Cuộc thi viết “Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ”Đại hội Thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời BácĐoàn tham gia phòng chống tội phạm
Phóng to |
Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM Lâm Đình Thắng (bìa trái) trao giải nhất cho bạn Đỗ Ngọc Quỳnh Như (bìa phải) và giải tập thể cho Quận đoàn Bình Thạnh - Ảnh: Q.L. |
Không chỉ là những dòng cảm xúc về hình ảnh những chiến sĩ được khắc tên cùng lịch sử, cuộc thi còn là những câu chuyện rất đời, rất thật của người lính giữa cuộc sống đời thường hôm nay.
Những dòng cảm xúc
Khắc họa rõ nét tình yêu nước Đã có 4.890 bài viết gửi về tham dự cuộc thi viết về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ. Kèm theo bài viết là nhiều hình ảnh, tư liệu, trích dẫn được các thí sinh chuẩn bị công phu, có người còn đóng thành tập mấy chục trang viết. Nhiều bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nguyên vẹn cảm xúc trong những ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. 11 cá nhân có bài thi xuất sắc nhất đã được nhận giải thưởng. Bạn Đỗ Ngọc Quỳnh Như (ĐH Sài Gòn) được trao giải nhất cuộc thi với bài viết về thành cổ Quảng Trị và liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Quận đoàn Bình Thạnh được nhận giải tập thể có nhiều bài dự thi nhất. Không chỉ có thí sinh TP.HCM, cuộc thi còn nhận được bài của thí sinh ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. “Những bài thi đã khắc họa rõ nét hình tượng người bộ đội nhưng cũng là của cả một quân đội có thể nói là duy nhất trên thế giới được thân thương gọi tên gắn liền với lãnh tụ - “bộ đội Cụ Hồ”, và ở đó còn khắc họa rõ nét tình yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay” - trưởng Ban tuyên giáo Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Thị Hương phát biểu. |
Chuyến thực tế đã đưa cô gái Đỗ Ngọc Quỳnh Như (ĐH Sài Gòn) ghé đến thành cổ Quảng Trị vào một buổi chiều tháng 3 của hai năm trước. Quỳnh Như kể cả đoàn của cô ai cũng rớt nước mắt và như thấm từng câu, từng chữ trong những câu chuyện lịch sử bên thành cổ Quảng Trị.
Trong chuyến đi ấy, cô gái bị ám ảnh mãi trước bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê Thái Bình) gửi người vợ mới cưới giữa những ngày mưa bom bão đạn năm 1972.
“Giữa lằn ranh sống chết như thế nhưng không có một dòng nào bi quan, anh chỉ nói về hai chữ hòa bình. Tôi nhớ nhất chính là anh đã dự cảm kỳ lạ nhưng rất chính xác về ngày hi sinh của mình, nhờ bức thư này mà sau đó gia đình đã tìm được hài cốt anh” - Như kể.
Và Quỳnh Như nói rằng lời thư mà liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết cho vợ “sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh” cũng chính là lời nhắn nhủ cho các bạn trẻ của ngày hôm nay.
Cảm thức ấy đã thôi thúc Như viết lại, giữa những se thắt như mới hôm qua khi được tận mắt chứng kiến bao hiện vật, hình ảnh bi thương của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ.
“Mình viết như một lời tri ân mà cũng là tự nhắc nhở chính mình về trách nhiệm với những người đã ngã xuống để dựng nên một đất nước VN độc lập” - Như chia sẻ.
Cô gái quê hương đất thép thành đồng Củ Chi Hà Yến Sang (ĐH Lao động - xã hội cơ sở 2), chọn viết về người lính Ngô Hồng Khanh giữa cuộc sống thời bình hôm nay.
Người lính ấy đã rời xa chiến trường hơn 40 năm, trong một gia đình có đến bốn người ruột thịt là liệt sĩ.
Chính ông đã khai gian hai tuổi để được ra chiến trường khi mới bước qua tuổi 18, mặc cho mẹ ngăn cản vì mất mát đã quá nhiều với bà.
Trở về cuộc sống đời thường, ông chăm lo làm ăn, chăm sóc người mẹ già cũng là mẹ VN anh hùng Võ Thị Hanh. Yến Sang thổn thức: “Tôi chưa bao giờ hình dung được chiến tranh ghê gớm đến nhường nào, tôi cũng chưa bao giờ dám tin rằng trên thế gian này có những con người không sợ chết cho đến khi tôi gặp được chú”.
Trong khi đó, bài thi của bạn Nguyễn Hữu Hoàng (Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM) lại bắt đầu bằng những lời “ghét cay ghét đắng” về người lính già cũng là chủ nhà trọ mà bạn đã ở suốt mấy năm qua. Hoàng kể lối sống kỷ luật quân đội mà bạn đã “bị” người lính già ấy áp dụng, rèn bạn như rèn quân. Nhưng Hoàng đã được chú dẫn vào công việc của một cựu chiến binh trong khu phố, cùng chia sẻ những câu chuyện theo lời Hoàng là “quốc gia đại sự”.
Rồi hình ảnh chủ nhà trọ nằm chờ cửa khi “thằng sinh viên ở trọ về muộn”. Để rồi sau ba năm ở đấy, chủ nhà trọ - người lính già đã trở thành “người đồng chí cộng sản của tôi, người đã cho tôi nhiều lý tưởng và hun đúc trong tôi nhiều niềm tin, nhiều suy nghĩ tích cực”.
Nhìn lại để sống tốt hơn
Như một lẽ tất yếu, cuộc thi là dịp để mỗi bạn trẻ nhìn lại bản thân, nhận rõ hơn trách nhiệm của mình để biết sống xứng đáng hơn với thế hệ cha anh.
Sau những trang viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bạn Phạm Quang Thuần (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Mình nhận ra mình không thể mãi chỉ biết sống và suy nghĩ cho riêng mình mà cần phải sống cho bạn bè, cho những người xung quanh nhiều hơn. Và mình đang từng ngày thay đổi chính cuộc sống của mình”.
Hà Yến Sang nghẹn ngào nói rằng bài học lớn nhất mà bạn nhận ra trong những cuộc gặp với chú Ngô Hồng Khanh không phải lòng kiên trung, bất khuất mà chính là “một trái tim yêu nước tha thiết” - điều luôn có và rất cần trong mỗi bạn trẻ hôm nay.
Hay cô bạn Đỗ Ngọc Quỳnh Như tự vấn: “Tôi chợt nhận ra mình quá yếu đuối trước những khó khăn nhỏ bé đôi lần gặp phải trong đời mà không hề biết rằng đã có những con người gạt đi đau thương, trước chông gai vẫn nở nụ cười đầy lạc quan và yêu đời. Tôi thật nhỏ bé và xấu hổ. Tôi phải thay đổi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận