Học sinh TP.HCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Hội thảo do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức với sự tham dự của gần 100 chuyên gia giáo dục, luật sư, luật gia và lãnh đạo các trường đại học, THPT…
Có cần thiết thi tốt nghiệp THPT?
Theo chuyên gia giáo dục, TS Phạm Thị Ly, vấn đề thi tốt nghiệp THPT cũng là một trong những việc nổi cộm trong năm qua với tranh cãi việc tổ chức kỳ thi "2 trong 1".
"Luật Giáo dục đến thời điểm này đều quy định học sinh học hết chương trình THPT được dự thi tốt nghiệp. Tôi thấy rất lạ, luật hiện hành quy định học sinh được dự thi, không hề nói đó phải là kỳ thi quốc gia chung cho cả nước. Về nguyên tắc, nếu dựa theo câu chữ của luật các tỉnh, thành phố thậm chí các trường cũng được quyền tổ chức kỳ thi này nhưng không ai dám làm vậy", bà Ly nói.
TS Phạm Thị Ly còn đặt vấn đề: "Chúng ta có nhất thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT? Tôi hiểu lý lẽ của những người bảo vệ quan điểm cần thi tốt nghiệp THPT với lý do cần chuẩn kiến thức, nếu bỏ thi học sinh sẽ không chịu học… Những điều này cũng có lý nhưng chúng ta chưa bao giờ nghĩ khác đi thực sự thi tốt nghiệp THPT có cần thiết như vậy hay không?"
Bà Ly cho rằng giáo dục là một quá trình, bao gồm nhiều thứ chứ không phải là bài thi tốt nghiệp. Nếu đánh giá toàn bộ quá trình 12 năm học của học sinh bằng một kỳ thi với vài môn học nghĩa là chúng ta đánh giá thấp tất cả những yếu tố khác trong quá trình giáo dục. Hệ quả tất yếu là người ta học chỉ để thi và chỉ quan tâm tới những môn thi.
"Hiện nay nhiều nước không tổ chức thi tốt nghiệp tập trung mà trao cho các trường đánh giá quá trình học tập của học sinh và công nhận tốt nghiệp. Nếu có, kỳ thi được tổ chức nhiều lần trong năm và mục đích của kỳ thi để xác nhận học sinh đã đạt được những tiêu chuẩn giáo dục được quy định ở cấp học đó", bà Ly cho biết thêm.
Bà Nguyễn Mai Hoa - hiệu trưởng Hệ thống Trường dân lập Việt Úc, cho biết bà hoàn toàn đồng tình ý kiến của TS Phạm Thị Ly. Đồng thời ủng hộ việc học sinh không thi tốt nghiệp THPT, giao việc này cho hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận.
"Hiện nay học sinh chịu khá nhiều áp lực, chưa đồng bộ với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2020. Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi việc chủ động của hiệu trưởng trong nhà trường. Việc thi cử chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng chưa chú trọng nhu cầu của người học", bà Hoa nói.
Chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng văn hóa chất lượng hiện chưa cho phép giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương - Ảnh: TRẦN HUỲNH
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ông ủng hộ ý tưởng khi học sinh đã hoàn thành tốt việc học ở trường THPT thì được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận, thậm chí bằng tốt nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay văn hóa chất lượng của Việt Nam nói chung và văn hóa chất lượng giáo dục nói riêng chưa cho phép làm việc này.
Những bê bối trong lĩnh vực giáo dục suốt thời gian qua hiện vẫn đang phải tiếp tục xem xét, nếu thả bung ra học sinh các tỉnh sẽ đậu tốt nghiệp rất nhiều. Như vậy chất lượng sẽ không đảm bảo.
"Vì vậy trước mắt cần phải chuẩn hóa trình độ, cần có kỳ thi THPT quốc gia. Khi nào văn hóa chất lượng khá hơn khi đó mới tính đến chuyện giao cho địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nhẹ nhàng và cần nhanh chóng chuyển sang đúng mục tiêu là thi tốt nghiệp không gắn thêm mục tuyên tuyển sinh đại học", ông Nghĩa đề nghị.
Theo ông Tạ Ngọc Trí - phó vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, nhiều người cho rằng thi tốt nghiệp THPT gần 100% đậu nên không cần thi là lập luận không xác đáng. Vì theo ông thi theo chuẩn giống như thi lấy bằng xe ôtô.
"Nếu một người đảm bảo lái ôtô ra đường không làm ảnh hưởng đến người khác thì được cấp giấy phép. Điều này có nghĩa 100 người đi thi lái xe đều đạt chuẩn thì đều đỗ. Vậy vẫn phải cần thi lái xe nếu không tất cả đều được lái xe ra đường rất nguy hiểm", ông Trí lập luận.
Cần chú ý đến người tự học
Luật gia Dương Minh Kiều - phó chủ tịch Hội Luật gia quận Gò Vấp (TP.HCM), ủng hộ việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng kỳ thi này không phải kỳ thi chung của cả nước. Ông cũng cho rằng thời gian qua chúng ta không chú ý nhiều đến những người tự học.
"Cần phải giải quyết nhu cầu của người tự học ở nhà. Việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT do hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm. Các trường cao đẳng có thể sử dụng giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT để xét tuyển", ông Kiều nói.
TS Nguyễn Kim Dung - viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng dự thảo luật có nêu việc tự học, tự học có hướng dẫn, hiện nay phong trào home schooling - tự học ở nhà đang rất phổ biến ở Việt Nam, trong khi học sinh tiểu học không có bằng tốt nghiệp mà chỉ có giấy chứng nhận.
"Nếu học sinh có khả năng tự học ở nhà có hướng dẫn cần được công nhận và được vào học chương trình THCS. Tránh tình trạng hiện nay không công nhận những trường hợp đó và mâu thuẩn với quy định học sinh có quyền tự học nêu trong dự thảo luật", bà Dung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận