Ông Cho Kuk (giữa) trong vòng vây báo chí Hàn Quốc - Ảnh: KOREA HER
Vụ việc nhiều khả năng khiến ông Cho Kuk không được bổ nhiệm nhưng còn tệ hơn, nó đã động tới "thiên đình" và có thể đe dọa chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Ông Moon bị phe đối lập trong Quốc hội Hàn Quốc cáo buộc cố tình làm gia tăng căng thẳng với Nhật Bản trong cuộc thương chiến để đánh lạc hướng dư luận khỏi vụ bê bối của cấp dưới.
Theo Korea Herald, ông Cho, vốn là thư ký cấp cao của ông Moon trước khi được đề cử làm bộ trưởng, bị tình nghi dùng ảnh hưởng của ông để ghi tên con gái mình là tác giả chính một luận văn về y khoa, khi cô này vừa học xong cấp III và mới làm thực tập sinh hai tuần ở một viện y khoa.
Nhờ luận văn đó, con gái ông Cho, hiện 28 tuổi, được nhận vào Đại học Hàn Quốc, một trong những trường tư hàng đầu trong nước. Cô cũng được nhận vào Trường y Busan sau khi tốt nghiệp đại học và còn được học bổng.
Vụ việc thêm phức tạp bởi ông Cho, trong vai trò giáo sư luật ở Đại học Quốc gia Seoul (SNU), vốn nổi tiếng là người tranh đấu cho bình đẳng cơ hội trong giáo dục và từng đòi chấm dứt hệ thống các trường tinh hoa.
Năm 2012, ông viết trên Facebook rằng học bổng chỉ nên được trao cho những người thực sự cần về mặt tài chính và tuyên bố đã nói với các con ông là chúng đừng nghĩ tới học bổng, vì nhà ông thuộc diện khá giả rồi.
Tài sản của gia đình ông, theo kê khai tài chính để làm bộ trưởng tư pháp, tương đương 5,6 tỉ won (hơn 4,6 triệu USD). Thế nhưng con gái ông Cho đã được nhận một học bổng 9.900 USD trong thời gian học y ở Busan. "Trường hợp này chỉ một lần nữa cho thấy sự lỏng lẻo về mặt đạo đức của giới tinh hoa Hàn Quốc" - báo Korea Herald viết.
Ở một đất nước mà kỳ thi đầu vào đại học gian khổ và trọng đại như Hàn Quốc, vụ việc ngay lập tức làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận.
Nhật báo lớn nhất nước Chosun Ilbo nói hàng trăm sinh viên ở SNU và Đại học Hàn Quốc đã xuống đường tuần hành cuối tuần trước đòi ông Cho phải rút lui khỏi vị trí ứng viên bộ trưởng, cũng như từ chức giáo sư luật học của ông ở SNU.
"Những nhà lãnh đạo chính quyền đã xem thường đất nước để cứu Cho Kuk. Họ quyết định chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo Hàn - Nhật… vốn là một phần cơ bản của liên minh Hàn - Mỹ và hợp tác an ninh Hàn - Mỹ - Nhật" - nghị sĩ Na Kyung Won, lãnh đạo phe đối lập Đảng Hàn Quốc tự do, nói hôm 25-8.
Chosun Ilbo cũng đăng một bài xã luận cho rằng chính quyền ông Moon có thể đã chấm dứt thỏa thuận chia sẻ an ninh để khuấy động tình cảm chống Nhật trong dân chúng, khi mà người dân đang nổi giận vì vụ bê bối Cho Kuk.
Tuy nhiên, Phủ tổng thống Hàn Quốc ra một tuyên bố nói không có liên hệ giữa vụ đề cử Cho Kuk và vụ chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản, vốn được đưa ra ngày 24-8.
Thỏa thuận ký năm 2016 này cho phép hai bên chia sẻ các thông tin quân sự nhạy cảm liên quan tới các vụ thử tên lửa và năng lực hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Báo Nhật Bản Nikkei dẫn lời giáo sư khoa học chính trị Shin Yul ở Đại học Myongji, Hàn Quốc nói sự thay đổi lập trường nhanh chóng của chính quyền quả là có kỳ lạ: "Tôi không hiểu sao chính quyền lại thay đổi lập trường về thỏa thuận này đột ngột như thế. Người ta cho rằng quyết định này có thể chịu ảnh hưởng từ vụ Cho Kuk, và quả có thể như thế".
Tất cả lộn xộn xảy ra trong bối cảnh sự ủng hộ Tổng thống Moon đang suy giảm. Một cuộc thăm dò mới đây của Gallup cho thấy tỉ lệ tín nhiệm với ông Moon giảm còn 45% vào tuần thứ 4 của tháng 8, và tỉ lệ bất tín nhiệm với ông tăng lên 49% từ 43%.
Một cuộc thăm dò khác của nhật báo JoongAng Ilbo cho thấy 60,2% người trả lời nói họ phản đối việc bổ nhiệm ông Cho, chỉ 27,2% vẫn ủng hộ quyết định đó. Phiên điều trần để thông qua cho ông Cho dự kiến diễn ra vào ngày 2 và 3-9 tới, theo Korea Herald.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận