17/10/2013 04:50 GMT+7

Giữ gìn một biểu tượng

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

* LTS: Niềm vui, niềm cảm động trước sự hướng thượng của cộng đồng trong loạt bài “Để cứu lấy những điều tốt đẹp” (Tuổi Trẻ ngày 15, 16-10) đã nhận được rất nhiều email chia sẻ của bạn đọc - không hẹn mà tất cả cùng nói về sự thức tỉnh, cùng bày tỏ sự cần thiết của một cuộc chấn hưng văn hóa.

Tuổi Trẻ giới thiệu thêm ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và một người trẻ.

TT - Chấn hưng văn hóa từ đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Tôi có chung suy nghĩ này cùng nhà văn Nguyên Ngọc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi.

aNnEgQIH.jpgPhóng to
Một thành viên trong đoàn tỉnh Điện Biên tới viếng xúc động giữ tấm hình kỷ niệm mình được chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa khi Đại tướng về thăm lại Điện Biên - Ảnh: Việt Dũng

Chuyến đi cuối cùng của Đại tướng là chiến công vĩ đại cuối cùng của ông. Ông muốn và đã được trở về đất mẹ như một người thường, không phải như một vĩ tướng, vĩ nhân được chôn cất ở một nơi riêng biệt, cách xa họ hàng, người thân, gia đình. Như sinh thời ông đã nói nếu không làm tướng thì ông vẫn sẽ làm một người thầy giáo, nghĩa là làm một người bình thường. Di nguyện được chôn cất ở quê nhà của Đại tướng mãi khi ông nằm xuống toàn dân mới hay, và toàn dân càng thấy ông vĩ đại tiếp tục và thêm lên cả trong cái chết.

Nhưng hơn thế nữa, chiến công cuối cùng của ông sáng lên ở sức lay động lòng dân. Ông nằm xuống và người dân đứng lên. Người nối người không dứt ở Hà Nội, ở Quảng Bình, ở Sài Gòn, ở khắp nhiều nơi trong cả nước, để tiếc thương ông, để tiếc nuối thời ông, để lay động thời nay. Chiến công vĩ đại cuối cùng của Đại tướng bằng cái chết của mình đã cố kết lòng dân, khơi lại sức mạnh tinh thần của người dân, làm sống lại những giá trị nhân văn tốt đẹp và thổi lên một niềm hi vọng chấn hưng văn hóa cho xã hội chúng ta.

Hành động để tang của người dân là tự phát nhìn từ bên ngoài nhưng nhìn từ bên trong là tự giác, nghĩa là người dân xuất phát từ tấm lòng yêu kính vị Đại tướng của nhân dân, tấm lòng này chung cho tất cả mọi người dân VN, từ đó họ đã tự nguyện thống nhất bày tỏ lòng mình theo cách đẹp nhất, tử tế nhất. Trong đám tang Đại tướng, người dân đã kiên nhẫn, thành kính xếp hàng viếng ông không theo lời hô của ai cả, mà theo mệnh lệnh của tấm lòng, trái tim mình. Đặc biệt ở đây lớp trẻ đã chứng tỏ họ biết sống đẹp, sống tốt khi có một chuẩn mực để làm theo, một tấm gương để noi theo, và nhất là một môi trường để bộc lộ đúng mình. Cơ bản những người trẻ muốn có những giá trị thật giúp họ vững tin vào mình. Họ đã làm tất cả những điều tốt đẹp trong những ngày lễ tang Đại tướng vì họ tin những giá trị của/ từ Đại tướng được lan truyền qua các thế hệ cha ông là thật, là đúng, là đáng tin. Bằng hành động của mình họ khẳng định điều đó. Và cũng bằng hành động của mình họ đã cho thấy môi trường để phát huy và lan tỏa những giá trị vững bền đó. Rất đáng trân trọng những giọt nước mắt của những người trẻ đã rơi trước sự ra đi của Đại tướng. Họ khóc vì họ không muốn bị bơ vơ. Lịch sử bây giờ là của họ. Nhưng không có lịch sử nào bắt đầu từ hư vô, chỗ trống. Chấn hưng văn hóa thật sự là trách nhiệm ở mỗi người, mà lớn nhất là những người có trách nhiệm đối với lịch sử và hiện tại của đất nước.

Từ bao lâu nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là niềm tin của nhân dân, của dân tộc. Từ niềm tin, ông đã thành hình tượng, từ hình tượng thành biểu tượng, và từ biểu tượng ông đã thành thần tượng. Người dân già trẻ khóc Đại tướng là khóc cho niềm tin-hình tượng-biểu tượng-thần tượng xuyên suốt ấy. Khóc mà mong một sự vãn hồi. Chấn hưng văn hóa là giữ gìn một biểu tượng khỏi thất truyền!

Cần sự thức tỉnh

Đối với thế hệ chúng tôi - thế hệ sinh vào đêm trước Đổi mới, những ngày toàn quốc để tang Đại tướng là những ngày đặc biệt. Chưa bao giờ chúng tôi được tận mắt chứng kiến cái đẹp, cái thiện lương của quốc dân mình được bộc lộ một cách tự nhiên, tự nguyện, rạng rỡ và rộng khắp đến vậy. Điều đáng nói là tuổi trẻ cả nước, trong những ngày qua, đã trở thành hiện thân tiêu biểu của cái đẹp ấy. Sự hồn nhiên, sáng tạo của họ cho thấy rằng: tuổi trẻ không thờ ơ, hời hợt như lâu nay nhiều người vẫn bi quan; trái lại, họ sâu sắc và có khả năng đồng cảm với những ý nguyện, khát vọng chung của thế hệ trước. Lần đầu tiên trong đời tôi thật sự thấm thía ý nghĩa của hai tiếng đồng bào mà nhiều bạn trẻ đã sử dụng một cách hết sức tự nhiên trên đường phố Hoàng Diệu... Rõ ràng, sự ra đi của một vĩ nhân đã giúp chúng ta nhìn ra một sự thật khác: sau bao thập kỷ thăng trầm của dân tộc, những giá trị đẹp đẽ nhất, tinh tế nhất chưa hề mất đi. Nó chỉ tạm thời bị chìm khuất vì những lý do nào đó và sẵn sàng ló dạng, hồi sinh khi được kích thích, nâng đỡ.

Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để sự lương thiện, tử tế như thế này thấm vào hành vi đời thường của người VN? Thấm vào một cách tự nhiên mà không cần bất cứ một sự kiện xúc tác nào? Nói khác đi, làm thế nào để sự tử tế, lương thiện trở thành một lẽ thường tình của cuộc sống? Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần một sự thức tỉnh để tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình, để qua đó điều chỉnh phong hóa dân tộc, lối sống dân tộc trên tinh thần hướng thượng, bác ái và khoan dung? Hơn bao giờ hết, những câu hỏi này cần phải được toàn xã hội cùng tìm kiếm câu trả lời một cách cấp bách, khẩn trương, rốt ráo.

Xây bảo tàng là hợp lòng dân

Nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc trong ngày 16-10 đã cho rằng việc xây dựng bảo tàng Võ Nguyên Giáp là rất hợp lòng dân. Bạn đọc Nguyễn Công viết: “Từ khi Đại tướng qua đời, hàng vạn người đã tự nguyện đến viếng Đại tướng tại nhà riêng. Từ đó tôi đã nghĩ ngay đến việc xây dựng bảo tàng Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu, may sao lại trùng với ý kiến của nhiều người. Nếu các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng ý với đề nghị của chúng tôi thì quả là hợp lòng dân”.

Bên cạnh đó, bạn đọc tiếp tục đề xuất thêm những cách tưởng niệm khác với Đại tướng:

Phố Võ Nguyên Giáp

Trong lòng người dân VN, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng của nhân dân và đứng vào hàng ngũ những Anh hùng dân tộc của lịch sử mấy ngàn năm giữ nước và dựng nước. Xin được đề xuất con đường đặt tên là phố Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội sẽ gồm phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi. Phố này khởi đầu từ Bảo tàng Lịch sử và nối với phố Điện Biên Phủ, nơi có Bảo tàng Quân đội và hướng tới quảng trường Ba Đình, nơi đặt lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Như vậy, phố được đặt tên Võ Nguyên Giáp sẽ nằm trong quần thể các phố mang tên các vị vua, các danh tướng như Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Ngô Quyền, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... Đó cũng là đường phố từng in dấu chân những chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong trở về giải phóng thủ đô sau những ngày tham chiến góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ đánh bại đội quân viễn chinh Pháp. Cũng trên con đường đó, các chiến sĩ Quân đội nhân dân VN đã từng áp giải những toán tù binh Mỹ và nhiều cuộc duyệt binh, diễu binh, tuần hành đã diễn ra vào những dịp lễ hội mừng ngày độc lập, mừng chiến thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước...

Phố Võ Nguyên Giáp là một trong những đường phố đẹp nhất tại thủ đô, trái tim của cả nước. Người dân từ trẻ thơ cho tới người già và từ mọi miền Tổ quốc hay bạn bè năm châu đến thăm Hà Nội đều có thể dạo bước trên đường phố mang tên Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc sống mãi trong lòng người dân VN.

Học viện truyền tinh hoa binh pháp

Tôi cũng như bao người khác cùng mong muốn tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài ba về quân sự có những nhân phẩm vượt trội, được gắn liền với một công trình xứng với tầm vóc của ông. Tôi nghĩ một học viện quân sự Võ Nguyên Giáp ra đời là cần thiết để lưu danh ông, đồng thời là nơi truyền tải cho các thế hệ sau những tinh hoa binh pháp của ông, đặc biệt là tinh thần vì nước vì dân của ông. Học viện Võ Nguyên Giáp sẽ là nơi đào tạo các binh chủng thuộc quân sự, trong đó có các khoa như: binh pháp Võ Nguyên Giáp, quản trị quân sự, luật hiến binh (tòa án quân sự), tin học - truyền thông quân sự, cơ khí chế tạo vũ khí, chiến lược quân sự...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Để cứu lấy những điều tốt đẹpXây bảo tàng mới xứng tầm Đại tướngThành phố Võ Nguyên Giáp, mai này...Ý tưởng Bảo tàng Đại tướngĐề nghị thành lập Bảo tàng Võ Nguyên Giáp

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên