05/01/2015 09:01 GMT+7

​Luật biểu tình phải khả thi

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - Tại phiên họp Chính phủ cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không đồng ý với đề nghị rút dự án Luật biểu tình ra khỏi chương trình nghị sự.

Ảnh: Việt Dũng
Ảnh: Việt Dũng

Chính phủ cũng đã nhất trí lùi thời điểm trình dự án Luật tiếp cận thông tin từ tháng 3 sang tháng 6-2015 vì cần được quy định chặt chẽ, phù hợp và có tính khả thi.

Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA phân tích về Luật biểu tình:

- Báo chí đưa tin Thủ tướng căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 khẳng định biểu tình là quyền con người và chỉ có thể bị hạn chế (nếu có) bằng luật mà thôi. Tôi ủng hộ quan điểm này của Thủ tướng vì nó là một trong những nguyên tắc bắt buộc của Hiến pháp.

Trước đó, xuất phát từ thực tế xã hội và đòi hỏi của công tác quản lý đất nước, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã đề nghị và dự án Luật biểu tình đã được đưa vào chương trình làm luật chính thức năm 2015 của Quốc hội.

Tôi đồng ý với Thủ tướng rằng quyền biểu tình, hay còn gọi là quyền tụ họp hòa bình, cần được quy định bằng một đạo luật được soạn thảo kỹ lưỡng và thận trọng, được ban hành bởi Quốc hội, là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân thì sẽ được nhân dân chấp nhận và dễ đi vào cuộc sống.

Chúng ta làm Luật biểu tình để đưa việc thực thi quyền này vào khuôn khổ luật pháp. Không có Luật biểu tình thì biểu tình vẫn xảy ra, vì người dân có nhu cầu, ví dụ những cuộc biểu tình về đất đai hay về biển Đông
Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Trong các quan hệ xã hội đúng là có những lĩnh vực được coi là nhạy cảm, phức tạp vì nó có thể tác động đến chính trị, quan hệ quốc tế, tôn giáo, thuần phong mỹ tục... Nhưng các quan hệ xã hội càng nhạy cảm, phức tạp thì càng cần có luật pháp điều chỉnh. 

Nhu cầu thực tế trong xã hội

Biểu tình không phải do có luật hay không có luật

Trong những năm qua, chúng ta thấy ở các nước xung quanh có nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn, kéo dài, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thậm chí dẫn đến bạo động hay bạo loạn.

Đó là những cuộc biểu tình vượt quá quy định, thậm chí trái pháp luật. Để khắc phục hiện tượng đó, các cơ quan có trách nhiệm cần phải tìm hiểu nguồn gốc và nguyên nhân của nó từ trong các mâu thuẫn xã hội, ví dụ những xung đột về chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo...

Tôi nghĩ rằng có những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bộc phát của một nhóm người nào đó, cộng đồng nào đó trong xã hội, chứ không phải là do có luật hay không có Luật biểu tình. 

* Thưa ông, nhìn ra thế giới thấy rằng nhiều quốc gia đã có khung pháp lý cho hoạt động biểu tình và biểu tình vẫn diễn ra bình thường ở nhiều nơi. Với nhìn nhận của cá nhân ông, biểu tình có thật sự phức tạp, nhạy cảm không?

- Chúng ta thấy một ví dụ điển hình nhất, đó là ngay sau Cách mạng Tháng Tám, trong tình hình hết sức phức tạp (thù trong giặc ngoài bao vây rất nguy hiểm, cả ba thứ giặc là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm hoành hành...), nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không bãi bỏ quyền biểu tình của người dân, trái lại ngày 13-9-1945 đã ra sắc lệnh quy định người dân biểu tình chỉ cần đăng ký trước 24 tiếng đồng hồ.

Từ năm 1945 đến nay, đã 70 năm trôi qua, trên thế giới và ở đất nước chúng ta đã có biết bao biến đổi, xã hội đã văn minh hơn rất nhiều và dân trí chắc chắn cao hơn ngày xưa (thời điểm Cách mạng Tháng Tám có tới khoảng 90% dân số không biết chữ), biểu tình không chỉ là quyền hiến định mà nó đã là quyền thông thường và phổ biến trên thế giới.

Quyền biểu tình hay quyền tụ họp một cách hòa bình là một nhu cầu thực tế trong xã hội. Có những cuộc biểu tình rất đông người tham gia nhưng cũng có cuộc chỉ của một nhóm nhỏ.

Biểu tình không chỉ là để chống đối, phản đối chính quyền như cách hiểu cực đoan của một số người. Biểu tình là bày tỏ thái độ, ví dụ Chính phủ đưa ra một chính sách mới rất tiến bộ thì có những người đứng ra biểu tình để ủng hộ và kêu gọi nhiều người khác cùng ủng hộ.

Ngược lại, nếu Chính phủ đưa ra một chính sách hoặc dự thảo chính sách nào đó bị một số người phản đối thì người ta cũng đứng ra để phản đối chính sách đó. Cũng có những cuộc biểu tình chỉ để bày tỏ nguyện vọng, chính kiến. Dù với nội dung, mục đích gì, đã thực hiện nơi công cộng phải tuân thủ luật pháp, nếu không sẽ bị xử lý.

* Có nghĩa rằng không phải chúng ta làm luật để khuyến khích biểu tình?

- Đúng như vậy, chúng ta làm Luật biểu tình để đưa việc thực thi quyền này vào khuôn khổ luật pháp. Không có Luật biểu tình thì biểu tình vẫn xảy ra, vì người dân có nhu cầu, ví dụ những cuộc biểu tình về đất đai hay về biển Đông.

Khi ấy, người dân có quyền viện dẫn Hiến pháp để bảo vệ quyền của mình, nhưng việc biểu tình sẽ diễn ra tự phát, có lúc ảnh hưởng đến trật tự xã hội, giao thông, thậm chí vừa rồi có những người lợi dụng để cướp phá.

Trong một nhà nước pháp quyền, khi người dân có quyền hiến định và có nhu cầu thực thi quyền ấy thì nhà nước phải tạo ra hành lang pháp lý để việc thực thi những quyền ấy diễn ra trong trật tự, ổn định.

Tóm lại, chính vì có những lo ngại nên tới đây Quốc hội xem xét dự án Luật biểu tình phải đầu tư thích đáng, để có một đạo luật vừa phù hợp với xu hướng quốc tế, các chuẩn mực chung của quốc tế lại vừa phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của VN.

Khi chúng ta đã có luật rồi thì hoạt động biểu tình sẽ rất rõ ràng, những gì vượt quá và vi phạm quy định của luật đều bị xử lý. Một đạo luật tốt sẽ vừa giúp người biểu tình thực hiện quyền hiến định của mình, bảo vệ quyền hiến định của mình lại vừa giúp chính quyền giữ gìn được trật tự, an toàn xã hội và đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ trong lĩnh vực này.

Công khai, minh bạch giúp Nhà nước thuận lợi hơn

* Luật biểu tình ngoài quy định quyền có quy định gì về trách nhiệm pháp lý của người tổ chức và tham gia?

- Nếu có Luật biểu tình, người ta biết được khi biểu tình thì phải đăng ký ở đâu, để biểu tình thì phải đăng ký nội dung, mục đích biểu tình, sử dụng khẩu hiệu gì, bao nhiêu người tham gia, do ai tổ chức, nếu có vi phạm thì ai chịu trách nhiệm.

Nhà nước sẽ quy định các địa điểm nào cho người dân biểu tình, làm sao để thực hiện quyền của mình mà không ảnh hưởng đến quyền của người khác, lợi ích của xã hội. Khi ấy, biểu tình chẳng những là quyền mà còn là trách nhiệm pháp lý của những người tổ chức và tham gia. Những quy định công khai, minh bạch và cụ thể sẽ giúp Nhà nước thuận lợi trong công tác quản lý và xử lý, người dân thuận lợi trong việc thực hiện quyền của mình.

Ngoài ra, người dân có nhiều cách khác nhau để biểu thị tâm tư, nguyện vọng của mình. Có thể thông qua các đoàn thể, các hiệp hội bằng cách gửi thư từ, kiến nghị hay gửi đơn khiếu nại, tố cáo. Không phải ai và bất cứ lúc nào cũng sử dụng quyền tụ họp và bày tỏ nơi công cộng.

Cuối cùng, cần nói thêm cho rõ là theo luật pháp quốc tế, quyền con người cũng được phân chia thành nhiều loại: có những quyền tuyệt đối, không được phép hạn chế (như quyền không bị tra tấn, quyền không bị buộc làm nô lệ), nhưng cũng có những quyền tương đối mà Nhà nước được hạn chế trong những điều kiện hay tình huống do luật định, ví dụ khi có tình hình khẩn cấp, vì an ninh quốc gia hay vì lợi ích cộng đồng.

Quyền biểu tình là một trong những quyền thuộc loại tương đối, do đó Nhà nước có quyền điều tiết, điều chỉnh hay hạn chế, tuy nhiên chỉ ở mức độ thật cần thiết và phải quy định bằng luật.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên