhưng hiện nay, đại bộ phận các lò giết mổ gia súc trên địa bàn đã gây ngất bằng cách chích điện trước khi giết mổ, chỉ có một ít lò mổ nhỏ lẻ chưa đảm bảo tốt. Việc này giúp cho gia súc đỡ bị đau đớn trước khi giết mổ.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc lưu giữ, vận chuyển gia súc đưa vào lò mổ hoặc không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ so với quy định còn chưa đúng. Trước đây, khi đưa ra điều khoản về việc không cho con này thấy con kia bị giết mổ cũng có người phản ứng, bởi trong điều kiện thủ công thì khó làm được.

Tuy nhiên, luật là luật nên sẽ phải chấn chỉnh, hướng dẫn các lò mổ thực hiện theo quy định. Khi các quy định trên có hiệu lực, chi cục sẽ xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các chủ lò mổ điều chỉnh, bố trí lại nơi nhốt, giết mổ gia súc để đảm bảo chúng không nhìn thấy đồng loại bị giết mổ.

Bác sĩ thú y Đặng Hoài An (làm việc cho một công ty ngành giống vật nuôi của Mỹ tại TP.HCM):

Giết mổ theo truyền thống, chất lượng thịt kém

Ở nước ngoài hầu hết đều áp dụng phương pháp cho gia súc rơi vào trạng thái ngất tạm thời, sau đó mới tiến hành giết mổ. Bởi ngoài vấn đề nhân đạo, việc giết mổ như trên giúp sản phẩm thịt chất lượng hơn.

Cách giết mổ khi gia súc còn sống sẽ gây đau đớn, dẫn đến miếng thịt bị dai, mất ngon. Bởi vì cách giết này ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh của gia súc, gây ra việc cơ thịt bị co rút.

Ngoài ra, việc giết mổ kiểu này khiến nhiều trường hợp thịt sinh ra chất axit làm giảm chất lượng thịt. Nhiều quốc gia cũng quy định phải nhập thịt từ nguồn được giết mổ bằng phương pháp nhân đạo và tiến bộ. Do đó, Việt Nam áp dụng những quy định trên là cần thiết.

NGUYỄN TRÍ ghi

​Tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi dịp Tết ​Tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi dịp Tết

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng trong những ngày giáp Tết Bính Thân, nhất là đối với những đối tượng vật nuôi trong giai đoạn vỗ béo.

TRẦN MẠNH - A LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên