21/11/2013 06:40 GMT+7

Chớ nhầm hiệp sĩ với anh hùng rơm

TRƯƠNG DUY KHÁNH (Biên Hòa, Đồng Nai)
TRƯƠNG DUY KHÁNH (Biên Hòa, Đồng Nai)

TT - Tôi đồng ý với ông Phạm Xuân Nguyên. Kẻ mạnh không phải khoe khoang, khoe mẽ. Kẻ mạnh càng không phải kẻ dùng nanh vuốt để thị uy hay lăng mạ, sát hại đồng loại. Kẻ mạnh phải là kẻ dùng sức mạnh chân chính để bảo vệ sự bình an cho mọi người và cho chính mình.

Tìm kiếm tinh thần quả cảm

KcMXw0cR.jpgPhóng to
Người mạnh mẽ là người biết bảo bọc người yếu thế. Trong ảnh: ông Vũ Duy Hải - một doanh nhân - nhận bảo trợ cho em Trần Mộng Kha - sinh viên nghèo - trong chương trình “Tiếp sức đến trường” 2013 của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Chí Quốc

Xã hội đang có nhiều thay đổi là liên tục phát triển. Những thay đổi ấy kéo theo sự nhìn nhận về giá trị đạo đức, đời sống khi luận bàn về tư chất, nhân cách con người. Và với tốc độ phát triển chóng mặt trên nhiều phương diện đời sống như hiện nay, nhiều người bị lầm lẫn giữa tinh thần nghĩa hiệp với thói anh hùng rơm lố bịch.

Nhất là trong giới trẻ. Một bộ phận không nhỏ những người làm trai hiện đang coi những giá trị ảo là mẫu mực để xây dựng mình thành một trang hảo hán trong mắt người khác. Lên mạng xã hội khoe những chiến tích game online, vung tiền vào những cuộc chơi vô bổ để khẳng định vị thế đại gia, phóng xe bạt mạng và coi đó là thích cảm giác mạnh mà bất chấp an nguy của người khác và làm tổn thương những giá trị của đời sống văn minh, sẵn sàng tử chiến cùng đối thủ với đủ loại hàng nóng theo kiểu mạnh được yếu thua hoang dã. Những hành động ấy - thật không may - lại được tiếp sức, cổ vũ bởi không ít những đám người ăn theo, như kiểu “hội những người phát cuồng vì...” gì gì đó.

Có những bạn trẻ còn “can đảm” lên mạng xã hội trưng bày việc chửi cha mắng mẹ, đâm xe chết người hoặc trèo lên đầu tượng đài, ngồi lên mộ liệt sĩ... làm những chuyện ngược đời và đáng xấu hổ nhưng lại mong bàn dân thiên hạ nhấn nút “like”, chú ý tới mình. Ấy vậy nhưng khi bị lên án, bị “ném đá” thì lặn mất tăm, hiện nguyên hình là kẻ hèn nhát. Có lẽ họ đã nghĩ mình dám nghĩ dám làm, dám làm dám chịu. Nhưng họ không biết sự khác nhau giữa hiệp sĩ và anh hùng rơm; không phân biệt được sự dũng cảm với sự liều lĩnh; sự chín chắn với hành động thiếu suy nghĩ.

Câu chuyện của cậu học sinh Nguyễn Văn Nam (Đô Lương, Nghệ An) một mình cứu năm em nhỏ suýt chết đuối đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ về tinh thần quả cảm, xả thân vì người khác. Và còn biết bao nhiêu tấm gương hiệp sĩ như Nam, chẳng cần phô trương, chẳng cần “câu like” mà vẫn sống mãi với thời gian, trở thành những hình mẫu của đấng nam nhi đại trượng phu thời hiện đại.

Diễn đàn Tinh thần quả cảm đã nhận được bài viết của các bạn Thái Hàn, Trương Duy Khánh, Lê Hồng Phú, Ngoc Nguyen, Lưu Đình Long, Hữu Chơn... Bài viết tham gia diễn đàn xin gửi về nhipsongtre@tuoitre.com.vn. Cuối bài viết, xin tác giả để lại tên và số tài khoản hoặc địa chỉ để thuận tiện cho việc chuyển nhuận bút. Xin cảm ơn.
TRƯƠNG DUY KHÁNH (Biên Hòa, Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên