20/08/2007 11:06 GMT+7

Lòng hiếu thảo làm ấm áp cuộc đời

Theo NGUYÊN HÀ, Người lao động
Theo NGUYÊN HÀ, Người lao động

Hiếu thuận với ông bà, cha mẹ không phải là điều xa vời mà xuất phát từ những việc làm thiết thực hằng ngày, từ tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc và nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn.

dNGzMFNB.jpgPhóng to
Thanh Tú, một người con hiếu thảo của tỉnh Bến Tre - đang chăm sóc mẹ. Ảnh: NG. ĐỨC
Hiếu thuận với ông bà, cha mẹ không phải là điều xa vời mà xuất phát từ những việc làm thiết thực hằng ngày, từ tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc và nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn.

Cũng từ ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “hiếu thảo”, từ năm 1995, Báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức “Liên hoan đại biểu con cháu hiếu thảo toàn quốc” (4 năm một lần). Liên hoan lần thứ IV-2007 diễn ra từ ngày 21 đến 24-8, tại TPHCM và Vũng Tàu.

Lần này, chương trình được truyền hình trực tiếp, quy tụ 193 đại biểu là những điển hình cảm động về lòng hiếu thảo của 61 tỉnh, thành trong cả nước. Đó là con, cháu, dâu, rể với những việc làm bình dị mỗi ngày, hết lòng phụng dưỡng đấng sinh thành. Họ thực sự là những tấm gương sáng, trong thời buổi kinh tế thị trường lắm bon chen này.

Ấm áp lòng hiếu thuận giữa đời thường

Mỗi điển hình là một minh chứng sống động về nỗ lực của bản thân. Họ “dệt” thành công những thông điệp vô cùng nhân văn bằng những việc làm bình dị, thiết thực hằng ngày. Như trường hợp của em Nguyễn Thị Kim Thoa, 15 tuổi, ở Phù Cát, Bình Định. Bố mẹ mất sớm, một mình em vừa phải gánh vác kinh tế gia đình vừa chăm nom đứa em trai bé dại.

Ở lứa tuổi ấy, trọng trách tưởng như ngoài sức nhưng Thoa đã đảm đương tròn vai và học tốt. Em bảo: “Cháu đã quen với cảnh mất cha, giờ cũng phải tập quen dần với cảnh mất mẹ. Hằng ngày, ngoài việc học ở lớp, cháu tranh thủ làm thuê cho bà con xung quanh để kiếm tiền nuôi nấng và dành thời gian dạy dỗ, chăm sóc đứa em trai đang học lớp 3. Cháu không thể gục ngã trước khó khăn chỉ mong bố mẹ yên lòng nơi chín suối...”.

Trong số các điển hình tham gia “Liên hoan đại biểu con cháu hiếu thảo toàn quốc” năm nay, có rất nhiều em nhỏ số phận éo le. Với những đứa trẻ, nếu được sinh ra ở TP, có lẽ bố mẹ còn phải dỗ dành nhưng các em đã “vượt lên chính mình” làm nên những kỳ tích khiến người lớn phải trăn trở, nghĩ suy.

Đó là Nguyễn Thanh Tú, học sinh lớp 9 ở ấp Bình Hòa, thị trấn Bình Đại, Bến Tre. Bố Tú mất sớm, mẹ lại bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ngoài giờ học, em phải đi lượm ve chai kiếm tiền nuôi hai em nhỏ và chăm sóc mẹ. Cứ mỗi dịp nghỉ hè, em lại nhận làm phụ hồ để kiếm tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống cho cả gia đình.

Hiếu thảo thời hiện đại

Trong thời kinh tế thị trường, việc thể hiện sự hiếu thảo đã năng động hơn. Nếu như, thời phong kiến hiếu thảo là sự nghe lời, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy... thì ngày nay, với yêu cầu công việc, nhiều người không có thời gian ở cạnh chăm sóc cha mẹ, nhưng không vì thế mà bảo rằng họ không hiếu thảo. Nhiều người vẫn làm tròn trách nhiệm người con, chăm sóc cha mẹ chu toàn.

Chữ hiếu phải xuất phát từ tình cảm yêu thương

Theo thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, nhà nghiên cứu về gia đình và các giá trị truyền thống, chữ hiếu về bản chất phải xuất phát điểm từ tình cảm của con người. Trước hết phải xuất phát từ tình cảm yêu thương, quan tâm, trách nhiệm và cách giáo dục của bố mẹ đối với con cái.

Giúp con cái thẩm thấu, cảm nhận và trân trọng những giá trị đích thực của mối quan hệ huyết thống. Nếu như chữ hiếu thời xưa mang nặng tính áp đặt, lễ nghi thái quá và cực đoan thì chữ hiếu hiện đại cần đi sâu vào gốc rễ, xây dựng tình cảm trong gia đình dựa trên tinh thần bình đẳng và dân chủ, sẻ chia, tâm lý.

Bên cạnh đó sự phân tầng thế hệ trong một gia đình cũng thể hiện rõ nét. Làm sao dung hòa mối quan hệ giữa nhiều thế hệ sống chung với nhau để gia đình luôn thuận hòa yên ấm? Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thanh Khuê, gương điển hình hiếu thảo của tỉnh Hà Nam, tham gia liên hoan năm nay, cho biết gia đình chị hiện có 4 thế hệ đang sinh sống nhưng không khí luôn đầm ấm, vui vẻ. Bí quyết đó là sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông và biết yêu thương, nhường nhịn cũng như mỗi thành viên phải biết hy sinh lợi ích riêng cho gia đình chung của mình.

Bà Nguyễn Hồng Loan, điển hình hiếu thảo của tỉnh Tiền Giang, thì có quan niệm rất thoáng. Từng kinh qua những năm tháng chiến tranh và thăng trầm cuộc đời, bà hiểu được những mất mát cũng như giá trị đích thực của tình ruột thịt. Chính vì lẽ đó bà luôn quan tâm chăm sóc và coi cha mẹ chồng như cha mẹ ruột và với anh em bên chồng bà rất mực nhường nhịn. Chính những đêm thức trắng chăm sóc bố mẹ và những việc làm cụ thể, thiết thực của bà đã tự ngấm vào con cái sự hiếu thuận.

Không thể hết những tấm gương sáng về lòng hiếu thảo trong cuộc sống hôm nay. “Liên hoan đại biểu con cháu hiếu thảo toàn quốc” năm nay mang nhiều ý nghĩa thiết thực góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống cao đẹp của người Việt; để lại nhiều bài học cho giới trẻ về tình yêu thương, sẻ chia, sự hy sinh, tấm lòng ơn nghĩa đối với cha mẹ trong thời đại ngày nay.

Theo NGUYÊN HÀ, Người lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên