Thuận lợi và thách thức cho gạo Việt xuất khẩu trong tương lai đều rất lớn. Giá lúa cao, nông dân mừng nhưng vẫn nặng lo cho tương lai.
Tư duy mới cho đầu ra
Giá gạo xuất khẩu hiện nay có tăng cao do một số nguyên nhân khách quan. Nhưng phải công tâm nhìn nhận nhiều thời điểm thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp hoặc gặp thách thức đòi hỏi sự vượt lên. Các quốc gia lúc trước chỉ sản xuất gạo đủ tiêu dùng trong nước, nay nổi lên cạnh tranh xuất khẩu...
Thị trường Trung Quốc ngay khi thỏa thuận những hợp đồng nhập khẩu họ đã đòi hỏi truy xuất nguồn gốc.
Tiêu chuẩn nhập khẩu các quốc gia châu Âu, Mỹ càng ngày càng trở nên khắt khe hơn. Liên minh châu Âu (EU) đã cấp hạn ngạch với thuế suất 0% cho ta qua EVFTA, nhưng gạo vào được châu Âu không phải dễ, phải hội đủ mấy trăm tiêu chuẩn.
Thị trường Mỹ, Nhật cũng vậy. Nếu gạo không đạt chuẩn có thể bị trả về như thường. Một viễn cảnh khó khăn cho cây lúa trong tương lai xa là có thực.
Nếu chỉ trông chờ vào xuất khẩu nguyên liệu gạo thô cũng sẽ gặp khó khăn về lâu về dài. Ngành nông nghiệp, công thương lẫn địa phương và cả nông dân đều chưa sẵn sàng cho một giải pháp tiêu thụ lúa cho nông dân một cách có bài bản, căn cơ. Trong đó có việc chú trọng hơn với thị trường trong nước.
Cần một cơ chế nông vụ
Đông xuân là vụ mùa mà người nông dân mong chờ, là vụ lúa ăn chắc ở ĐBSCL, lúa ít chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết (như mưa nhiều, bão, sâu rầy). Thực tế trong nhiều năm qua năng suất lúa có thể cho tới 7-8 tấn/ha (cao hơn so với vụ hè thu). Nhưng nông dân phải tự bơi trong "biển giá" của thương lái.
Có thời điểm Nhà nước quy định giá sàn là 5.500 đồng/kg, qua thương lái nông dân chỉ bán được 4.900 - 5.100 đồng/kg thôi. Cây lúa luôn ở trong tình trạng bất ổn, người trồng lúa biết bao giờ mới khá lên được!
Gạo vụ này đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu thế giới. Tuy nhiên, trong cơ chế xuất khẩu cũng nên cân nhắc diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL. Vượt quá giới hạn cho phép cho dù là lúa chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường thế giới cũng sẽ gặp khó khăn thị phần.
Một vấn đề sống còn nữa là không thể tồn tại tư duy một năm ba vụ lúa chất lượng cao và diện tích gieo trồng năm sau cao hơn năm trước, nếu chúng ta muốn xuất khẩu gạo với giá cao.
Ngoài ra, ngày nào ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhận được vốn vay của Ngân hàng Thế giới thì phải hướng dẫn cho nông dân sản xuất khí phát thải nông nghiệp thấp. Đây là một trong nhiều giải pháp góp phần ổn định đầu ra của lúa.
Một thương hiệu cho gạo Việt, chờ đến bao giờ?
Tạo một thương hiệu cho một nông sản, nhiều quốc gia trên thế giới thường cần khoảng thời gian 10 năm. Việt Nam xuất khẩu gạo khoảng 30 năm nay vẫn chưa có một thương hiệu nổi bật trên thế giới là một thiếu sót lớn.
Nhiều người đi nước ngoài về có kể lại rằng ở nơi có gạo Việt Nam hiện diện đồng thời có gạo của nhiều nước, nhất là Thái Lan với bao bì in nhiều biểu tượng bắt mắt, dễ nhìn cũng như nhiều thứ tiếng để cạnh tranh.
Tuy rằng tạo thương hiệu gạo Việt là chặng đường không ngắn. Nhưng với quyết tâm, tầm nhìn từ nhiều phía, việc đưa đề án "Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 5-2015 sẽ trở nên hiện thực để góp phần xuất khẩu bền vững cho gạo Việt.
Hiện tại bộ giống lúa thơm ST25 (hai lần đoạt giải nhất "gạo ngon nhất thế giới") là gạo xuất khẩu có thể cạnh tranh với gạo Basmati trồng ở Ấn Độ và Pakistan; gạo Khao Dawk Mali hay Jasmine trồng ở Thái Lan.
Nên chăng theo ý kiến của GS Võ Tòng Xuân, Bộ NN&PTNT chọn giống gạo này để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam như cách làm thành công của Thái Lan chọn gạo Hom Mali.
Đầu tư vào chuỗi giá trị gia tăng
Cần đa dạng hóa doanh nghiệp liên kết đầu tư vào nông nghiệp làm nền tảng tạo ra giá trị gia tăng hạt gạo. Tập đoàn Lộc Trời cũng đang trên đường tạo chuỗi giá trị gia tăng cho hạt gạo bằng nhiều sản phẩm chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã. Vài tập đoàn bắt đầu đầu tư cho nông nghiệp. Tất cả chỉ mới bắt đầu nhưng đây là hướng đi căn cơ và bền vững, phù hợp với tình hình xuất khẩu gạo thô càng ngày càng khó khăn.
Khi tư duy đầu ra của lúa không còn đặt cây lúa trên giá trị nguyên liệu thô mà là chuỗi giá trị gia tăng đa dạng và phong phú, lúc ấy giá lúa sẽ khá hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận