Phóng to |
Giáo dục sẽ góp phần khơi dậy và hình thành sự hướng thiện, cái tốt đẹp trong mỗi người. Trong ảnh: các bạn học sinh TP.HCM đến chăm sóc, vui chơi với trẻ em khuyết tật tại các mái ấm, nhà mở của TP - Ảnh:Q.Linh |
Quả cảm phải thể hiện qua hành động
Không thể phủ nhận thực tế là chất mạnh mẽ, khảng khái của đấng nam nhi ngày nay có vấn đề, nếu không muốn nói là “tụt hậu” so với thế hệ cha anh. Không ít chàng trai tuổi đôi mươi ngày nay dường như quên bồi đắp cho mình khí chất đàn ông cần có, thậm chí lại thích tạo dựng cho mình hình ảnh “yểu điệu thục nữ”.
Cách chăm chút con quá đáng của nhiều cha mẹ đã mở đường cho sự hình thành nhân cách lệch lạc. Không ít nam sinh cấp III vẫn còn được chăm chút từng miếng ăn cái mặc. Nhiều nam sinh viên chưa tự lo được những việc cơ bản trong cuộc sống hằng ngày, cái gì cũng “gọi cha réo mẹ”... Có thể lỗi không hoàn toàn ở họ khi họ đang sống trong một không gian và chịu ảnh hưởng bởi nhiều giá trị đang bị đảo lộn.
Tôi không đòi hỏi các chàng trai phải luôn xả thân bao bọc, phải galăng, mạnh mẽ trên mọi phương diện. Cái chính là họ phải có tinh thần dũng cảm, hiểu được vai trò, vị thế của mình. Sự mạnh mẽ phải từ trong ý nghĩ chứ không chỉ là một hành động đơn thuần. Sự chín chắn phải từ trong cách nghĩ, cách làm chứ không phải thể hiện phô trương, lấy điểm. Tôi quý các chàng trai ở sự khảng khái, bản lĩnh. Sự quả cảm phải mang tính cộng đồng, mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ trong tầng nấc nhất định. Trong mắt tôi, tinh thần quả cảm là dám chịu trách nhiệm, dám thể hiện ý nghĩ, bản chất của mình bằng hành động, qua đó chỉnh sửa, tôn tạo một bản chất đàn ông đích thực.
Phải biết đánh thức
Tôi thấy có hai câu chuyện gần đây đáng để chúng ta suy ngẫm. “Chuyện của Tèo” (Tuổi Trẻ 24-10) kể về một học sinh THPT con “đại gia” được trang bị những gì tốt nhất nhưng em từ chối đi học bằng “xế hộp” và trung thành với “xế điếc”. Em giấu gia đình giúp bà cụ bán hàng rong trước cổng trường suốt hai năm. “Tôi vào đời bằng sự giả dối” (Tuổi Trẻ 25-10) lại là chuyện một thanh niên 25 tuổi gia đình cũng khá giả, quen biết rộng, được cha mẹ lo hết mọi thứ, chỗ làm cũng được sắp đặt sẵn, anh tự ái với bản thân nhưng không dám vượt rào.
Như vậy, nếu chúng ta đổ lỗi cho người lớn e không ổn. Vì cùng được gia đình bảo bọc như nhau song một học sinh cấp III vẫn chọn được cách sống ý nghĩa. Hoàn cảnh, điều kiện sống chỉ là phần nhỏ. Suy nghĩ và hành động mới đóng vai trò quyết định. Chuyện của Tèo hẳn đã làm nhiều người thay đổi suy nghĩ con nhà giàu hay tự cao, khinh người.
Rồi từng có câu chuyện cậu bé 12 tuổi dũng cảm lao xuống nước cứu năm bạn gái khỏi bị chết đuối, vậy mà khi được hỏi em trả lời rất vô tư rằng thấy người bị nạn thì cứu chứ không nghĩ ngợi gì. Nhưng ngay giữa đường của TP lớn nhất nước, khi ông giám đốc bị kẻ cướp giật túi xách làm rơi 50 triệu đồng ra đường thì chỉ vài người giúp ông nhặt lại, trong khi số đông (phần lớn còn rất trẻ) lại tranh thủ “hôi của”.
Nên nhận thức không phụ thuộc vào tuổi tác, nó xuất phát từ trái tim biết yêu thương và sống hết mình với tình yêu đó. Điều chúng ta cần làm là thổi bùng lên cái tốt và phải làm ngay vì phê phán, chỉ trích đã nhiều rồi. Hãy đưa nhiều gương người thật việc thật vào các tiết giáo dục công dân trong trường học như câu chuyện cứu người của Nguyễn Văn Nam từng được đưa vào đề thi tốt nghiệp môn văn vậy.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Nỗi lòng phe tóc dài...Chớ nhầm hiệp sĩ với anh hùng rơmNhững chàng trai “vượt qua chính mình”Dũng cảm đấu tranh với chính mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận