16/09/2024 12:08 GMT+7

Lũ miền Tây đang lên nhanh, vài ngày tới sẽ vượt báo động 1

LÊ PHAN
và 1 tác giả khác

Hiện tại nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, khoảng ngày 21 đến 22-9, mực nước lũ tại trạm Tân Châu, trạm Châu Đốc khả năng lên trên mức báo động 1 (3-3,5m).

Lũ miền Tây đang lên nhanh, vài ngày tới sẽ vượt báo động 1 - Ảnh 1.

Dự báo lũ miền Tây vượt báo động 1 trong vài ngày tới - Ảnh: V.T.

Hiện nay, mực nước sông Mê Kông đang lên nhanh. Mực nước tại một số trạm chính như sau: Mukdahan (Thái Lan) 11,01m, Pakse (Lào) 10,8m, Stung Treng (Campuchia) 9,06m, Kratie (Campuchia) 19,34m, Phnom Penh Port (Campuchia) 6,15m, Phnom Penh Bassac (Campuchia) 7,4m. Do đó trên hệ thống sông này sẽ có lũ.

Nguyên nhân do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau đó nên khu vực thượng nguồn những ngày qua có mưa lớn, tích nước nhiều.

Nước sông Cửu Long lên nhanh

Nước đầu nguồn đang lên nên nước sông Cửu Long cũng lên nhanh, mực nước cao nhất đến 7h ngày 16-9 tại Tân Châu (trên sông Tiền đạt 2,52m), trạm Châu Đốc (trên sông Hậu đạt 2,41m).

Trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường rằm tháng 8 âm lịch nên mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Khoảng ngày 21 đến 22-9, mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu, Châu Đốc có khả năng lên trên mức báo động từ 0,1-0,2m.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu.

Lũ các sông ở Bắc Bộ đang rút

Trong khi đó, sáng 16-9, lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh) và sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) đang xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động (BĐ) 2, sông Thương (tỉnh Bắc Giang) đã xuống dưới mức BĐ 2.

Dự báo trong chiều nay, lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống dưới mức BĐ 2 và trên BĐ 1, còn lũ sông Thương tại Phủ Lạng Thương tiếp tục xuống và vẫn ở trên mức BĐ 1.

Trong đêm nay đến sáng mai, lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu tiếp tục xuống dưới BĐ 2 và trên BĐ 1, còn lũ trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức BĐ 1.

Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng chậm nên tình trạng ngập còn diễn ra tại các vùng trũng, thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.

Với diễn biến mưa giảm được dự báo trong những ngày tới thì tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ dần được cải thiện.

Thời gian nước rút ở vùng trũng thấp ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) từ 7-9 ngày, ven sông Tích khoảng 4-6 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 1-2 ngày, sông Nhuệ từ 1-2 ngày.

Khu vực ngoài đê hạ lưu sông Hồng - Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài từ 3-4 ngày, đối với các vùng không chủ động tiêu thoát thì khả năng kéo dài hơn.

Năm nay lũ Đồng bằng sông Cửu Long đến vào khoảng giữa tháng 10

Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết đỉnh lũ năm tại tại miền Tây khả năng xuất hiện từ ngày 17 đến 21-10.

Từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12, mực nước tại các trạm sẽ xuống nhanh và chuyển sang chế độ triều.

Lũ sông Cửu Long đang lên nhanh, vượt báo động 1 vài ngày tới - Ảnh 2.Nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ

Các tỉnh phía Bắc đang chịu thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ gây ra. Các cơ sở y tế tại nhiều tỉnh thành đang tập trung nguồn lực cứu nạn nhân chấn thương do sạt lở, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên