Phóng to |
Giữ gìn một biểu tượngTự tình của NS Trần Tiến: Từ một ngọn cờ...Để cứu lấy những điều tốt đẹp
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng:
29-9-2013. Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, bộ phim "Người cộng sự" với câu chuyện về chuyến vượt đại dương tìm đường cứu nước của chí sĩ Phan Bội Châu đã để lại trong lòng người xem nhiều suy ngẫm không chỉ về những sự kiện đã xảy ra trong lịch sử mà còn về câu chuyện đầy ắp tình người giữa hai quốc gia. Xem phim xong, tôi tự hỏi: Lòng yêu nước trong thời bình là gì?
Tôi biết đến ba chữ "Lòng yêu nước" là năm lên 7, trong cuốn sách"Những tâm hồn cao thượng" của nhà văn người Ý Edmon De Amicis mà ba tôi tặng. Đó là câu chuyện kể về một cậu bé 11 tuổi người Ý,trên chuyến tàu về quê được ba người khách nước ngoài cho một số tiền để cậu kể chuyện vui cho đỡ buồn. Nhưng ngay sau đó, khi nghe được ba du khách đó bình phẩm và lăng nhục quê hương mình là bẩn thỉu, dốt nát và ăn cắp, câu đã quăng trả lại tiền và hét to “Hãy cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những kẻ lăng mạ nước ta!" .
Ở cái tuổi lên 7, trí óc non nớt của tôi chưa thể hiểu ngay lập tức về một khái niệm quá trừu tượng cũngnhư chưa hề trải qua cảm giác tự hào dân tộc để có thể hiểu được sự giận dữ khi lòng tự hào đó bị lăng mạ là như thế nào. Khi có tiền, cậu bé đã vô cùng sung sướng và định dùng số tiền đó để ăn no, mua quần áo mới, và biếu bố mẹ. Cảm giác khoan khoái đó chắc là không dễ dàng dễ đánh đổi với một đứa bé 11 tuổi. Vậy mà, cậu đã sẵn sàng vứt trả lại. Lúc đó, tôi nghĩ "Lòng yêu nước" chắc phải là một cảm xúc rất mãnh liệt.
Theo thời gian, tôi vẫn vô thức đi tìm cho mình một định nghĩa về lòng yêu nước nhưng đã không được thỏa mãn. Nó phải là một sức mạnh thôi thúc cuồn cuộn từ bên trong chứ không chỉ là cảm xúc có được khi hát quốc ca hay khi nghe kể về sự hi sinh của những người đi trước.
Sự tìm kiếm đó cứ dai dẳng cho đến năm 21 tuổi, tôi lên đường sang Nhật Bản du học. Ở đất nước này, khi gọi tên, người ta đặt vào bên cạnh tên tôi một chữ nữa: Việt Nam. Họ gọi tôi là em Oanh người Việt Nam. Khi tôi học giỏi hơn anh bạn người Đức và anh bạn người Nepal thì được cô giáo khen người Việt Nam chăm chỉ. Khi tôi mặc kimono viếng đền Ise trong dịp đầu năm mới, các cụ già hỏi con là người Okinawa à, tôi lắc đầu, không, con là người Việt Nam. Họ cười trìu mến, cầm tay tôi lắc lắc. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu, cảm giác tự hào khi khẳng định về nguồn gốc của mình ở một nơi xa lạ chính là Lòng yêu nước.
Bạn đã từng bao giờ có cảm giác đó chưa?
Nếu bạn chưa có dịp đi nước ngoài để trải nghiệm cảm giác đó thì cũng không sao. Cảm giác đó chắc cũng sẽ tương tự như khi bạn biết Ngô Bảo Châu là người Việt Nam đầu tiên đạt giải Fields hay chỉ đơn giản là lúc bạn xem trận bóng đá quốc tế có đội Việt Nam thi đấu, hay là khi bạn đứng trước những cánh đồng xanh rì với cánh cò trắng muốt, thấy lòng ngập tràn niềm tự hào vì mình là chủ nhân của mảnh đất xinh đẹp này. Tôi nghĩ, đó chắc chắn là Lòng yêu nước.
Thế nhưng, nếu cảm xúc đó chỉ dừng lại ở mức độ thừa nhận và tán thưởng những giá trị sẵn có mà không do chính mình tạo ra thì có thể chưa trở thành máu thịt của mình. Một người phụ nữ Nhật Bản đã dạy cho tôi điều đó. Cô là chủ của một tiệm sách cũ. Tôi hay ghé qua tiệm sách của cô để mua vài cuốn sách mỏng và lúc nào cũng được giảm giá. Ngày tôi chuẩn bị về nước, cô tặng tôi một quyển sách rất quý. Quá xúc động, tôi hỏi, cô ơi, vì sao cô tốt với con quá vậy.
Cô vuốt tóc tôi và nói "Vì con là một người Việt Nam dễ thương và vì cô là một người Nhật Bản yêu nước. Trong một năm qua, cô biết con đã trải qua nhiều điều mới lạ. Cá nhân cô muốn góp thêm một hành động tốt đẹp để nuôi dưỡng tâm hồn của con, để về nước. con sẽ nhớ và yêu Nhật Bản hơn. Biết đâu mai này con sẽ trở thành chiếc cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam. Là một người Nhật Bản, cô sẽ cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. "
Tôi không khóc nhưng trong lòng lại chấn động mạnh. Một cái gì đó vượt quá sức tưởng tượng của tuổi 21. Trong một thành phố nhỏ,tại một tiệm sách nhỏ, có một người bán sách bình thường đang nỗ lực để nuôi dưỡng và gây dựng tình yêu của một người nước ngoài dành cho quê hương của mình. Lòng yêu nước với tôi lúc đó không còn là một khái niệm trừu tượng như hồi lên 7. Nó thật sự rất cụ thể và rất cá nhân.
Bạn đã từng làm một điều tốt cho một người nước ngoài, không phải chỉ là để tạo mối quan hệ cho cá nhân bạn, mà vì bạn muốn thông qua bạn, họ sẽ tôn trọng và yêu mến người Việt Nam chưa?
Chúng ta đang sống trong thời bình. Chiến tranh chỉ còn trong ký ức của ông bà và cha mẹ. Thế hệ chúng ta không cần thể hiện lòng yêu nước bằng việc đấu tranh giành độc lập dân tộc như các thế hệ trước. Vậy thì cần thể hiện như thế nào?
Tháng 6-2013, ở Saitama, một thành phố đông dân của Nhật Bản đã đăng một tấm bảng bằng tiếng Việt, nội dung ghi rõ: "Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạm tù dưới 10 năm" . Tấm bảng đó chưa hẳn là dành cho tất cả người Việt Nam đang sống ở Nhật. Nhưng rõ ràng là, ở một đất nước tự tôn như Nhật Bản, tấm bảng đó chắc hẳn được viết sau khi được cân nhắc rất kỹ và vượt qua giới hạn của sự tôn trọng.
Chúng ta, những người Việt Nam yêu nước, phải làm gì?
Trách những người đã, đang và sẽ có ý định ăn cắp vặt ở Nhật Bản ư? Họ cũng đáng trách nhưng đáng thương nhiều hơn vì thật sự chẳng ai muốn có ngày mình sẽ rơi vào cảnh bần cùng sinh đạo tặc. Họ còn đáng thương ở chỗ đi nước ngoài mà không được trang bị đầy đủ về vật chất và kiến thức về lòng tự trọng. Chúng ta thực sự không thể đòi hỏi ở họ lòng yêu nước. Những người nào đó, đang gieo vào đầu họ ý nghĩ rằng, cứ qua Nhật, bằng cách nào đó, cũng sẽ tồn tại và có tiền, mới thực sự là những người đáng trách.
Việt Nam đang hội nhập với thế giới. Nhưng chúng ta đang hội nhập với thế giới bằng cái gì? Cà phê, phở, du học sinh và xuất khẩu lao động…? Dù là gì đi nữa, chúng ta cần chăm chút và gửi đi những sản phẩm đạt chất lượng cao, đặc biệt là những sản phẩm về con người. Những sản phẩm đó phải thể hiện được khí chất của người Việt Nam mà bao đời nay bao xương máu đã đổ ra để gìn giữ.
Có khó quá không nếu trong mọi hành động, mỗi người đều ý thức điều mình đang làm có phần nào liên quan đến quê hương xứ sở, đến giá trị của dân tộc?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận