08/10/2020 10:02 GMT+7

Long, 'kỹ sư tay ngang'

NGUYÊN AN - MAI VINH
NGUYÊN AN - MAI VINH

TTO - Chẳng trải qua một trường lớp bài bản hay khóa học nghề nào nhưng Nguyễn Kim Long (30 tuổi, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) là tác giả của hàng chục máy tự động phân loại cà chua, gieo hạt, xay đất…

Long, kỹ sư tay ngang - Ảnh 1.

Kim Long theo dõi quá trình chế tạo máy móc chặt chẽ để có thể điều chỉnh, nâng cấp cho sản phẩm sau đó - Ảnh: NGUYÊN AN

Những sáng tạo của "kỹ sư tay ngang" đã hỗ trợ hiệu quả cho hàng trăm nông dân vùng nông sản Đơn Dương trên con đường trở thành những người "nông dân nhàn nhã" .

"Kỹ sư tay ngang" là cách những người của ruộng đồng xứ Đơn Dương quý mến mà gọi, Long chưa từng nhận mình là kỹ sư. Long đơn giản là người thiết kế những máy nông cơ tự động với giá phù hợp để giải quyết những khâu tốn quá nhiều lao động trên cánh đồng. 

Với Long, không cần định danh anh là gì, chỉ cần gắn tên Long với những chiếc máy nông cơ vừa đủ dùng, bền bỉ và chạy êm như cái tính kiệm lời của anh.

Tự học từ ruộng

Vừa tròn 30 tuổi nhưng Kim Long đã có 15 năm lăn lộn, làm nhiều nghề ở các thành phố lớn. Để rồi khi quay trở về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, Long quyết định gắn bó với nông nghiệp.

Vì nhiều lý do khác nhau, Long dừng quãng đường học hành của mình ở lớp 9. "Nghỉ học không có nghĩa là không học nữa. Mình vốn yêu thích lĩnh vực điện tử, công nghệ nên từ nhỏ đã dành nhiều thời gian để đọc sách, tham khảo thông tin rồi vừa làm vừa học, nghiên cứu từng chi tiết, từng linh kiện..." - Long chia sẻ.

Công nghệ máy tự động phát triển thêm một bậc khi Long học thêm cách viết phần mềm nhúng vào các linh kiện. Vùng đất Đơn Dương quê hương Long chính là một trong những nơi sản xuất rau thương phẩm hàng đầu của Lâm Đồng, đặc biệt là cà chua. 

Long kể kỷ niệm về chiếc máy khởi nghiệp tại quê hương: "Biết mình từng làm về cơ khí, có người anh đến hỏi mày có làm được cái máy phân loại cà chua không? Mình vừa gật đầu thì anh ấy đưa ngay cho mình 50 triệu làm vốn sản xuất". Sự rộng rãi của người làm nông ở đất Đơn Dương đã giúp Long thêm động lực để đi sâu vào nghề chế tạo các máy nông cơ tự động.

Từng món đồ nghề phải đi mượn, nhà xưởng không có nên phải mất một tháng để Kim Long làm ra chiếc máy phân loại cà chua dựa trên những kinh nghiệm, hiểu biết và quan sát của bản thân. Mất thêm một tháng để vừa vận hành, sửa chữa, khắc phục nhược điểm, thế nên sản phẩm làm ra "chẳng giống ai cả".

Nhận thấy nhược điểm của máy phân loại cà chua ở thời điểm đó là qua hệ thống trái cà chua bị xoắn, gây mềm trái, vận chuyển đi xa bị giập, thối, Kim Long liền khắc phục bằng việc sử dụng cao su mềm làm băng chuyền, dùng dây nhựa tạo thành hệ thống tách quả đơn, theo các khe lớn, nhỏ… 

Mỗi chiếc máy hoàn thành trong 10 - 15 ngày tùy theo độ khó và quy mô. Công suất của máy mà Long đã chế tạo có thể giúp phân loại 20 tấn cà chua/ngày hoặc hơn nữa tùy điều chỉnh tốc độ. Mẫu mã của từng sản phẩm cũng có tính công nghiệp hơn, bớt bị lép vế khi để cạnh những hệ thống máy công nghiệp nhập khẩu.

Tròn 2 năm bắt tay vào sản xuất theo đặt hàng của khách hàng, hiện Kim Long cung cấp khoảng 50 chiếc máy các loại bao gồm máy phân loại cà chua, máy gieo hạt, máy vào vỉ, máy xay đất…cung cấp cho nhiều đơn vị sản xuất và sơ chế nông sản lớn nhỏ khắp Lâm Đồng.

Cơ khí, lập trình: "song kiếm hợp bích"

Thế nhưng một chiếc máy nông cơ có tuổi thọ đến chục năm, nghĩa là sẽ đến lúc thị trường bão hòa, không có đơn đặt hàng nữa. "Có thể chỉ là cuối năm nay thôi, hầu hết các cơ sở, các vựa đều có máy này rồi", Kim Long xác định. 

Thế là bước sang một tầm cao hơn, Kim Long hướng tới sản xuất máy có trang bị hệ thống điện tử, giúp phân loại nhiều loại nông sản khác nhau theo kích thước và màu sắc thông qua hệ thống camera nhận diện tự động.

Theo tìm hiểu của Long, các loại máy này trên thị trường đã có sẵn, nhưng là hàng nhập khẩu, chi phí lớn, chỉ phù hợp với các công ty lớn. Những cơ sở nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp khó mua nổi dù rất muốn. 

Để thử nghiệm, chàng trai trẻ đã tự mình chế tạo một chiếc máy nhỏ, đưa vào phân tích các mẫu quả cà chua, chanh dây, kiwi… kết quả chính xác đến khoảng 80 - 90%.

Dữ liệu trích xuất từ camera sau khi phân tích qua hệ thống cảm biến đo lường các vật thể cần nhận diện, dữ liệu được gửi đến vi xử lý phân tích. Sau khi có kết quả dữ liệu sẽ được gửi về một thiết bị PLC (programmable logic controller - thiết bị điều khiển cho phép người dùng lập trình) để điều khiển các động cơ thông qua một hệ thống chuyển đổi. 

Chi phí cho chiếc máy như vậy theo Kim Long trung bình chỉ khoảng 150 triệu đồng. Điều quan trọng nhất là sẽ tiết kiệm được thời gian và cả chi phí nhân công. Kim Long và cộng sự cũng đã lên kế hoạch chi tiết để tiến tới sản xuất hàng loạt, đưa ra giới thiệu trên thị trường. 

Những thiết kế ban đầu đã hoàn thành, Long hào hứng bởi "kỹ sư tay ngang" này sắp cho ra đời những máy đa năng đầu tiên được sản xuất tại Lâm Đồng dựa trên việc kết hợp cơ khí và lập trình tin học.

Bàn làm việc của Kim Long thật khác với hình dung của nhiều người. Đấy là chiếc bàn không quá nhỏ được bố trí ngay trong xưởng sản xuất. Kim Long bảo toàn bộ ý tưởng được hình thành trong đầu. 

Mỗi lúc nghĩ ra một chi tiết nào đó anh thường đến ngay chiếc máy tính hoặc đích thân ra xưởng, trực tiếp chế tạo. Từ lúc chiếc bàn thiết kế đặt ở giữa xưởng, số lượng máy phải bảo hành chuyển về xưởng ít hẳn. Long cười: "Đoạn đường từ ý tưởng tới thực tế ngắn lại thì có vẻ rủi ro, tổn thất cũng giảm đi".

Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác

Nguyễn Kim Long là một trong bảy thanh niên tỉnh Lâm Đồng tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn quốc lần thứ VI năm 2020. Bên cạnh đó, mỗi năm Nguyễn Kim Long hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho thanh niên tại địa phương. Anh còn là điển hình tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

Đề tài "Nghiên cứu chế tạo các loại máy nông nghiệp thiết kế theo yêu cầu" của Kim Long cũng đoạt giải nhất Hội thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, năm 2019.

Nữ kỹ sư phần mềm trẻ ở Google: Nữ kỹ sư phần mềm trẻ ở Google: 'Đừng giống những ứng viên khác'

TTO - Cô gái trẻ Đỗ Thị Bảo Lộc hiện là kỹ sư phần mềm cho Công ty Google tại thành phố Waterloo (Canada). Lộc từng tốt nghiệp với điểm số GPA 4.0 đứng đầu tất cả các môn học ở Trường cao đẳng cộng đồng Orange Coast College (California, Mỹ).

NGUYÊN AN - MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên