09/02/2021 10:21 GMT+7

Lớp học của thầy - trò 'siêu đẳng'

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Ở lớp học thể thao này có những học trò mới 5-6 tuổi nhưng đã có đai nâu karatedo, có thể bơi liên tục 2km ngoài sông, hồ. Còn thầy giáo là bác sĩ quân y tương lai mới ở độ tuổi 22 nhưng có thể múa côn như gió và học siêu giỏi.

Lớp học của thầy - trò siêu đẳng - Ảnh 1.

Phạm Tuấn Thành cùng các học viên nhí ở lớp côn nhị khúc do anh huấn luyện - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

Sân trường Học viện Quân y (Hà Nội) là nơi diễn ra lớp học có những học viên như thế. Tất cả các học viên, từ em nhỏ đến người U60, đều được huấn luyện bởi "thầy" Phạm Tuấn Thành. 

Nổi tiếng trong cộng đồng tập luyện côn nhị khúc tại Việt Nam, Tuấn Thành còn được biết đến là một sinh viên y khoa xuất sắc, một HLV tâm huyết.

Học sinh giỏi quốc gia mê võ thuật

Phạm Tuấn Thành (sinh năm 1999) hiện đang là học viên năm thứ 4 ngành bác sĩ đa khoa Học viện Quân y - ngôi trường có điểm số đầu vào cao hàng đầu Việt Nam trong các kỳ tuyển sinh đại học.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Điện Biên xa xôi nhưng Thành sớm có niềm đam mê với thể thao, đặc biệt là võ thuật. Năm 4 tuổi, anh đã theo học karatedo, sau đó là cầu lông rồi đến boxing. 

Phạm Tuấn Thành thị phạm cho các học viên nhí tại khuôn viên Học viện Quân Y - Video: KHƯƠNG XUÂN

Thời là học sinh phổ thông, Thành thường xuyên tham dự các cuộc thi đấu thể thao dành cho học sinh của tỉnh Điện Biên và liên tục giành HCV, giải ba quốc gia ở môn cầu lông... Sang cấp 3, Thành tìm hiểu và tập luyện thêm môn côn nhị khúc và sau 6 năm cũng trở thành "cao thủ võ lâm" trong giới này. 

Anh còn là học sinh giỏi quốc gia môn toán, thi đỗ Học viện Quân y với 28,25 điểm.

Lớp học của thầy - trò siêu đẳng - Ảnh 3.

Phạm Tuấn Thành ngày mới thi đỗ vào Học viện Quân y và được đưa lên Trường Sĩ quan Lục quân 1 để huấn luyện - Ảnh: NVCC

Tuấn Thành chia sẻ: "Bố tôi làm dược sĩ trong quân đội, mẹ là giáo viên và ý định ban đầu của tôi là thi Học viện An ninh. Dù vậy cơ duyên đã đưa tôi đến với ngành y để trở thành bác sĩ quân y. 

Ở Học viện Quân y chúng tôi được đào tạo 6,5 năm. Sáu tháng đầu khi nhập học, chúng tôi được đưa đi huấn luyện tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 - đây là giai đoạn khó khăn, vất vả nhất đời tôi. Lịch trình một ngày thường bắt đầu lúc 4h- 5h sáng và kết thúc lúc 21h với hoạt động dày đặc: đi thao trường (bắn súng, ném lựu đạn, hành quân), tăng gia sản xuất (tưới rau, bón phân…).

Kết thúc đợt huấn luyện này chúng tôi mới về Học viện Quân y bước vào quá trình học tập. Là sinh viên y khoa việc học chuyên môn rất nặng nên tất cả các học viên đều phải nỗ lực.

Buổi sáng 6h30 tôi đã có mặt tại bệnh viện để thực tập, chiều lên giảng đường, tối về điểm danh và học bài đến 12h đêm. Hàng tuần chúng tôi đều phải trực một đêm trong bệnh viện, đi gác đêm. Khi trực đêm, tôi sẽ trực từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, công việc là làm việc của một điều dưỡng và học việc của một bác sĩ".

Huấn luyện viên côn nhị khúc "đắt hàng"

Say mê với công việc học tập để trở thành một bác sĩ quân y nhưng niềm đam mê thể thao của Tuấn Thành vẫn cháy rừng rực.

Suốt 6 năm qua, anh đã tìm hiểu và tập luyện côn nhị khúc tới đẳng cấp cao. Không chỉ để rèn luyện sức khỏe, tính cách, Thành còn giúp các bạn cùng trường có cơ hội tập thể thao. Anh còn dạy miễn phí môn thể thao này cho những người có nhu cầu, từ cậu bé mới lên 5 đến người ngấp nghé 60.

Anh Quang Anh - phụ huynh của bé Đại An (8 tuổi) cho biết là dân học võ, anh đã tìm hiểu nhiều nơi nhưng quyết định tìm đến thầy Thành vì: "Thầy Thành có trình độ rất cao, huấn luyện nhiệt tình. Từ khi con đi học côn nhị khúc, thể lực cải thiện rất nhiều và quan trọng nhất môn thể thao này giúp con có thể kiểm soát tính cách".

"Trước đây tôi thi vào Học viện An ninh nhưng được trường cử sang Học viện Quân y đào tạo bác sĩ đa khoa. Tôi chơi rất nhiều môn thể thao, giờ học côn thấy rất thú vị. Côn nhị khúc rèn luyện sức khỏe, sự linh hoạt, nhanh nhẹn và biểu diễn cũng rất đẹp mắt", Nguyễn Hải Nam (học viên năm 2 ngành bác sĩ đa khoa - Học viện Quân y), chia sẻ.

Lớp học của thầy - trò siêu đẳng - Ảnh 4.

Những em nhỏ say mê đường côn của thầy Thành. Trong ảnh là bé Đại An (8 tuổi) đang được thầy Thành hướng dẫn một động tác khó - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

Thành nói vì quá bận nên rất nhiều người đăng ký xin học nhưng anh không có thời gian để dạy hết. Sân trường Học viên Quân y chính là nơi hàng tuần anh thị phạm cho các học viên. 

Từ chỗ lạ mắt, giờ thì học viên, giảng viên Học viện Quân y đã quá quen với hình ảnh dạy võ của Tuấn Thành. Những màn đánh côn đẹp mắt như trong phim hành động của Thành và các học viên làm những người đi qua không thể rời mắt.

Lớp học của thầy - trò siêu đẳng - Ảnh 5.

Lớp học côn nhị khúc của thầy Thành tại sân trường Học viện Quân y thu hút sự chú ý của nhiều người - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

Mơ ước trở thành bác sĩ nội trú

Tuấn Thành chia sẻ: "Côn nhị khúc là một binh khí vừa cương vừa nhu, tập luyện nó tốn rất nhiều sức lực, góp phần cải thiện thể chất, rèn luyện ý chí, tính bền bỉ và sự linh hoạt.

Côn nhị khúc ra đời từ Nhật Bản nhưng được thế giới biết đến qua diễn viên điện ảnh Lý Tiểu Long (Trung Quốc). Ở Việt Nam không có môn phái võ thuật nào nghiên cứu, dạy chuyên sâu về côn nhị khúc mà chủ yếu tự phát. 

Sáu năm trước khi tập côn nhị khúc, tôi bắt đầu tìm hiểu kiến thức về nó, lên mạng học kỹ thuật bài bản từ các cao thủ của Trung Quốc. 

Côn nhị khúc cũng như đa phần ôn võ là có nội dung biểu diễn và chiến đấu. Tôi tập trung chủ yếu vào nội dung biểu diễn, còn nội dung thực chiến chủ yếu để phòng vệ".

Lớp học của thầy - trò siêu đẳng - Ảnh 6.

Hàng ngày từ 6h30 sáng Thành đã có mặt tại Bệnh viện Quân y 103 để thực tập công việc của một bác sĩ đa khoa - Ảnh: NVCC

Thành cho biết số học viên anh đã đào tạo sau 2 năm giờ cũng lên tới 70 người. Những clip quay lại các bài hướng dẫn tập côn nhị khúc, bài biểu diễn của Tuấn Thành đăng trên youtube thu hút nhiều người xem, tán thưởng.

Mong muốn của Tuấn Thành trong tương lai là tiếp tục được chơi, dạy côn nhị khúc. Quan trọng hơn, anh mơ ước có thể trở thành bác sĩ nội trú, sau này giúp sức cho y học quân đội.

Lớp học của thầy - trò siêu đẳng - Ảnh 7.

Lê Trọng Huy (bé Sói) là học trò ưu tú của thầy Thành. Trọng Huy được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là cậu bé nhỏ tuổi nhất Việt Nam biểu diễn thành công 6 thử thách với quyền côn nhị khúc - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

Học trò 8 tuổi cũng là "cao thủ"

Một trong những học trò xuất sắc của Phạm Tuấn Thành là bé Lê Trọng Huy (8 tuổi), học sinh lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (Hà Nội).

Bé Huy được nhiều người biết đến sau khi tham gia cuộc thi truyền hình "Siêu tài năng nhí 2020". Với màn biểu diễn côn nhị khúc siêu đẳng như: dùng côn để mở nắp chai, tắt nến, bật diêm… Lê Trọng Huy khiến nhiều người kinh ngạc. Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận Lê Trọng Huy là cậu bé nhỏ tuổi nhất Việt Nam biểu diễn thành công 6 thử thách với quyền côn nhị khúc.

Tất cả những kỹ thuật trình diễn côn nhị khúc mà Huy có được đều do thầy Thành huấn luyện. Có những chương trình thầy Thành cũng có mặt để hỗ trợ Huy ghi hình, thực hiện thử thách.

Anh Kiên - bố của Huy, cho biết con mình đam mê thể thao. Huy tập luyện karatedo khi mới 4 tuổi và giờ đã có đai nâu. Ngoài ra, Huy còn tập taekwondo, bơi đường dài…

Cộng đồng bơi đường dài tại Việt Nam không xa lạ gì với Huy (tên thường gọi là bé Sói) cách đây vài năm bởi những thử thách mà em đã vượt qua. Từ khi mới 5-6 tuổi, Huy đã được bố đưa ra giữa hồ Tây rồi thả xuống, sau đó em có thể tự bơi vào bờ.

Trong các cuộc đi bơi ở các sông, hồ tại miền bắc, anh Kiên cũng thường xuyên cho Huy đi theo để bơi. Huy đã từng bơi 2km liên tục từ khi 6-7 tuổi.

Hành trang của tôi luôn có cây côn nhị khúc Hành trang của tôi luôn có cây côn nhị khúc

TTO - Chắc hẳn mọi người sẽ rất lạ lùng về điều này bởi kỳ thủ cờ vua thì phải dính đến bàn cờ, quân cờ, chứ làm gì là cây côn nhị khúc. Nhưng đây là sự thật bởi ngoài cờ vua, tôi còn đạt đẳng cấp nhất đẳng huyền đai môn võ taekwondo.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên