Thương mại điện tử Việt Nam vẫn phổ biến giao dịch bằng tiền mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từng được xem là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái, Lotte.vn ra đời năm 2016 đã hoàn thiện đầy đủ các kênh bán hàng của tập đoàn Lotte tại Việt Nam từ hệ thống cửa hàng đến siêu thị, kênh bán hàng qua truyền hình, online, di động...
Rất quyết tâm, nhưng...
Năm 2016, để chinh phục thị trường Việt Nam, tập đoàn mẹ Lotte Hàn Quốc từng cho biết sẵn sàng dành 25 triệu USD xây dựng, phát triển mảng thương mại điện tử trong 3 năm. Thực tế Lotte đã đầu tư bao nhiêu chưa được công bố chính thức nhưng con số chắc chắn không nhỏ với hàng loạt hoạt động của Lotte.vn.
Thời điểm bắt đầu tham gia, đại diện Lotte.vn cho biết sự phát triển nhanh lượng người sử dụng điện thoại di động thông minh của người VN đã thúc đẩy tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc triển khai nhanh kế hoạch mở rộng mảng thương mại điện tử bằng việc ra mắt trang mua sắm Lotte.vn.
Trang mua sắm online mới sẽ cung cấp 100% sản phẩm trong hệ thống của tập đoàn với khoảng 50.000 nhóm hàng, hỗ trợ việc bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại Lottemart hiện đang rải khắp VN. Ngoài ra, trang cũng đẩy mạnh những sản phẩm thời trang và mỹ phẩm cao cấp từ hệ thống Lotte.
Tuy vậy, thương mại điện tử Việt Nam có nhiều đặc thù không giống với Hàn Quốc, nơi mà tập đoàn này đã rất thành công hơn 20 năm qua. Tại Hàn Quốc, 100% khách hàng mua online đều thanh toán không tiền mặt thì tại VN đến hơn 90% thanh toán bằng cách thức COD (nhận hàng mới chịu thanh toán bằng tiền mặt), chưa kể, độ tin cậy người tiêu dùng dành cho các trang bán hàng vẫn còn thấp.
Để đa dạng mặt hàng, Lotte.vn cũng tự cải tổ chuyển sang dạng marketplace nhằm cải thiện trải nghiệm mua sắm và đặt mục tiêu lọt vào top 4 những trang thương mại điện từ hàng đầu Việt Nam vào cuối năm 2019. Tuy vậy, đây vẫn có vẻ là nhiệm vụ bất khả thi bởi thực tế, Lotte.vn chưa bao giờ xuất hiện trong tốp 5 các website có lượng truy cập cao nhất.
Theo Iprice, trung bình lượng truy cập của sàn thương mại điện tử này trong quý 3-2019 chỉ đạt 965 ngàn lượt truy cập/tháng, đứng thứ 23, trong khi đó, top dẫn đầu luôn thuộc về Shopee, Lazada, Tiki, Sendo với lượng truy cập đạt được từ 25-35 triệu lượt triệu cập mỗi tháng. Các sàn này đã thiết lập được vị thế trên thị trường thương mại điện tử và ổn định tốp 5.
Sau một thời gian đua tranh, thị trường thương mại điện tử nhiều tiềm năng nhưng là cuộc đua "đốt tiền" không ngưng nghỉ đã khiến các đại gia phải chùng chân, thay đổi chiến lược kinh doanh.
Ngày 25-12, giám đốc Lotte.vn cho biết bắt đầu từ ngày 20-1-2019, website Lotte.vn sẽ ngừng hoạt động, mảng thương mại điện tử của Tập đoàn Lotte sẽ được chuyển giao về Công ty cổ phần trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (hay còn biết đến với chuỗi siêu thị Lotte Mart), toàn bộ công nợ với các đối tác sẽ được hoàn tất trước ngày 20-2-2019.
Thị trường 5 tỉ USD nhưng không dễ "chơi"
Trước Lotte.vn không lâu, tập đoàn Vingroup cũng đã sáp nhập Adayroi.com về VinID trong kế hoạch tái cơ cấu, tập trung cho lĩnh vực công nghiệp - công nghệ, rút lui khỏi mảng bán lẻ một cách đột ngột.
Không chỉ Lotte.vn, hồi tháng 3-2019, Robins.vn thuộc sở hữu của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) cũng đã bất ngờ đóng với lời hứa hẹn sẽ quay lại phục vụ khách hàng với mô hình hấp dẫn và đa dạng hơn trong thời gian sớm nhất.
Robins.vn ra mắt tháng 5-2017 sau sự hợp nhất với trang Zalora, chuyên bán lẻ các sản phầm từ quần áo, giày dép, phụ kiện, làm đẹp.. Việc đóng cửa thời điểm đó cũng tạo cú sốc nhẹ cho thị trường và đến nay chưa có động tĩnh nào.
Báo cáo e-economy SEA 2019 do Google, Temasak và Bain & Company ghi nhận giá trị thương mại điện tử ở Việt Nam năm 2019 trị giá 5 tỉ USD nhưng sẽ lên đến con số 23 tỉ USD vào năm 2025. Tuy vậy, đây vẫn là cuộc đua đốt tiền để có những kỳ lân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận