01/12/2014 10:02 GMT+7

​Lữ đoàn “ứng cứu”

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
ĐĂNG NAM - TẤN VŨ

TT - Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, lữ đoàn công binh 270 còn là đơn vị sẵn sàng xông pha đến với người dân trong lúc thiên tai hoạn nạn

Lữ đoàn công binh 270 bắc cầu phao cho dân qua sông sau sự cố gãy cầu Gò Nổi (Quảng Nam) - Ảnh: Thanh Hoàng
Lữ đoàn công binh 270 bắc cầu phao cho dân qua sông sau sự cố gãy cầu Gò Nổi (Quảng Nam) - Ảnh: Thanh Hoàng

Đơn vị công binh 270 (thuộc Quân khu 5, đóng quân tại Phú Ninh, Quảng Nam) có sẵn một tiểu đoàn công binh vượt sông với trang thiết bị hiện đại.

Chạy bộ, bơi lội là một phần tất yếu trong việc huấn luyện cơ bản cho người lính ở lữ đoàn này. Bởi để cứu người, giúp dân, đánh giặc ngoài trí tuệ, bản lĩnh thì việc đầu tiên là người lính phải khỏe.

Những cuộc giải cứu nghẹt thở

Hết lòng với dân

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết đơn vị đóng quân trên địa bàn nhưng lữ đoàn 270 đã hết lòng với người dân. Mỗi khi chính quyền tỉnh cần ứng cứu, kêu gọi quân khu là đơn vị sẵn sàng vào cuộc. Từ các cây cầu dân sinh đến những cuộc cứu dân trong bão lũ, thiên tai, lúc nào lữ đoàn cũng đi đầu. “Chính quyền và người dân Quảng Nam rất ghi nhớ điều đó. Đó vừa là phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, vừa thắt chặt tình quân dân, không phải thời chiến mà thời bình phẩm chất ấy cũng luôn được giữ gìn, phát huy” - ông Thu nói.

Quệt những giọt mồ hôi trên vầng trán sạm đen vì nắng, trung úy Nguyễn Tiến Oanh tươi cười: “Quen rồi anh ạ! Phải giữ thể lực ổn định thường xuyên thì mới hoàn thành nhiệm vụ được”.

11 năm trong quân ngũ, Oanh là một trong những tay lái xuồng cao tốc thượng hạng của đơn vị. Không một vùng sông nước nào tại khúc ruột miền Trung mà Oanh không biết đến.

Từ vùng nước sâu thượng nguồn sông Thu Bồn, đến vùng trũng nhất của sông Trà Khúc hay khúc ngoặt của sông Hương, vũng xoáy của sông Vu Gia... anh đều thuộc làu trong lòng bàn tay.

Oanh kể lại mới đây nhất mùa mưa tháng 11-2013, khi cơn lũ đổ về miền Trung, toàn bộ hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi chìm trong biển nước. 22g đêm, đơn vị nhận lệnh xuất phát cứu dân ở hai huyện Nghĩa Dõng và Nghĩa Phương của tỉnh Quảng Ngãi.

“Chiếc xuồng nhỏ của tôi phải luồn trong từng thôn xóm lúc đó khoảng 0g30 sáng. Đêm đen như mực, chiếc đèn pha như mù trước màn mưa. Nước cuộn xô thuyền đập vào nhà dân, có lúc bị đẩy ra bụi tre gai, không khéo thì bị nhận nước như chơi. Thuyền chìm mình chưa chắc thoát chết, còn trẻ em, người già thì coi như xong. Chính vì áp lực đó nên mình phải căng mắt hoàn thành công việc” - Oanh kể lại.

Đêm đó, trung úy Nguyễn Tiến Oanh và thiếu úy Phạm Tuấn Anh đã chạy hàng chục chuyến xuồng trong đêm đưa 64 người dân mắc kẹt trong vùng lũ về nơi trú ẩn an toàn. Sáng hôm sau, hơn 4 tấn hàng được lữ đoàn chuyển đến tay người dân an toàn để vượt qua đói rét trước khi chờ lũ rút.

Nhưng có lẽ chuyến giải cứu nghẹt thở nhất vẫn là cuộc lái xuồng qua thác dữ trên sông Đắk Mi để tìm cách cứu 18 phu vàng bị lũ quét bao vây vào tháng 9-2009. Sông Đắk Mi, một trong những con sông hung dữ nhất, nằm ở thượng nguồn sông Vu Gia.

Nước mưa cuồn cuộn đổ về, 18 phu vàng bị mắc kẹt phải leo lên đu bám trên một cành cây suốt đêm để khỏi bị cuốn trôi. Được lệnh khẩn cấp từ Quân khu 5, lữ đoàn công binh 270 lại vào cuộc. Trung úy Oanh là người được lệnh lái xuồng sang sông giải cứu.

“Con sông rộng khoảng 50m, hai bên trên dưới đều là ghềnh thác hung dữ, một cái lạch nhỏ đủ để con thuyền vượt qua. Chỉ cần sơ suất tay lái là bị vùi mất xác, trên thuyền tôi lại chở thủ trưởng Lê Chiêm, khi đó là thiếu tướng, phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu 5 nên càng căng thẳng hơn.

Sau khi qua đến bờ kia của con sông, tình huống không thể cứu bằng thuyền máy. Thủ trưởng Chiêm tức tốc điều trực thăng của sư đoàn không quân 372 và cuộc giải cứu nghẹt thở diễn ra an toàn” - Oanh kể lại.

Dân rất tin vào bộ đội

Hàng chục năm trong quân ngũ, từ người lính đến khi làm chỉ huy đơn vị, thượng tá Phạm Xuân Thi - tham mưu trưởng, phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn công binh 270 - không nhớ hết bao nhiêu lần mình đã tham gia cứu nạn, cứu hộ giúp dân.

Thượng tá Thi cho biết hằng năm khi mùa mưa lũ miền Trung bắt đầu là lúc đơn vị túc trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ.

“Cứ nghe dự báo thời tiết, có mưa lớn đổ về, mực nước sông có cấp báo động là đơn vị đã sẵn sàng xe cộ, xuồng, lương thực, thuốc men và quân trang đầy đủ trước sân để hành quân” - thượng tá Thi nói.

Ngoài những ngày bão lũ thì các tai nạn bất ngờ, bất kỳ ở biên giới hay vùng rừng sâu đơn vị lập tức có mặt. Vụ sập hầm vàng làm 11 phu vàng thiệt mạng tại khe Ma, thuộc huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) năm 2009 đơn vị phải cắt rừng có mặt ngay trong đêm.

Thượng tá Thi kể lại hiện trường khi đó toàn bộ cánh rừng sạt lở, dấu tích của khu lán trại chỉ còn là bãi sình lầy trơn trượt. Những người lính phải thay phiên nhau cuốc đất, vác đá tìm người vừa phải chống sạt lở, bởi trái núi có thể trượt xuống và vùi hàng trăm người đang cứu hộ bất cứ lúc nào.

Công việc tìm kiếm dưới mưa rất nguy hiểm, nhưng sau hai ngày mọi việc đã thành công. “Nhìn những anh em bàn tay rướm máu, ướt lạnh và kiệt sức nhưng công cuộc cứu dân không thể không hoàn thành. Bởi người dân rất tin tưởng vào bộ đội, mình phải làm hết sức vì niềm tin đó” - thượng tá Thi tâm sự.

Để có được những chiến sĩ khỏe và bản lĩnh, ngoài việc khám sức khỏe tuyển chọn vào quân ngũ theo tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng, đơn vị cũng có kế hoạch huấn luyện riêng của mình. Thao trường của những người lính ở lữ đoàn công binh 270 không phải là mô hình mà là thực địa.

Đặc biệt ở tiểu đoàn vượt sông 25, các chiến sĩ lái xuồng trước hết phải biết bơi, bơi khá. Chương trình huấn luyện các lái xuồng cũng hết sức khắc nghiệt, chiến sĩ lái xuồng phải chạy xuồng trên các bãi cọc được đóng sẵn dưới lòng sông và điều khiển con xuồng không phải đâm va, hỏng hóc.

Những chiến sĩ này còn phải luyện quăng dây chuẩn xác và cứu người đuối nước, hô hấp nhân tạo. Ngoài ra, người lính ở đây còn phải học cách buộc phao, vớt và quăng các thùng hàng cứu trợ, cứu người mắc kẹt trong các đống đổ nát...

Thiếu tá Đào Sỹ Thịnh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn công binh vượt sông 25, cho biết việc huấn luyện chiến sĩ ở đây không chuyên biệt như các chiến sĩ đặc công nước nhưng gian nan cũng không kém và đòi hỏi nhiều kỹ năng.

Chỉ những chiếc xe đặc chủng sạch sẽ, bóng lộn, trong tư thế sẵn sàng xuất phát, thiếu tá Thịnh tự hào: “Để tiến đến sự chuyên nghiệp, đơn vị có những phân đội riêng biệt về cứu hộ cứu nạn và phòng chống lụt bão cũng như phân đội cháy nổ, phân đội sẵn sàng chiến đấu. Mỗi lực lượng đều được trang bị riêng và huấn luyện theo cách của mình sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn cũng như các quốc gia khác”.

Chỉ tấm bản đồ địa hình của Quân khu 5 tại miền Trung, thiếu tá Thịnh cho rằng để đảm bảo cho việc lưu thông trên toàn địa bàn quân khu, đơn vị phải nắm rõ từng vị trí.

Điển hình là những cây cầu bị gãy trên địa bàn, như cầu Gò Nổi, phà Nông Sơn... ngay tức tốc, những chiếc cầu phao của đơn vị được đưa vào sử dụng và sự lưu thông của người dân lập tức trở lại bình thường.

“Bất kể sông dài ngắn, sâu cạn, nhiệm vụ của đơn vị là đảm bảo lưu thông được thông suốt. Vì vậy, tất cả phải sẵn sàng” - thiếu tá Thịnh khẳng định.

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên